Bộ GDĐT đề xuất tăng học phí đại học từ năm học 2023-2024

Mộc An Thứ hai, ngày 18/09/2023 15:07 PM (GMT+7)
Bộ GDĐT vừa có tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 quy định cơ chế thu, quản lý học phí các trường đại học và địa phương cả nước.
Bình luận 0

Theo Thông tin Chính phủ, Bộ GDĐT đề xuất mức trần học phí với đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học 2023 - 2024 là 1,2-2,45 triệu đồng/tháng, tùy khối ngành (tức là tăng 220.000 đồng đến 1,02 triệu đồng, mức thu hiện nay là 980.000 đồng đến 1,43 triệu đồng) thay vì mức 1,35-2,76 triệu đồng như Nghị định 81.

Với những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...), tùy mức độ được thu tối đa bằng 2-2,5 lần mức trên, tương đương khoảng 2,4-6,15 triệu đồng/tháng.

Bộ GDĐT đề xuất tăng học phí đại học từ năm học 2023-2024 - Ảnh 1.

Theo Bộ GDĐT, nếu học phí năm học 2023-2024 thực hiện theo Nghị định 81, mức trần sẽ tăng cao, có khối ngành tăng lên gần 100% so với năm học trước, việc này trở thành gánh nặng rất lớn với xã hội.

Nguyên nhân của việc tăng cao này do ba năm qua (2021, 2022, 2023), Chính phủ đã yêu cầu các trường đại học, các địa phương không tăng học phí so với năm 2020 nhằm hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng nặng nề trong và sau dịch Covid-19.

Như vậy, lộ trình học phí theo Nghị định 81 kể từ khi ban hành năm 2021 đến nay chưa được áp dụng, mức thu học phí đã không tăng trong 3 năm học vừa qua.

Tuy nhiên, Bộ GDĐT giữ nguyên các quy định về hỗ trợ học phí, miễn giảm học phí với học sinh, sinh viên diện chính sách, nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận các dịch vụ giáo dục.

Bộ GDĐT đề xuất tăng học phí đại học từ năm học 2023-2024 - Ảnh 1.

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội quyết định không tăng học phí theo lộ trình nhằm chia sẻ, đồng hành với người học. Ảnh thí sinh đến nhập học tại trường năm 2023: HNMU

Trong tháng 8/2023, Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ GDĐT lấy ý kiến của các địa phương, các trường đại học, chuyên gia về việc điều chỉnh, sửa đổi Nghị định 81 cho phù hợp tình hình thực tế.

Tựu chung các ý kiến đều cho rằng, học phí năm học 2023-2024 cần phải được điều chỉnh tăng để bảo đảm nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất trong điều kiện nguồn lực đầu tư hạn chế, ngân sách chi thường xuyên bị cắt giảm hàng năm.

Đặc biệt, với các trường đại học công lập, nguồn thu từ học phí chiếm tỉ trọng chủ yếu (trên 80% tổng nguồn thu của trường), khả năng khai thác từ các nguồn thu khác còn hạn chế. Nhiều trường đề nghị phải tăng học phí để có thể bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng đào tạo và thực hiện lộ trình tự chủ.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra vào ngày 5/8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, học phí không phải là nguồn duy nhất và chính sách học phí không phải là duy nhất. Tuy nhiên, học phí đại học chiếm tỉ trọng lớn từ 50%-90%. Đối với giáo dục đại học, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn lực khoa học công nghệ, có sứ mệnh thực hiện một trong ba đột phá chiến lược. Đây cũng là lĩnh vực chịu tác động lớn trong ba năm qua do đại dịch và các vấn đề khác, chịu sức ép cạnh tranh toàn cầu.

Do đó, giáo dục đại học gồm có cơ chế tài chính, chính sách học phí và chính sách hỗ trợ người học.

Các chính sách về học phí (Nghị định 60 và Nghị định 81) hiện chưa thực hiện được. Nguồn lực cho các cơ sở giáo dục đại học không tăng trong ba năm nay. Trong điều kiện giá cả tăng, đây là thách thức lớn để giữ chân đội ngũ giảng viên, giáo viên.

Trong bối cảnh năm học mới bắt đầu, nhiều trường đại học cho biết giữ ổn định, tạm thu mức học phí bằng năm trước.

Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết sẽ điều chỉnh giảm mức học phí năm học 2023 - 2024 về bằng mức học phí năm học 2022 - 2023.

Theo đề án tuyển sinh của Học viện, năm học 2023-2024 học phí của trường từ 370.000 đồng-400.000 đồng/tín chỉ tùy ngành hệ đại học chính quy. Năm học 2022-2023, nhà trường cũng đã điều chỉnh học phí, mức thu sau điều chỉnh là từ 300.000 đồng - 310.000 đồng/tín chỉ (trong khi mức thu dự kiến trước đó là 318.000 đồng - 400.000 đồng/tín chỉ).

Học phí học kỳ I năm học 2023-2024 sinh viên đã nộp, phần dư sau điều chỉnh được khấu trừ vào học phí học kỳ tiếp theo. Những trường hợp khác được hoàn trả theo quy định.

Trường Đại học Thương mại cho biết, mức học phí cụ thể cho từng khóa/chương trình đào tạo của trường năm 2023-2024 được công bố điều chỉnh ngay khi có Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP hoặc văn bản hướng dẫn chính thức của Bộ GDĐT.

Trước đó, theo đề án tuyển sinh năm học 2023 - 2024 của Trường Đại học Thương mại, học phí chương trình đào tạo chuẩn từ 2.300.000 - 2.500.000 đồng/tháng.

Nếu thực hiện theo đề án thì mức học phí tăng mạnh ở các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình tích hợp: từ 3.525.000 đến 4.000.000 đồng/tháng theo từng ngành (chuyên ngành) đào tạo và học phí các chương trình định hướng nghề nghiệp: 2.500.000 đồng/tháng.

Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM thông báo không tăng học phí năm học 2023- 2024. Như vậy, đây là năm thứ tư liên tiếp trường không tăng học phí và Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM cũng là một trong những trường đại học công lập có mức học phí thấp nhất cả nước.

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội quyết định không tăng học phí theo lộ trình nhằm chia sẻ, đồng hành với người học.

Theo công bố gần đây nhất của nhà trường, mức học phí dao động từ 1.200.000 đồng đến 1.450.000 đồng/tháng, trước đó nhà trường thông báo mức học phí trong đề án cao nhất là 1.640.000 đồng/tháng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem