"Bộ đội hacker" - vũ khí bí mật lợi hại của Triều Tiên

Minh Anh Thứ tư, ngày 18/05/2016 07:39 AM (GMT+7)
Triều Tiên tăng cường phát triển vũ khí hạt nhân bất chấp mọi nỗ lực ngăn cản từ cộng đồng quốc tế, tuy nhiên, đây là phương tiện thích hợp để đe dọa hơn là sử dụng do Bình Nhưỡng đủ hiểu rằng, bắt đầu một cuộc chiến tranh hạt nhân với Hàn Quốc hay Mỹ chỉ là giải pháp cuối cùng. Chính vì vậy, để tấn công và gây khó khăn cho kẻ thù thì sử dụng các lực lượng các hacker bí mật là một sự lựa chọn thích hợp hơn.
Bình luận 0

Một công cụ tiện lợi

Hàn Quốc luôn cáo buộc Triều Tiên gây ra các vụ tấn công mạng mặc dù chưa bao giờ có chứng cứ rõ ràng về việc này. Vụ tấn công gần nhất diễn ra tại Hàn Quốc vào tháng 4.2013. Một virus máy tính đã làm tê liệt hơn 30.000 máy tính của Hàn Quốc, ngừng hoạt động của các máy ATM và đóng băng toàn bộ hệ thống ngân hàng trực tuyến.

Sau khi điều tra, cảnh sát công nghệ cao Hàn Quốc phát hiện ra vụ tấn bắt  nguồn từ Trung Quốc nhưng người truy cập thực sự xuất phát từ một khu vực ở Triều Tiên. Loại virus trên đã được bí mật cài vào máy tính của các đài phát thanh và ngân hàng Hàn Quốc từ một tháng trước đó.

img

Hàn Quốc từng nhiều lần cáo buộc Triều Tiên tấn công vào hệ thống ngân hàng của nước này

Đương nhiên Triều Tiên phủ nhận việc này, tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn luôn duy trì lời cáo buộc ngay cả ở thời điểm hiện tại. Mặc dù loại virus này tương đối đơn giản và đã xuất hiện từ đầu những năm 1980, các chuyên gia tin rằng, tầm thiệt hại nó có thể gây ra là vô cùng đáng sợ.  

Tấn công mạng có thể coi là một cuộc chiến không mất nhiều tiền bạc như chiến tranh thông thường nhưng lại mang lại hiệu quả cao, ít nguy hiểm và gây tổn thất lớn cho đối thủ.

Theo Cục Tình báo quốc gia Hàn Quốc, Triều Tiên đã đứng đằng sau 6 vụ tấn công mạng vào nước này từ năm 2008 đến 2012. 2 vụ lớn nhất xảy ra vào 2009 và 2011 khi Triều Tiên cài mã độc vào các ngân hàng lớn nhất Hàn Quốc và tấn công trang mạng của chính phủ Seoul.

Vụ việc vào năm 2009 còn ảnh hưởng đến cả Mỹ khi các hacker đã lập ra 50.000 máy tính ảo để tạo ra kiểu tấn công “từ chối dịch vụ” (DDoS) vào các trang mạng của Nhà Trắng, Lầu Năm Góc, cơ quan tình báo và các tờ báo lớn của Hàn Quốc.

2 năm đó, Hàn Quốc tiếp tục cáo buộc Triều Tiên chiếm quyền kiểm soát một máy tính của nhân viên an ninh mạng ngân hàng Nonghyup và thậm nhập sâu vào hệ thống thông tin của tổ chức tài chính này. Đây đã trở thành vụ việc gây ra tổn thất nặng nề nhất khi thông tin của hàng  trăm nghìn người dùng bị đánh cắp.

Lực lượng hacker của quân đội Triều Tiên

Các chuyên gia đã cố gắng tìm hiểu lực lượng "bộ đội hacker" của Triều Tiên dựa vào các thông tin từ những người tị nạn trốn khỏi nước này và bằng phân tích cách thức tấn công mạng được  thực hiện tại Hàn Quốc.

Businessinsider dẫn thông tin từ Tổ chức liên kết các học giả Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã thành lập một lực lượng chiến tranh mạng bí mật có tên “Đơn vị 121”, trực thuộc Cục Tình báo quốc gia.

Quy mô của Đơn vị 121 vẫn còn là vấn đề cần phải tranh luận. Ông Kim Heung Gwang, một nhà khoa học máy tính chạy trốn khỏi Triều Tiên, cho biết, Đơn vị 121 có trụ sở đặt tại 2 tòa nhà ngoại ô Bình Nhưỡng và bao gồm từ 500 đến 3.000 chuyên viên làm việc tại đây.

img

Triều Tiên được cho là có từ 600 đến 3.000 hacker làm việc tại "Đơn vị 121"

Những kĩ sư máy tính giỏi thường rất được trọng dụng tại Triều Tiên, họ được sống trong những ngôi nhà khang trang và hưởng lương cao hơn mức trung bình ở nước này. Hầu hết các kĩ sư máy tính đều chịu sự kiểm soát của chính phủ và việc đãi ngộ tốt nhằm để những người này không trốn khỏi Triều Tiên. Bình Nhưỡng cũng được cho là thường xuyên gửi khoảng 10 sinh viên giỏi mỗi năm đi du học về khoa học máy tính ở Ấn Độ.

Tuy nhiên, cũng có người nhận định rằng, lực lượng hacker của Triều Tiên chỉ là “hổ giấy”. Joo Seong-ha, một người tị nạn Triều Tiên và đang làm nhà báo tại Hàn Quốc cho biết, Bình Nhưỡng lập ra 10 đội hacker nhưng lực lượng này lại không nhận được sự hỗ trợ và chỉ đạo nhiệt tình từ giới lãnh đạo cao tuổi của Triều Tiên vị họ không hề hiểu biết về lĩnh vực này.

Khả năng phòng thủ an ninh mạng của Hàn Quốc

Vào năm 2013, hãng công nghệ hàng đầu thế giới Microsoft công bố thống kê cho thấy Hàn Quốc là nước có tỉ lệ máy tính bị nhiễm virus và mã độc nhiều nhất tại châu Á.

Để giải quyết các vấn đề về an ninh mạng, Seoul tuyên bố đã hợp tác với Washington trong việc thiết lập các tình huống đối phó với tấn công mạng và nâng quy mô lực lượng an ninh mạng trong chính phủ lên 1.000 người.

Cục Tình báo và Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng tổ chức cuộc thi thường niên “Hacker mũ trắng Hàn Quốc” để phát hiện những tài năng công nghệ. Các thí sinh từ mọi độ tuổi sẽ tranh tài trong trận chiến giả định chống lại các đợt tấn công mạng từ nhóm hacker “mũ đen” có ý đồ xấu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem