Học phí đại học năm 2023: Thí sinh sốc nặng nhận thông báo, các trường nói "không tăng không được"
Học phí đại học năm 2023: Thí sinh sốc nặng nhận thông báo, các trường nói "không tăng không được"
Tào Nga
Chủ nhật, ngày 27/08/2023 14:03 PM (GMT+7)
Mặc dù vẫn hiểu lộ trình học phí các trường đại học tăng nhưng thực sự thí sinh chỉ cảm nhận được việc khó khăn thế nào khi nhận thông báo đóng học phí.
Ngay sau khi các trường thông báo điểm chuẩn đại học năm 2023, đối với Lê Thanh Bình, quê Hải Dương, là ngày đáng nhớ nhất khi em được 24,45 điểm khối A, trúng tuyển vào ngành Thiết kế thời trang, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Tuy nhiên, có lẽ Bình cũng như nhiều thí sinh trúng tuyển đại học khác, niềm vui vừa vỡ òa thì Bình đã chuyển thành lo lắng khi nhận thông báo số tiền cần phải đóng khi làm thủ tục nhập học.
"Học phí trường không tính theo tháng mà thu theo học kỳ với số tiền 14,11 triệu đồng. Ngoài ra em còn phải đóng rất nhiều khoản khác như Bảo hiểm y tế 850.000 đồng, Khám sức khỏe 120.000 đồng, Bảo hiểm thân thể 325.000, Quỹ khuyến học 20.000 đồng, Bảo hộ lao động đối với ngành Kỹ thuật, Công nghệ 400.000 đồng. Tính sơ sơ em đã phải đóng số tiền 15.825.500 đồng", Bình cho hay.
Chưa dừng lại ở đó, do đăng ký muộn và xuất ở có hạn nên Bình không đăng ký ở ký túc xá được. Bình buộc phải đi thuê trợ ở ngoài. "Ngày mai (28/8) em lên làm thủ tục nhập học và tìm nhà trọ. Em không biết ở Hà Nội thuê hết bao tiền nhưng số tiền đầu năm học này bố mẹ em phải chuẩn bị hơn 20 triệu đồng. Đây là con số không lớn với nhiều người nhưng như gia đình em thì khá khó khăn.
Chưa vào học nên em chưa rõ nhưng em nghe các anh chị nói năm tới trường tăng từ 300.000 đồng/tín chỉ lên 450.000 đồng/tín chỉ. Em không biết sắp tới chi phí một tháng hết bao tiền nhưng thực sự thấy thương bố mẹ em quá. Em thực sự choáng", Bình thổ lộ.
Một thí sinh khác chia sẻ: "Em rất vui khi đỗ Trường Đại học Ngoại ngữ nhưng hiện tại không biết phải làm sao. Học phí của trường rất đắt (35 triệu đồng/năm) và khi thi trường này gia đình em có nói là em sẽ phải tự lo chi phí. Khi đăng ký em quyết tâm thi đỗ rồi đi làm thêm trang trải việc học nhưng khi trúng tuyển rồi em lại hoang mang, thấy mình quá bồng bột. Học phí quá sức trong khi em còn phải lo tiền trọ, tiền sinh hoạt hàng ngày. Chương trình học của trường rất nặng nên việc đi làm thêm sẽ khó khăn. Mà nếu không đi làm thêm thì lại không đủ tiền để em trả tiền học phí.
Từ khi biết mình đỗ, em chỉ vui được vài giờ đồng hồ thôi. Mấy ngày qua em rối bời, không biết phải làm sao cho con đường phía trước. Em dự tính sẽ bảo lưu kết quả 1 năm để lo tài chính trước rồi đi học sau".
Còn với Nguyễn Thu Phương, quê Thanh Hóa thì đang lăn tăn không biết có nên tiếp tục việc học hay nghỉ ở nhà đi làm công nhân giày da. "Đi làm giày da có thể được 7-10 triệu đồng/tháng. Trong khi đó nhập học thôi đã mất vài chục triệu rồi trang trải việc học, ăn ở cũng tốn ít nhất 5-7 triệu đồng/tháng", Phương bày tỏ.
Đạt đạt 28 điểm tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, Phạm Văn Toàn, quê Thái Bình đăng ký hai nguyện vọng đầu vào ngành Y khoa, Răng Hàm Mặt của Trường Đại học Y Hà Nội,
Theo kế hoạch, Toàn sẽ phải trả 55 triệu đồng học phí. "Thu nhập từ việc kinh doanh tự do, chỉ tầm trung và không ổn định khiến bố mẹ em áp lực với mức học phí đại học dự kiến", Toàn nói, cho biết gia đình đã dự tính cần 12 triệu đồng mỗi tháng, gồm cả tiền học, ăn ở nếu em vào Y Hà Nội.
Nếu không tăng học phí, các trường sẽ gặp khó khăn
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, TS. Trần Khắc Thạc, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Tường Đại học Thủy lợi bày tỏ đồng cảm với những thí sinh gặp khó khăn về tài chính và nỗi lo học phí đầu năm học. Tuy nhiên, TS. Thạc cho hay: "Trước khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh nên tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh để biết được học phí của trường để lựa chọn phù hợp. Khi đã trúng tuyển, các em hoàn toàn yên tâm khi nhiều trường hiện nay có hỗ trợ nhiều gói học bổng phù hợp".
Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh trường Đại học Công thương TP HCM, cho biết ngân sách nhà nước đã bị cắt 100% từ khi trường tự chủ. Học phí giữ nguyên ba năm liên tiếp, nhưng theo ông Sơn, mọi chi phí đều đắt hơn giai đoạn 5 năm trước khoảng 20-30%. Lương cơ sở tăng kéo theo lương, phụ cấp của giáo viên tăng thêm gần 20 tỷ đồng một năm.
"Nếu không tăng học phí, các trường vốn đã khó khăn sẽ càng khó khăn hơn, thậm chí đứng trên bờ vực đóng cửa", ông Sơn nói.
Ngày 26/8, Bộ GDĐT cũng tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 khối giáo dục đại học. Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thuỷ cũng đề cập những khó khăn, hạn chế ảnh hưởng tới hoạt động sự phát triển của giáo dục đại học. Đó là: Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ một số nội dung liên quan giữa Luật Giáo dục đại học với một số văn bản luật khác dẫn đến những khó khăn, vướng mắc cho các trường đại học trong quá trình thực hiện đẩy mạnh tự chủ theo Luật Giáo dục đại học nhưng vẫn phải tuân thủ, thực hiện các Luật liên quan.
Nguồn lực dành cho giáo dục đại học còn rất hạn chế. Những năm qua, ngân sách chi cho giáo dục đại học chỉ trên dưới 17.000 tỷ, chiếm 0,27% GDP nhưng con số thực chi chưa đến 12.000 tỷ. Tính theo số thực chi thì chưa đạt 0,78% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Các trường đại học của Việt Nam hiện vẫn dựa vào học phí là chủ yếu.
Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tú mong muốn Bộ GDĐT sẽ quan tâm hỗ trợ các trường trong thực hiện tự chủ, đặc biệt là các chính sách về tài chính đi kèm. "Nếu không rất khó khăn, đặc biệt là những trường tự chủ mới gần đây. Tôi biết có nhiều trường khó khăn chồng chất", ông Tú nói.
Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng Lê Quang Sơn nhắc tới cơ chế tài chính cho giáo dục đại học với chia sẻ: "Không có đầu tư thích đáng không thể nâng cao chất lượng đào tạo. Không có nguồn lực thì làm việc sẽ chỉ theo kiểu mở rộng mà không thể đào sâu".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.