Bộ GDĐT đề xuất nguyên tắc "4 đúng 3 không" trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
Bộ GDĐT đề xuất nguyên tắc "4 đúng 3 không" trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
Nguyệt Minh
Thứ tư, ngày 06/11/2024 15:36 PM (GMT+7)
Bộ GDĐT đề xuất 4 phương án thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 nhằm đảm bảo kỳ thi được diễn ra an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế, được xã hội ghi nhận.
Ông Phạm Ngọc Thưởng - Thứ trưởng Bộ GDĐT nhấn mạnh vai trò của việc áp dụng nguyên tắc "4 đúng 3 không" trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Cụ thể, "4 đúng" bao gồm: đúng quy chế, hướng dẫn thi; đúng quy trình; đúng vị trí, chức trách, nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm xử lý những tình huống bất ngờ. "3 không" bao gồm: không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất ngờ; không căng thẳng và áp lực quá mức.
Theo quan điểm của Thủ tướng, của Bộ GDĐT và toàn ngành, kỳ thi tốt nghiệp THPT phải được tổ chức theo hướng giảm áp lực, giảm chi phí, ít tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội. Đảm bảo độ tin cậy, trung thực và thực chất để đánh giá đúng năng lực của thí sinh.
Lấy kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT, làm căn cứ để đánh giá quá trình dạy và học của nhà trường và các địa phương, và cung cấp các dữ liệu quan trọng để các cơ sở giáo dục đại học, dạy nghề thực hiện công tác tuyển sinh.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, vẫn còn trường hợp tại một số nơi diễn ra việc thanh tra chồng chéo, nhiều cấp thanh tra. Chính vì vậy, công tác thanh tra, kiểm tra từ năm 2025 phải có phương án giải quyết những tồn đọng, đảm bảo kỳ thi được diễn ra gọn nhẹ, giảm áp lực giảm tốn kém. Giảm số lượng thanh tra nhưng phải đảm bảo được hiệu quả.
Cụ thể, Bộ GDĐT đã đề xuất 4 phương án thanh tra, kiểm tra.
Phương án thứ nhất sẽ giữ nguyên mô hình và tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT 2024. Các khâu thanh tra, kiểm tra bao gồm: chuẩn bị thi; coi thi; chấm thi; phúc khảo; xét công nhận tốt nghiệp. Trong đó, Ban chỉ đạo cấp quốc gia sẽ kiểm tra xác suất một số khâu, làm việc với một số địa phương do Ban chỉ đạo lựa chọn phù hợp với điều kiện thực tế kỳ thi.
Bộ GDĐT sẽ kiểm tra xác suất các khâu chuẩn bị thi và phúc khảo, kiểm tra tất cả các Hội đồng thi, điểm thi, Ban chấm thi trong khâu coi thi và chấm thi.
Các Sở GDĐT có nhiệm vụ thanh tra/kiểm tra khâu chuẩn bị thi, xét công nhận tốt nghiệp. Thanh tra tất cả các điểm thi ở khâu coi thi; thanh tra tất cả các Ban chấm và làm phách ở khâu chấm thi và thanh tra khâu phúc khảo.
Lực lượng tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra cấp Bộ GDĐT bao gồm cán bộ công chức các đơn vị của Bộ GDĐT, Thanh tra Bộ GDĐT, huy động cán bộ, giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng. Cấp Sở GDĐT sẽ bao gồm Cán bộ công chức các đơn vị của Sở GDĐT, Thanh tra Sở GDĐT, huy động cán bộ, giáo viên cơ hữu của cơ sở giáo dục trên địa bàn, thuộc quyền quản lý của Sở GDĐT.
Với phương án thứ hai, sẽ giữ nguyên như mô hình và tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của Bộ nhưng điều chỉnh hình thức thanh tra, kiểm tra của địa phương.
Cụ thể, Sở GDĐT sẽ kiểm tra cả 3 khâu: chuẩn bị thi; phúc khảo; xét công nhận tốt nghiệp. Thay vì thanh tra, sẽ kiểm tra tất cả các điểm thi trong khâu coi thi. Khâu chấm thi vẫn giữ như năm 2024.
Đối với phương án này, Bộ đánh giá sẽ vận dụng được lực lượng cán bộ, công chức của Sở và Lãnh đạo cơ sở giáo dục thuộc quyền quản lý của Sở trên địa bàn làm trưởng đoàn kiểm tra. Đồng thời, giảm áp lực trong việc tuân thủ quy trình thanh tra, giám sát.
Giảm sự chồng chéo trong các khâu thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025
Phương án thứ ba được đề xuất với nhiều thay đổi như điều chỉnh mô hình và tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của Bộ theo hướng Bộ thành lập 1 đoàn kiểm tra công tác coi thi tại 1 địa phương với số lượng từ 10 đến 20 người thực hiện nhiệm vụ kiểm tra xác suất tại các điểm thi, điều chỉnh hình thức thanh tra, kiểm tra của địa phương.
Theo Bộ GDĐT, phương án này sẽ làm giảm áp lực, số lượng cán bộ làm nhiệm vụ kiểm tra công tác coi thi tại 1 điểm thi, vẫn đảm bảo tính nghiêm minh do có đoàn kiểm tra xác suất của Bộ, không báo trước có thể đến bất kỳ điểm thi nào và sẵn sàng cơ động ngay khi có chỉ đạo của Ban chỉ đạo hoặc lãnh đạo Bộ.
Đồng thời, giảm được số lượng cán bộ, viên chức của cơ sở giáo dục đại học làm nhiệm vụ kiểm tra tại điểm thi. Đã được thực hiện, điều chỉnh trong nhiều năm, phù hợp với quy mô, tính chất của kỳ thi, trách nhiệm phân cấp trong quản lý nhà nước về giáo dục.
Tận dụng được lực lượng cán bộ, công chức của Sở và Lãnh đạo cơ sở giáo dục thuộc quyền quản lý của Sở trên địa bàn làm trưởng đoàn kiểm tra. Giảm áp lực trong việc tuân thủ quy trình thanh tra, giám sát.
Phương án cuối cùng được đề xuất là điều chỉnh mô hình và tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT theo hướng phân cấp mạnh cho địa phương. Cụ thể, Ban chỉ đạo cấp quốc gia sẽ kiểm tra xác suất một số khâu, làm việc với một số địa phương do Ban chỉ đạo lựa chọn phù hợp với điều kiện thực tế kỳ thi. Bộ GDĐT chỉ kiểm tra xác suất một số địa phương đối với mỗi khâu của kỳ thi. Sở có vai trò kiểm tra tất cả các khâu còn lại.
Ngoài những ưu điểm như các phương án trên, với phương án thứ 4 có sự phối hợp nhịp nhàng trong thực hiện nhiệm vụ giữa các đoàn kiểm tra xác suất của Bộ với các đoàn kiểm tra của địa phương, trách nhiệm bao quát trên địa bàn là của địa phương, các đoàn kiểm tra của địa phương đảm bảo bao quát hết các nội dung và đối tượng thực hiện nhiệm vụ của kỳ thi và các khâu của kỳ thi.
Thể hiện sự phân cấp mạnh mẽ, chủ động cho địa phương, rõ trách nhiệm của địa phương, tạo sự chủ động cho địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.