Vì sao chơi hụi ngày càng nở rộ ở khu vực nông thôn? Vì sao liên tiếp xảy ra vỡ hụi mà nạn nhân chủ yếu là người dân nông thôn? Làm sao để tham gia hụi, họ an toàn và hiệu quả? Phóng viên Báo NTNN/Dân Việt đặt những câu hỏi này với TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - ngân hàng.
Chơi hụi, tham gia các dây hụi là hoạt động đang diễn ra phổ biến tại nhiều làng quê, ông có thể lý giải về tình hình này?
- Chơi hụi là hình thức tương tự với mô hình huy động và cho vay tại các tổ chức tín dụng hiện nay.
Người dân tập trung trước nhà một chủ hụi ở xã Trường Long Tây (Châu Thành A, Hậu Giang) sau khi vỡ dây hụi 6 tỷ đồng. Ảnh: H.X
Chúng ta cũng phải biết một thực tế là ở vùng nông thôn, rất nhiều nông dân thu nhập thấp, họ không có cơ hội, không có tài sản đảm bảo để tiếp cận vốn vay ngân hàng. Bởi nếu đi vào ngân hàng vay là phải có giấy tờ, có tài sản thế chấp, thủ tục rườm rà... Những người này thường tìm đến 2 kênh dẫn vốn khác là chơi hụi và tín dụng đen.
Cả 2 kênh này đều là kênh rất rủi ro nhưng nó đáp ứng nhu cầu tài chính của nhiều người dân trong khi kênh chính thống không đáp ứng được. Khi tham gia chơi hụi, khi hốt hụi, người dân sẽ có một khoản tiền lớn có thể đáp ứng những nhu cầu tài chính vào một thời điểm nào đó, ví dụ như mua xe, xây sửa nhà cửa, cho con nhập học...
Trong khi đó, những người có tiền thay vì họ gửi ngân hàng với lãi suất tương đối thấp thì họ mang ra đóng hụi với kỳ vọng nhận được mức lợi nhuận cao hơn.
Một tờ giấy sơ sài ghi nhận việc tham gia hụi. Ảnh: D.T
Xét về mặt pháp luật, chơi hụi không hề bị pháp luật cấm. Trên tực tế hoạt động chơi hụi còn được quy định bởi Nghị định 144/2006. Như vậy, trên cơ sở cung - cầu và hành lang pháp lý thì rõ ràng, việc chơi hụi trở nên phổ biến tại vùng nông thôn là điều dễ hiểu.
Thực tế cho thấy chơi hụi phổ biến nhưng không phải lúc nào cũng an toàn. Qua nhiều vụ việc vỡ hụi gần đây, ông đánh giá về tính an toàn của hình thức chơi hụi thế nào?
Người Mỹ có câu “Tin tưởng là tốt nhưng kiểm soát còn tốt hơn”. Chơi hụi nếu có niềm tin là tốt nhưng nếu không kiểm soát được thì không nên chơi. Nếu bây giờ tất cả mọi người đóng hụi cho ông chủ hụi nhưng không kiểm soát được, đến lúc ông chủ hụi bỏ chạy mới vỡ ra thì tài sản cũng đã bay hết rồi”.
TS Nguyễn Trí Hiếu
|
- Chính xác là như thế. Cái gì gắn với tiền, gắn với vay mượn sẽ không thể tránh khỏi rủi ro. Chơi hụi cũng không phải trường hợp ngoại lệ.
Rủi ro đầu tiên đó là rủi ro cho vay, rủi ro mất vốn. Cũng như các ngân hàng thương mại, chơi hụi cũng vậy. Khi nhiều người cùng tham gia, rất có thể xảy ra trường hợp 1 người nào đó sau khi hốt hụi xong ôm tiền bỏ trốn. Khi người hốt hụi bỏ trốn thì những người còn lại sẽ mất hết số tiền đã tham gia.
Rủi ro thứ 2 và cũng là rủi ro thường gặp nhất tại các vùng nông thôn hiện nay, đó là chủ hụi sau khi nhận tiền của mọi người đóng góp thấy đủ lớn cũng ôm tiền bỏ trốn. Trong trường hợp này, người dân nghèo là những người phải chịu mất mát, thiệt thòi.
Thứ 3, rủi ro về mặt pháp lý. Chẳng hạn như trong Nghị định 144/2006, quy định những người khi tham gia chơi hụi có thể thỏa thuận bằng văn bản hoặc bằng miệng. Việc thỏa thuận bằng miệng chính là rủi ro. Khi người chơi thỏa thuận đóng hụi với nhau qua lời nói, hoàn toàn không có 1 văn bản pháp lý nào cả thì khi tranh chấp xảy ra pháp luật cũng khó lòng bảo vệ họ.
Thực tế, việc chơi hụi không như hoạt động của ngân hàng. Ngân hàng cho vay ra thì có giấy tờ thẩm định, còn những người chơi hụi thì chỉ dựa vào uy tín của nhau. Chơi hụi là hình thức cho vay và tiết kiệm dựa trên lòng tin, vì thế mà nó mở ra những cơ hội lừa đảo, lợi dụng lòng tin đó, thành ra chơi hụi rất nguy hiểm.
Nguy hiểm nhưng không thể nói là không nên chơi hụi vì những lúc cần tiền, cần số tiền đột xuất lúc đó vay ngân hàng không được, vay người thân không được, nhiều người phải chơi hụi để có được số tiền đáp ứng nhu cầu của mình.
Như ông chia sẻ, hụi cũng rủi ro nhưng không thể nói là không nên chơi. Vậy người dân cần hiểu biết những gì khi tham gia chơi hụi để có thể có an toàn nhất?
- Điều đầu tiên tôi muốn khẳng định đó là, nếu người dân có khả năng vay tiền kênh chính thống thì nên vào những kênh chính thống để vay như các ngân hàng, hay các tiệm cầm đồ. Ngân hàng hay chí ít là tiệm cầm đồ đó là những cơ sở truyền thống. Tất cả những vay mượn cầm cố đều có văn bản công chứng, thành ra có cơ sở pháp lý để khi gặp trường hợp bị 1 bên nào lừa đảo thì có cơ sở pháp lý để kiện tụng. Nếu có điều kiện dư thừa tiền thì người dân cũng nên gửi tại các ngân hàng để vừa có lợi vừa an tâm.
Còn trong trường hơp tham gia hụi, người chơi phải tính toán xem tiền lãi khi chơi hụi là bao nhiêu; khi hốt hụi, lãi phải trả là bao nhiêu. Thường lãi suất khi chơi hụi rất cao nhưng người dân lại không biết tính nên cứ tưởng chơi hụi là tốt, nhưng thật sự khi tính ra tiền lãi mình trả cho việc hốt hụi lại quá lớn, gây ảnh hưởng tới tài chính của mỗi người chơi. Lợi lớn lại thuộc về chủ hụi.
Điều quan trọng nhất khi tham gia chơi hụi và có tính quyết định lớn đến tài sản của mỗi người đó chính là việc “chọn mặt gửi vàng”. Điều đó có nghĩa rằng, người góp tiền phải nắm rất rõ chủ hụi của mình là ai, ai là những người cùng tham gia chơi. Đừng bao giờ tin tưởng vào những thông tin chủ hụi đưa ra để tạo ra uy tín cho họ mà phải được kiểm chứng.
Cần phải tỉnh táo khi lựa chọn người chơi, người chủ hụi. Chọn những người uy tín, từng làm chủ hụi lâu, làm chủ hụi nhiều lần và tất cả những lần đó đều suôn sẻ. Còn những người lần đầu tiên đúng ra tổ chức hụi và chưa có uy tín gì thì nên tránh những người đó, bởi chúng ta sẽ không biết họ hoạt động như thế nào.
Vậy ngoài sự “sáng suốt” của người dân thì cơ quan quản lý nhà nước cần có vai trò thế nào, theo ông?
- Như tôi đã đề cập, hiện nay đã có hành lang pháp lý cho chơi hụi nhưng còn nhiều lỗ hổng, chưa chặt chẽ. Nếu như khoảng trống pháp luật còn chưa được lấp đầy thì rõ ràng sẽ còn nhiều người lợi dùng lòng tin của người dân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của dân nghèo mà chúng ta lại không có chế tài nào xử lý được. Chính phủ nên đưa những quy định chặt chẽ hơn chứ không có chuyện thỏa thuận bằng miệng được. Thời đại 4.0 rồi mà vẫn dùng hình thức vay mượn bằng miệng từ thời thượng cổ là không phù hợp.
Tất cả những vấn đề chơi hụi là phải được ghi nhận bằng văn bản có công chứng. Những thành viên như thế nào, chủ hụi là ai đóng tiền như thế nào, phương thức đóng góp như thế nào phải được ghi lại đầy đủ. Khi thực hiện nghiêm quy trình này, rủi ro sẽ giảm.
Xin cảm ơn ông!
Người bị giật hụi có thể kiện ra tòa
Về vụ việc vợ chồng bà Phạm Thị Mỹ Hiền (xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) dùng nhiều thủ đoạn rủ rê hàng trăm hộ nông dân chơi hụi rồi ôm hơn 20 tỷ đồng bỏ trốn, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, trường hợp này giữa người dân và vợ chồng bà Hiền phát sinh mối quan hệ dân sự, đó là: Mượn tài sản (hụi, họ, biêu, phường, gọi chung là họ) là một trong các hình thức vay tài sản theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2005.
Luật sư Hòe cho biết, căn cứ Nghị định 144/2006 thì chủ hụi có trách nhiệm thanh toán tiền hụi cho các hội viên đã góp hụi và một trong những nghĩa vụ của bên mượn tài sản (chủ hụi) là "trả lại tài sản mượn đúng thời hạn; nếu không có thoả thuận về thời hạn trả lại tài sản thì bên mượn phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được".
Trong trường hợp chủ hụi không trả tiền cho các hụi viên, các hộ dân có khởi kiện ra tòa theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Trong trường hợp có tranh chấp về họ hoặc phát sinh từ họ thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hoà giải hoặc theo yêu cầu của một hoặc nhiều người tham gia họ, tranh chấp đó được giải quyết tại toà án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Còn luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, hành vi của vợ chồng bà Hiền đã cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Khoản 4, Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999. Người vi phạm có thể bị phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân, và còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng...
Đình Việt
Thỏa thuận miệng nên khó xử lý
Năm 2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre tổ chức khảo sát về vấn đề vỡ hụi trên địa bàn tỉnh, cho thấy chơi hụi có lãi xảy ra hầu hết ở các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Các đối tượng chơi hụi có lãi phần lớn là phụ nữ trung niên, là người nắm tài chính trong gia đình. Tình trạng vỡ hụi, vỡ nợ trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền trị giá trên 95 tỷ đồng. Công an các cấp trong tỉnh đã thụ lý 20 vụ vỡ nợ, bể hụi, nhưng gần như các nạn nhân đều không thể lấy lại được tiền.
Phó Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre Trần Thị Bé Nhân cho biết, khi tham gia chơi hụi, giữa hụi viên và chủ hụi chỉ thỏa thuận chủ yếu bằng lời nói mà không ghi chép, đối chiếu, xác nhận rõ ràng, dẫn đến khi vỡ hụi không có giấy tờ, sổ sách chứng minh số tiền mà hụi viên tố cáo chủ hụi chiếm đoạt; không có căn cứ pháp lý để xử lý hình sự các vụ vỡ hụi.
Tại một cuộc tọa đàm bàn giải pháp hạn chế chơi hụi có lãi do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre tổ chức hồi tháng 5.2018, đại diện các cấp, các ngành cho rằng, quy định của pháp luật chưa chặt chẽ dẫn đến hình thức chơi hụi biến tướng xảy ra nhiều vụ vỡ hụi. Người dân nên hạn chế tối đa chơi hụi có lãi mà đầu tư vào những hình thức khác như: gửi tiết kiệm ngân hàng, đầu tư kinh doanh...
Thu Hiền
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.