Bộ Công Thương kiểm tra thông tin xin giấy phép XK gạo mất 20.000USD

Thanh Xuân Thứ sáu, ngày 24/02/2017 11:01 AM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa có chỉ đạo lập đoàn kiểm tra nhằm làm rõ sự việc thông tin "xin giấy phép xuất khẩu gạo phải tốn không dưới 20.000 USD".
Bình luận 0

img

Bộ Công Thương kiểm tra thông tin xin giấy phép xuất khẩu gạo mất 20.000 USD

Bộ Công Thương cho biết: Ngày 23.2.2017, một số báo điện tử ( Dân Việt, Vietnamnet, Người Lao Động ...) có đăng tải ý kiến phát biểu của ông Ngô Văn Nam - Tổng Giám đốc Công ty TNHH ADC tại Tọa đàm về đề xuất sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo tổ chức chiều 22.2.2017 tại TP. Hồ Chí Minh như sau: “Ông Nam thông tin, mỗi lần xin phép thì tốn mấy chục nghìn USD, không dưới 20.000 USD”, “Lý do là mỗi lần xin là “mấy chục ngàn đô”, rất lãng phí ... chủ trì tọa đàm hỏi về chi phí xin giấy phép và được vị đại diện này khẳng định “không dưới 20.000 USD”.

Sau khi nhận được thông tin trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Thanh tra Bộ thành lập Đoàn xác minh, đồng thời giao Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh trực tiếp chỉ đạo, làm việc cụ thể với các đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan để xác minh, làm rõ sự việc mà các báo đã nêu.

Trước đó, như Dân Việt đã đưa tin, ông Ngô Văn Nam – Tổng giám đốc Công ty TNHH ADC cho biết như vậy tại buổi tọa đàm “Vận động sửa đổi điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại TP.HCM chiều 22.2.

Ông Nam cho biết, doanh nghiệp (DN) này có vùng nguyên liệu lúa gạo 35.000ha tại ĐBSCL, với nhà máy lau bóng, xay xát… có công suất 30.000 tấn. Tuy nhiên, ADC không trực tiếp xuất khẩu gạo mà phải thông qua một công ty con.

Vị này cho rằng, việc mỗi lần xuất khẩu gạo mỗi lần xin phép là không cần thiết, vừa tốn chi phí vừa tốn thời gian của DN. Ông Nam thông tin, mỗi lần xin phép thì tốn mấy chục nghìn USD, không dưới 20.000 USD.

Ngoài ra, để đủ điều kiện xuất khẩu gạo, mỗi ngày DN phải báo cáo số liệu cho cơ quan chức năng, rằng xuất khẩu được bao nhiêu, tồn kho bao nhiêu… Những việc này nhỏ nhưng rất tốn thời gian. “Như DN tôi phải tuyển thêm người chỉ để làm báo cáo!”, ông Nam bức xúc.

Trong khi đó, theo quy định của Nghị định 109 về kinh doanh, xuất khẩu gạo, DN muốn xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, ông Nam cho rằng quy định này không còn ý nghĩa, vì diện tích vùng nguyên liệu theo quy định này rất nhỏ, không thấm vào đâu so với nhu cầu nguyên liệu đầu vào của DN.

Hơn nữa, việc phải có vùng nguyên liệu là yêu cầu thị trường, xuất phát từ các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, yêu cầu kiểm soát dư lượng thuốc BVTV trong sản phẩm… Do đó, ông Nam đề xuất bãi bỏ các quy định này.

Bà Đặng Thị Liên – Giám đốc Công ty Lương thực thực phẩm Long An cho rằng, không nên bỏ quy định DN xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu nhưng không nên khống chế về diện tích.

Theo bà Liên, trong tình hình xuất khẩu gạo hiện nay, bắt buộc DN phải có vùng nguyên liệu để có thể truy xuất nguồn gốc. Ngay cả thị trường Trung Quốc, mới đây khi họ cử đoàn qua Việt Nam kiểm tra tình hình xuất khẩu gạo vào nước này thì họ cũng yêu cầu phải có vùng trồng, có sổ sách theo dõi mùa vụ, phun thuốc, bón phân…

“Bản thân doanh nghiệp tôi, muốn xuất khẩu vào Mỹ cũng phải tự kiểm soát vùng nguyên liệu, từ việc phun thuốc, bón phân của nông dân. Còn như xuất khẩu nếp, chúng tôi phải quy hoạch riêng vùng sản xuất. Vì khi xuất bán qua Đài Loan, cho tới khi hàng đảm bảo chất lượng, đủ tiêu chuẩn nhập kho của họ rồi họ mới trả tiền, nếu không là mình “mất trắng”, bà Liên cho ví dụ.

Đồng quan điểm, ông Lê Thanh Tùng – Cục Trồng trọt nhận định, hiện nay, những DN xuất khẩu gạo tốt đều xây dựng được vùng nguyên liệu, chẳng cần quy định của cơ quan chức năng. Trước đây, DN chưa có ý thức về xây dựng vùng nguyên liệu nhưng khi xuất khẩu phát triển, DN muốn đưa hàng vào các thi trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu… thì bắt buộc phải xây dựng vùng nguyên liệu.

Ông Tùng cho rằng, nếu không quy định DN xuất khẩu phải có vùng nguyên liệu thì sẽ dễ xảy ra tình trạng DN “làm ăn hớt váng” nhảy vào những vùng nguyên liệu đã được xây dựng sẵn, tạo ra cạnh tranh không công bằng.

“Chỉ cần DN vào sau, không đầu tư gì cho nông dân nhưng mua cao giá hơn 100 – 200 đồng/kg là nhiều nơi sẽ “phá kèo” hợp đồng với những DN đã kỳ công xây dựng vùng nguyên liệu trước đó”, ông Tùng dẫn chứng.

Cũng theo ông Tùng, trong tương lai, ngành gạo VN cũng sẽ phát triển theo hướng xuất khẩu dựa trên vùng nguyên liệu, DN nào có được vùng nguyên liệu, chăm chút cho chất lượng thì sẽ tồn tại lâu dài. Ngược lại, DN không có vùng nguyên liệu, không kiểm soát được nguồn đầu vào thì chắc sẽ phải chuyển sang ngành nghề khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem