Mở rộng thị trường
Nếu trong nửa đầu năm nay, XK NLTS nước ta gặp khó khăn do nhiều thị trường truyền thống bị thu hẹp, nhất là gạo và thủy sản, thì đến thời điểm này, chúng ta đã mở rộng được ra khá nhiều thị trường mới.
|
Giá nhiều loại hàng nông sản đã tăng trở lại. |
Thị trường xuất khẩu gạo đã có nhiều thay đổi, trong đó thị trường Trung Quốc tăng mạnh gấp 5,2 lần về lượng và 4,4 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước và trở thành thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Theo thống kê của Bộ NNPTNT, tính đến cuối tháng 8 này, cả nước đã XK được 5,5 triệu tấn gạo, đạt giá trị 2,48 tỷ USD. So với năm 2011, xuất khẩu gạo tăng 0,5% về lượng.
XK cà phê từ đầu năm đến nay cũng đã liên tục tăng với tổng sản lượng XK đạt 1,26 triệu tấn, kim ngạch 2,66 tỷ USD. So cùng kỳ năm trước tăng 31,9% về lượng và 26,3% về giá trị. Giá cà phê XK bình quân 7 tháng đầu năm đạt 2.110 USD/tấn, giảm 4,2%. Hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, Đức tăng trưởng khá cả về lượng và giá trị. Đáng chú ý nhất là thị trường Indonesia và Mexico có tăng trưởng đột biến với mức tăng lần lượt gấp khoảng 9 lần và 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2011.
XK nông sản đạt 18,1 tỷ USDTheo Bộ NNPTNT, giá trị XK NLTS trong 8 tháng đầu năm nay ước đạt 18,1 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10 tỷ USD, tăng 6,3%; thuỷ sản ước đạt xấp xỉ 4 tỷ USD, tăng 6,4%; lâm sản chính ước đạt 3,15 tỷ USD, tăng 19,8%. Giá trị XK các mặt hàng nông lâm sản chính 8 tháng đầu năm có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước, ngoại trừ mặt hàng gạo và cao su.
Cao su dù là mặt hàng XK bị giảm giá mạnh nhất (tới 31,6%), nhưng lượng cao su xuất khẩu 8 tháng đầu năm vẫn đạt 595.000 tấn, thu về 1,78 tỷ USD. So với năm 2011, lượng cao su xuất khẩu tăng ở nhiều thị trường lớn như Trung Quốc (tăng 13,2%), Malaysia (gấp 2,2 lần) và Ấn Độ (gấp gần 4 lần).
Các mặt hành như điều, tiêu XK tiếp tục tăng. Lượng điều xuất khẩu 8 tháng ước đạt 137.000 tấn, kim ngạch 941 triệu USD, tăng 25,1% về lượng và 6% về giá. Việt Nam tiếp tục giữ vững là nước xuất khẩu hạt điều nhân đứng thứ nhất thế giới.
Giá cả còn phức tạp
Mặc dù XK các mặt hàng NLTS đã hồi phục, song thị trường thực phẩm trong nước vẫn tiếp tục giảm giá do tình hình dịch bệnh ở một số địa phương trong cả nước. Cụ thể: Tại miền Bắc, giá thịt lợn hơi xuất chuồng dao động trong khoảng từ 35.500-41.000 đồng/kg. Gà công nghiệp khoảng 23.500 – 28.500 đồng/kg, gà thịt lông màu dao động khoảng 38.000 đồng/kg. Tại miền Nam, lợn thịt xuất chuồng nuôi tại các trang trại giá bình quân 35.750 đồng/kg. Gà thịt công nghiệp lông trắng khoảng 19.000 – 25.000 đồng/kg, giảm 15,4% so với tháng 7.
Ngược lại với giá thực phẩm, một số mặt hàng giá thức ăn chăn nuôi so với tháng 7 đã tăng giá như cám gạo lên 7.245 đồng/kg, tăng 7,8%. Giá thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh tăng khoảng 2%, thức ăn cho lợn thịt giai đoạn từ 60kg đến xuất chuồng là 9.429 đồng/kg; thức ăn cho gà Broiler là 10.720 đồng/kg.
Đối với mặt hàng mía đường, do ảnh hưởng của đường nhập lậu và nguồn cung dư thừa, nên giá đường liên tục giảm và tiêu thụ chậm. Giá mía 10 CCS tại ruộng ở Tây Ninh là 1,1 triệu đồng/tấn, ở Hậu Giang là 1 triệu đồng/tấn. Còn giá bán đường trắng loại I đã có thuế VAT tại kho nhà máy trên cả nước phổ biến từ 15.200-15.500 đồng/kg, giảm hơn 1.000 đồng/kg so với tháng trước.
Ngọc Lê
Vui lòng nhập nội dung bình luận.