Bình Thuận: Trồng thanh long, măng tây xanh thích ứng với biến đổi khí hậu
Bình Thuận: Trồng thanh long, măng tây xanh thích ứng với biến đổi khí hậu
Đức Thịnh
Thứ năm, ngày 18/11/2021 09:00 AM (GMT+7)
Từ nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), các hộ nông dân Bình Thuận có điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu cho hiệu quả kinh tế cao.
Những năm qua, Ban Điều hành Quỹ HTND huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) đã thực hiện tốt việc giải ngân các dự án trồng trọt, chăn nuôi. Nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp nhiều gia đình hội viên, nông dân có điều kiện xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả, tăng thu nhập.
Riêng trong năm 2020, Hội ND huyện Hàm Thuận Nam đã giải ngân gần 4 tỷ đồng cho gần 150 hộ trồng thanh long vay vốn phát triển sản xuất. Trong đó, nguồn vốn Quỹ HTND T.Ư Hội NDVN ủy thác 2,9 tỷ đầu tư 6 dự án chăm sóc cây thanh long với sự tham gia 77 hộ vay; Hội ND tỉnh đầu tư 600 triệu đồng vốn quỹ để thực hiện 4 dự án chăm sóc cây thanh long với 35 hộ vay. Hội ND huyện cũng thực hiện 7 dự án về đầu tư chăm sóc cây thanh long với số vốn 475 triệu đồng cho 37 hộ vay. Từ nguồn Quỹ HTND, anh Võ Văn Chín (ở thôn Phú Phong, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam) đã đầu tư trồng hành và 500 trụ thanh long, sản xuất 1,3 sào lúa. Mô hình giúp gia đình anh hoàn trả vốn vay đúng hạn và có thu nhập khá.
Thêm nhiều mô hình liên kết
Theo Hội ND tỉnh Bình Thuận, trong 9 tháng đầu năm 2021, các cấp Hội đã tạo điều kiện hỗ trợ 244 hộ dân vay vốn ưu đãi từ Quỹ HTND tỉnh với tổng số tiền trên 7 tỷ đồng, triển khai 23 dự án trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản và các ngành nghề khác.
Bên cạnh đó, các cấp Hội phối hợp ủy thác, tín dụng với các Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ 18.542 hộ vay vốn với tổng dư nợ đến nay trên 615 tỷ đồng; tạo điều kiện cho 18.012 hộ vay vốn từ Ngân hàng NNPTNT với tổng dư nợ đến nay trên 1.213 tỷ đồng để thực hiện các mô hình phát triển kinh tế.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, các hộ có điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình: Trồng nho, táo, măng tây xanh theo tiêu chuẩn VietGAP (huyện Ninh Hải, Ninh Phước); "1 phải 5 giảm" trên cây lúa (huyện Ninh Phước, Thuận Nam); trồng thanh long (huyện Hàm Thuận Nam), chăn nuôi cừu, dê, bò vỗ béo (huyện Bác Ái, Thuận Bắc)...
Thông qua nguồn vốn vay ưu đãi, các hội viên nông dân có điều kiện đầu tư, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Qua thống kê, toàn tỉnh hiện có 13 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản và 5 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi cừu, dê, bò với các cơ sở giết mổ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò, thời tiết diễn biến thất thường khiến đầu ra một số sản phẩm nông nghiệp thiếu tính ổn định, giá cả sụt giảm. Trong khi đó, giá nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi, phân bón và các loại vật tư nông nghiệp tăng, ảnh hưởng đến lợi nhuận thu về của người nông dân.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến - Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Bình Thuận cho biết: Khắc phục những khó khăn trên, từ nay đến cuối năm Hội ND tỉnh tăng cường phối hợp với các sở, ngành, ngân hàng, doanh nghiệp tập trung huy động các nguồn lực tiếp tục hỗ trợ hội viên vay vốn, hỗ trợ thiết bị, vật tư nông nghiệp; tạo điều kiện giúp các hội viên đẩy mạnh liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.