Bỏ độc canh cây lúa, thả tôm vào tung tăng bơi lội, chăm nhàn mà lúa tôm đều nhanh lớn
Bỏ độc canh cây lúa, thả tôm vào tung tăng bơi lội, chăm nhàn mà lúa tôm đều nhanh lớn
Chúc Ly
Thứ ba, ngày 01/09/2020 19:00 PM (GMT+7)
Mô hình tôm - lúa được các ngành chức năng đánh giá có hiệu quả cao và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì vậy, những năm gần đây, các tỉnh ĐBSCL hướng đến xây dựng và nhân rộng mô hình này theo hướng an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Canh tác tôm - lúa ở ĐBSCL có lịch sử hơn 50 năm. Mô hình nuôi tôm - lúa tăng trưởng nhanh ở ĐBSCL. Năm 2000 diện tích tôm - lúa là 71.000ha, đến 2015 đạt 175.000ha, chiếm hơn 30% tổng diện tích nuôi tôm sú toàn vùng, sản lượng đạt 75.000 tấn.
Năng suất tôm - lúa bình quân 300 - 500kg/ha tôm và 4-7 tấn lúa/ha. Lợi nhuận trung bình của mô hình từ 35 - 50 triệu đồng/ha/năm (cả tôm và lúa).
Những năm gần đây, các tỉnh ĐBSCL đang hướng đến sản xuất tôm - lúa theo hướng an toàn, để đáp ứng nhu cầu ở những thị trường khó tính.
Ông Nguyễn Hoàng Lâm - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Thới Bình (Cà Mau), nhận định: "Tôm - lúa được xem là mô hình thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu. Con tôm nuôi trong ruộng lúa tăng trọng nhanh nhờ nguồn thức ăn dồi dào, lại hạn chế bệnh tật. Còn cây lúa trồng sau vụ nuôi tôm cũng rất hiệu quả bởi đất được bổ sung độ phì nhiêu".
Theo ông Nguyễn Trần Thức – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau, vùng nguyên liệu muốn mở rộng thì trước tiên tỉnh cần phải đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi hoàn thiện, phù hợp với mô hình lúa tôm theo hướng an toàn.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu, hiện mô hình tôm - lúa quảng canh cải tiến (1 vụ tôm, 1 vụ lúa) phổ biến nhiều ở các vùng chuyên canh lúa năng suất thấp.
Mô hình này có diện tích nuôi lớn, mương bao xung quanh, thả nuôi mật độ thấp, không sử dụng thức ăn công nghiệp và không đòi hỏi kỹ thuật cao.
Đặc biệt, ngành chức năng đang tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật thích hợp trong canh tác mô hình một vụ tôm - một vụ lúa nhằm nâng cao giá trị lúa gạo và hạn chế rủi ro, từng bước hướng tới sản xuất chất lượng, an toàn.
Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu đánh giá, mô hình tôm - lúa đã góp phần cải tạo đất, trừ sâu hại và cắt vòng đời dịch bệnh, hạn chế lượng phân bón, thuốc trừ sâu trong giai đoạn đầu, nhờ vậy làm giảm chi phí sản xuất, lợi nhuận trung bình tăng khoảng 15 - 30% so với độc canh cây lúa hoặc độc canh con tôm.
Xu hướng sử dụng giống lúa chất lượng cao
Tại Bạc Liêu, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển mô hình tôm sạch, lúa an toàn theo quy trình hữu cơ áp dụng hệ thống canh tác tôm - lúa phía Bắc Quốc lộ 1A đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
Theo đó, các vùng quy hoạch sẽ thực hiện theo quy trình kỹ thuật từ áp dụng lịch thời vụ, cơ cấu giống lúa, chăm sóc, quản lý dịch hại tổng hợp thông qua việc hỗ trợ giống, vật tư và tập huấn kỹ thuật cho nông dân.
Đặc biệt, chuyển dần từ quy trình sản xuất vô cơ sang sản xuất an toàn, tạo ra sản phẩm tôm sạch, lúa an toàn theo quy trình hữu cơ trên vùng tôm - lúa.
Bên cạnh đó, chú trọng thay đổi tập quán canh tác của nông dân, hướng đến canh tác bền vững, tiến tới đạt các chứng nhận như VietGAP, ASC, Organic… Các diện tích thực hiện mô hình tôm sạch, lúa an toàn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2019 - 2020 là xây dựng 3 vùng sản xuất tôm sạch, lúa an toàn với diện tích khoảng 150ha, và tiến tới sẽ nhân rộng cho những năm tiếp theo khoảng 1.200ha sau năm 2020.
Toàn bộ diện tích sản xuất tôm sạch, lúa an toàn theo quy trình canh tác hữu cơ tại 3 vùng (thuộc huyện Hồng Dân, huyện Phước Long và thị xã Giá Rai) đạt các tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản hoặc các thị trường tiềm năng khác.
Đến năm 2025 đưa diện tích tôm sạch, lúa an toàn đạt 41.000ha; góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn vùng Bắc Quốc lộ 1A đạt 400 triệu USD vào năm 2020 và đạt 500 triệu USD vào năm 2025…
Ông Trần Văn Na - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bạc Liêu, thông tin: Hiện diện tích có thể mở rộng canh tác theo mô hình lúa - tôm là hơn 39.000ha, so với mấy năm trước thì tăng rất nhanh.
Thực tế sản xuất cho thấy, nông dân sản xuất theo mô hình có tính bền vững hơn so với chuyên canh lúa. Sản xuất mô hình theo hướng tôm sạch, lúa an toàn, hiện Sở NNPTNT đã thực hiện mô hình, trình UBND tỉnh đánh giá để rút kinh nghiệm, có hướng nhân rộng trong tương lai.
Còn tại tỉnh Sóc Trăng, vụ mùa 2019 - 2020, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên đất nuôi tôm ở ấp An Hòa, xã Gia Hòa 2 (huyện Mỹ Xuyên) đã có 24 hộ tham gia, với diện tích 14ha.
Theo những hộ dân tham gia, áp dụng theo mô hình này nông dân được hưởng nhiều lợi ích, nhất là cải tạo môi trường đất để nuôi vụ tôm đạt hiệu quả, được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao và hỗ trợ 100% giống lúa ST24; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ 30% phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học.
"Từ thực tế sản xuất, tôi thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình khá rõ, năng suất lúa đều ổn định 6 tấn/ha, lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình gần 2 triệu đồng/ha; giá thành sản xuất thấp hơn 300 đồng/kg.
Điều nông dân an tâm nhất là lúa thu hoạch được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ với giá cao hơn bên ngoài 1.500 - 2.500 đồng/kg. Đảm bảo lợi nhuận gần 3 triệu đồng/1.000m2 canh tác lúa theo hướng hữu cơ. Với mô hình tôm thẻ - lúa hữu cơ, gia đình thu lợi nhuận gần 90 triệu đồng" - nông dân Phạm Thanh Quang chia sẻ.
Về phát tiển mô hình lúa tôm theo hướng an toàn, ông Nguyễn Trần Thức – Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Cà Mau cho rằng: "Để làm được lúa hữu cơ thì hiện nay dựa vào doanh nghiệp rất nhiều, doanh nghiệp sẽ đầu tư và cơ quan chức năng hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu. Ở tỉnh, qua vận động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện thì đến nay được khoảng 1.000ha lúa đạt chuẩn Organic. Trong khi đó, diện tích lúa tôm của mình là rất lớn, mấy chục ngàn ha, cho nên tiềm năng của mình rất lớn, nhưng nếu không có chiến lược rõ ràng thì sẽ phát triển rất chậm".
Ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu: Mở rộng vùng nguyên liệu, phát triển bền vững
Với mô hình sản xuất lúa - tôm, tỉnh Bạc Liêu đang tập trung đẩy nhanh để phát triển bền vững cả về năng suất, sản lượng và giá cả. Lãnh đạo tỉnh mong muốn các địa phương phải thật sự vào cuộc, tích cực vận động bà con sản xuất theo mô hình hợp tác xã. Việc duy trì sản xuất nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay sẽ không hiệu quả. Khi có vùng nguyên liệu rộng tập trung thì nhiều doanh nghiệp sẽ có điều kiện vào đầu tư, hướng đến nâng cao giá trị các sản phẩm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.