Cách đây 6 năm, nhận thấy bơ booth cho hiệu quả kinh tế cao, anh Bùi Nguyên, trú tại phường An Lạc (thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) đã mạnh dạn đầu tư hàng chục triệu đồng mua cây giống về trồng xen canh với sầu riêng trên diện tích đất hơn 1ha của gia đình. Thế nhưng, lượng cây cho trái chỉ đạt chưa đến 50%, việc chăm sóc cũng khó khăn hơn khiến anh phải tự tay chặt hạ ½ vườn bơ của mình.
“Năm đó, thấy thương lái lùng mua bơ này với giá cao gấp 2-3 lần bơ thường, cơm cũng ngon, dẻo nên tôi đi mua cây giống về trồng. Người nông dân cứ thấy loại nào có giá cao thì trồng mặc dù chưa biết đầu ra ra sao, đổ xô đi mua cây giống với giá 80-100.000 đồng/cây. Vậy mà trồng lên, nhiều cây tốt xum xuê nhưng không có quả, số còn lại có quả thì giá rớt thê thảm”, anh Nguyên kể.
Giống bơ booth có nguồn gốc từ Mỹ, được đưa vào trồng ở Đắk Lắk từ đầu những năm 2000 và phát triển mạnh trong 5 năm gần đây.
Theo anh Nguyên, năm ngoái, giá thương lái thu mua tại vườn còn đạt 30-35.000 đồng/kg, nếu tự cắt mang bán thì được giá 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay chỉ còn 6-7.000 đồng/kg đối với loại to đẹp, da bóng bẩy; loại nhỏ và xấu chỉ còn 4-5.000 đồng/kg khiến anh không buồn hái, vẫn neo quả trên cây chờ giá lên.
“Cứ hy vọng vậy thôi nhưng theo tôi khó mà có thể lên được. Loại bơ này không như bơ sáp hay 034, nó rất khó cho trái bởi là giống bơ nhập khẩu. May là tôi trồng xen sầu riêng chứ như một số hộ khác phá rẫy trồng bơ hoặc chặt hết các loại cây ăn quả khác đi trồng loại này thì lỗ to”, anh Nguyên thở dài.
Những năm trước đây bà con nông dân thấy bơ booth có mức giá cao nên đã chạy theo phong trào trồng bơ ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu.
Cũng trồng bơ booth tại xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk), chị Chu Thị Kiều Oanh phải tự hái bơ nhà mình đem đi bán với giá 7.000 đồng/kg, đồng thời thu mua giúp bà con một số xã lân cận nhằm “giải cứu” bơ.
“Nhiều nhà thương lái trả rẻ quá họ để rụng cho bò ăn chứ không bán, thậm chí có người cầm 3 quả bơ đi mấy chục km để dò giá xem chỗ nào mua cao thì mới bán”, chị Oanh cho hay.
Những quả bơ booth da bóng, sáng, đẹp từ 2-3 quả/kg chỉ được thu mua với giá 6-7.000 đồng/kg.
Theo chị Oanh, nếu như năm ngoái giá cao, từ 35-40.000 đồng/kg nhưng lại rất dễ bán thì năm nay giá rẻ mà không có người mua bởi bơ ít trái, trái lại nhỏ và bị nám nhiều, mặt khác do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên không xuất khẩu được. Hơn nữa, từ tay người nông dân đến người tiêu dùng tốn quá nhiều khâu trung gian và chi phí, nhất là tiền công vận chuyển.
“Thương lái chỉ trả 2-3.000 đồng/kg bơ xô nên nhiều nhà không bán, họ tự lên mạng đăng bài rồi bán lẻ cho các mối. Tôi tự bán thì được 6-7.000 đồng/kg nhưng lại mất tiền mua thùng đóng hàng 17.000 đồng/50kg, thuê người chở 20.000 đồng/thùng, rồi ủ 2-3 hôm để vận chuyển khỏi hư hỏng, chưa kể hao hụt hay hập nát. Tính ra mỗi tạ bơ lãi được vài chục nghìn mà rất mệt”, chị Oanh nói.
Trên chợ mạng, bơ booth được rao bán tràn lan với giá chỉ 7.000 đồng/kg.
Trao đổi với PV, ông Hồ Sỹ Nguyên, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cư Kuin xác nhận giá bơ booth trên địa bàn huyện đang được thu mua với giá chỉ 5.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyên, trên địa bàn huyện Cư Kuin có khoảng 600-700ha bơ và sầu riêng, diện tích bơ khoảng 200ha, chủ yếu là bơ booth và một số giống bơ cao sản, chất lượng ngon nhưng đầu ra chưa ổn định, chưa hình thành được chuỗi giá trị nên bị tư thương ép giá.
“Giá thấp một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc vận chuyển, tiêu thụ gặp không ít khó khăn, phần còn lại là do diện tích trồng ngày càng lớn, bà con lại không đảm bảo được đầu ra, phụ thuộc quá nhiều vào tư thương”, ông Nguyên nhận định.
Để đảm bảo được đầu ra ổn định và tạo nên giá trị cao cho trái bơ, ông Nguyên cho rằng bà con nông dân phải tự mình hình thành được chuỗi giá trị, đảm bảo được chất lượng đầu ra để điều tiết được thị trường bởi nhu cầu sử dụng bơ trên thị trường còn rất rộng mở.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.