Khẩn trương cứu đê
Có mặt tại các đoạn đê ven kênh 5, 7, kênh Cần Thảo, kênh Vịnh Tre và kênh Hào Đề, trực tiếp chứng kiến cán bộ, chiến sĩ đang khẩn trương xúc từng bao cát vận chuyển lên trẹt đưa tới những đoạn đê yếu mới thấy hết sự vất vả của bộ đội. Mưa ngày càng nặng hạt, nước từng giây, từng phút cứ dâng lên. Bước chân các chiến sĩ mặc dù đã mỏi nhừ nhưng vẫn thoăn thoắt chạy. Bởi các anh biết rằng, chậm trễ một giây phút thôi, tính mạng nhân dân sẽ bị đe dọa và toàn bộ tài sản, ruộng lúa, hoa màu sẽ về tay thủy thần.
|
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 330 đang ngày đêm chạy đua với thủy thần. |
Binh nhất Huỳnh Văn Tạo, chiến sĩ đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn U Minh, Sư đoàn 330 tâm sự: "Khi nhận được nhiệm vụ cơ động ra giúp dân ngăn lũ mọi người ai cũng hăng hái. Mặc dù công việc có khó khăn, vất vả nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức ngăn không cho lũ tràn ảnh hưởng tới tính mạng và tài sản của bà con".
Bữa cơm chiều đến với các chiến sĩ thật vội vàng. Toàn bộ đơn vị về vị trí trú quân nhưng lúc nào cũng trong tình trạng sẵn sàng cơ động. Nhận thức được vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ, lãnh đạo chỉ huy các cấp đã làm tốt công tác giáo dục, động viên cán bộ chiến sĩ nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công.
Thượng úy Phạm Văn Út - chính trị viên đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn U Minh cho biết: "Đơn vị đã tập trung giáo dục ý nghĩa hết sức to lớn của nhiệm vụ lần này, động viên cán bộ chiến sĩ đoàn kết một lòng quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, thực hiện tốt công tác dân vận".
Chạy đua cứu lúa
Hiện nay, tình hình diễn biến lũ ngày càng phức tạp, dự kiến sẽ lên cao hơn đỉnh lũ năm 2000. Trong khi đó, hàng nghìn hecta lúa vụ thu đông mới gần 1 tháng tuổi. Người dân nơi đây đứng ngồi không yên, vô cùng lo lắng. Lực lượng tại chỗ không đủ đáp ứng được việc gia cố đê. Chính vì thế, khi 700 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 330 về đây phối hợp với địa phương ngăn lũ, người dân nơi đây đã phần nào yên tâm hơn.
Mỹ Đức, Ô Long Vĩ là 2 xã thuộc vùng trũng, vì vậy việc ngăn lũ được Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn An Giang hết sức quan tâm.
Và cũng chính nơi đây, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 330 đang ngày đêm cùng với địa phương nỗ lực hết mình, quyết tâm không để nước tràn đê và vỡ đê. Ngay trong đêm 27.9 vừa qua, do lũ dâng cao kết hợp với mưa lớn đã làm tràn 1 đoạn đê khoảng 1km. Nhận được lệnh, bữa cơm chiều đang ăn dở, 200 cán bộ chiến sĩ đã có mặt kịp thời, vật lộn liên tục với "thủy thần" từ 18 - 24 giờ mới ngăn được dòng chảy.
Thấy các chú bộ đội ở Sư đoàn 330 về bà con tụi tui mừng lắm. Chỉ có các chú về mới mong cứu được ruộng lúa, hoa màu của nhân dân. Thật sự, chúng tôi vô cùng cảm kích, các chú đã không quản ngày đêm, mưa gió để ngăn lũ, đúng là bộ đội Cụ Hồ của nhân dân.
Bác Nguyễn Văn Tâm - một nông dân ở địa phương
Trực tiếp chứng kiến hành động nhanh nhẹn, dứt khoát, khẩn trương, hiệu quả của các chiến sĩ, ông Huỳnh Văn Lắm - Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Đức cho biết:
"Các anh bộ đội chủ lực Sư đoàn 330 rất tích cực, không ngại mưa gió, luôn hoàn thành tốt công việc được phân công. Chứng kiến các anh dầm mình trong lũ giữa đêm khuya chúng tôi thật sự khâm phục tinh thần trách nhiệm cao quý của các anh đối với nhân dân. Chính quyền và nhân dân địa phương chúng tôi xin tri ân những tình cảm cao đẹp đó".
Theo đại tá Nguyễn Văn Lèo - Phó chỉ huy trưởng Sư đoàn 330, thì công việc hộ đê của đơn vị đang gặp khó khăn do nước đang lên cao kết hợp với mưa lớn, mặt khác nếu có tình huống cần vật chất đắp đê phải vận chuyển xa và thiếu. Tuy nhiên, với quyết tâm cao nhất, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 330 sẽ không để tràn đê và vỡ đê.
Đồng chí Nguyễn Văn Lèo cho biết: "Dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 330 cũng sẽ quyết tâm giữ đê, bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân".
Chiều 28.9, trước diễn biến hết sức phức tạp của mưa lũ, Sư đoàn 330 đã tăng cường thêm 350 cán bộ, chiến sĩ cơ động ra các điểm xung yếu hộ đê.
Lê Công Hạnh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.