Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Hàng trăm năm qua khi Tết đến xuân về, những hộc cốm, cùng mâm ngủ quả là món quý không thể thiếu để dâng lên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình xứ biển Bình Thuận – Ninh Thuận.
Cụ bà Đỗ Thị Loan đang xem lại những hạt "bông tuyết" nổ ra hạt ra từ lúa nếp. Ảnh: Bùi Phụ
Trong một lần về thăm mẹ của tôi năm nay đã gần 90 ở Ninh Thuận và được bà dặn: "Tết này về quê ăn Tết con nhờ tìm mua cho mẹ vài hộc cốm nếp làm thủ công, gói giấy hoa để mẹ dâng lên bàn thờ cúng ông bà tổ tiên nhen con. Hàng trăm năm qua, họ nhà mình cúng Tết không thể thiếu hộc cốm này…"
Tuy nhiên, để kiếm được một hộc cốm Tết như mẹ tôi nói thật không dễ trong thời buổi 4.0 này.
Nhờ người quen giới thiệu, một ngày trung tuần tháng Chạp (tháng 1/2023), chúng tôi tìm đến một gia đình có 4 đời làm hộc cốm truyền thống ở TP Phan Thiết.
Nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở phường Xuân An, TP. Phan Thiết(Bình Thuận) là ngôi nhà cấp 4 rộng, sạch sẽ, ngăn nắp là nơi gia đình cụ bà Đỗ Thị Loan (70 tuổi) đang sinh sống.
Và cũng chính nơi đây đã biến những hạt nếp thành những hộc cốm, gói giấy hoa chứa những hạt ngọc có mùi thơm "hương đồng gió nội" mà Mẹ tôi luôn dặn phải tìm mua.
Cụ Đỗ Thị Loan cho biết, gia đình cụ đã làm cốm Tết đã hơn 4 đời và trải qua hơn 100 mùa Tết.
"Do các anh chị trong gia đình chọn nghề khác, nên từ ngày cha tôi mất đến giờ tôi phải có trách nhiệm giữ gìn cái nghề làm cốm Tết này. Tuy lời lãi không cao, nhưng tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm phát triển nghề làm cốm đến khi hết làm nổi thì thôi. Tôi hy vọng, con cháu sẽ có đứa theo nghề, bởi cốm Tết là cái hồn của dân tộc hàng mấy trăm năm qua khi Tết đến xuân về…", cụ Loan tâm sự.
Cũng theo lời cụ Loan, nhờ nghề này mà cụ đã nuôi 4 người con vào tốt nghiệp đại học, trong đó có một người làm kiến trúc sư và một cô giáo dạy THPT ở TP Phan Thiết.
Gửi cả tấm lòng vào hộc cốm Tết
Theo lời các vị lớn tuổi ở TP. Phan Thiết, cốm Tết là nét văn hóa riêng của người dân Bình Thuận – Ninh Thuận hàng trăm năm qua.
Hơn 20 năm trước, bắt đầu từ tháng 12 âm lịch nhiều gia đình đã đắp lò chọn nếp rang nổ, dọng cốm Tết rất vui.
Nhưng 20 năm trở lại đây, nghề này dường như bị thất truyền nên nhiều gia đình chọn mua các loại bánh khác. Gia đình cụ Loan là một trong những gia đình hiếm hoi còn giữ nghề làm cốm Tết ở Bình Thuận bán cho người dân cúng ông bà tổ tiên.
Theo lời cụ Cụ Đỗ Thị Loan, cốm Tết được làm từ lúa nếp thơm 3 tháng. Vào khoảng tháng 8 hàng năm, gia đình cụ phải ra tận tỉnh Bình Định chọn mua loại lúa nếp này chuyển về Bình Thuận làm cốm Tết. Mấy năm qua, trung bình mỗi mùa Tết gia đình cụ mua khoảng 10 tấn lúa nếp để làm cốm.
Muốn cốm ngon, phải trải qua nhiều công đoạn. Trước tiên là chọn nếp, sau đó rắm nếp, rang nếp, sàng, sảo nổ đến đóng hộc, phơi nắng, gói giấy hoa…
"Để có những "bông tuyết" đẹp, nếp được cho vào nồi gang nổ bung trắng tươi như hoa tuyết. Kế đến trộn đều với nước phèn theo tỷ lệ 50kg nếp 1 lít nước. Lúa nếp nổ thành bông được gằn vỏ, sảo lại cẩn thận trên hệ thống lưới rồi cho vào bao để bán cho các nơi đóng hộc cốm…", cụ Loan tiết lộ.
Hiện tại, người con gái út của cụ Loan cũng khéo tay, nên tận tay gói giấy hoa để những hộc cốm hoàn chỉnh để bán cho những gia đình cần mua về cúng Tết.
Theo lời cụ Loan, 1 tấn lúa nếp có thể rang, nổ ra khoảng 500kg. Sau đó, đường ngào theo tỷ lệ 1kg nổ tương đương 1,5 kg đường, 1 quả thơm.
Khi thắng đường cùng thơm vàng sánh mới thả gừng đã giã nhỏ vào. Vị cay nồng của gừng, quyện với mùi thơm của nếp tạo nên hương vị ngon tuyệt riêng của hộc cốm.
Sau đó, những người thợ dùng những khuôn gỗ, rỗng hai mặt, nhồi cốm vào, dùng miếng gỗ rời ép cốm thành một khối. Sau đó, đem phơi khô và gói giấy hoa…
Clip cụ Đỗ Thị Loan kiểm tra những "bông hoa tuyết" vừa nổ ra từ những hạt lúa nếp. Ở 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận từ lâu cốm trở thành một trong những sản vật dâng cúng ông bà tổ tiên. Thực hiện: Bùi Phụ
Theo lời cụ Loan, việc làm cốm Tết và nổ nếp chỉ hoạt động nhiều vào những tháng cuối năm. Trung bình mỗi ngày có khoảng 10 thợ làm việc và tiền lương trung bình mỗi ngày khoảng 300.000 đồng. Sau khi trừ tổng chi phí, gia đình có lời không bao nhiêu. Nhưng yêu cái nghề truyền thống ông, bà để lại nên năm nào cũng làm cốm Tết .
"Gia đình tôi nổ và làm hộc cốm toàn bộ bằng thủ công truyền thống. Lúc làm như gửi cả tâm hồn nỗi niềm, những hy vọng cho tương lai tươi đẹp vào đó và mong người ăn cốm có một năm mới Vạn sự như ý...", cụ Loan chia sẻ.
Anh Nguyễn Trung Thành, một người dân Phan Thiết nhưng đi làm và sinh sống ở TP.HCM cho biết, dù đi xa nhưng năm nào anh cũng về Phan Thiết mua cốm gửi vào Sài Gòn và em út ở xa chưng Tết.
"Ăn cốm quê nhà, như ôm cả nỗi nhớ quê hương. Đặc biệt là cốm do gia đình cụ Loan làm có vị béo, mềm dẻo của nếp, mùi cay ấm của gừng, vị chua của thơm... Với những người con xa xứ, qua Tết mở hộc cốm ra ăn là nhớ hương vị, nhớ cả thời thơ ấu ở quê nhà…", anh Trung Thành tâm sự.
Theo các cơ quan chức năng TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), trên địa bàn hiện còn khoảng gần 50 hộ làm cốm, nổ và chỉ làm nhiều trong dịp Tết cổ truyền.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.