“Mất bò mới lo làm chuồng”, dân gian nói quả không sai. Nhưng từ vụ sập một cây cầu ở Lai Châu, nên “làm chuồng” cho tất cả những cây cầu treo dân sinh còn lại, đừng để thêm một tai nạn thương tâm như vậy xảy ra. Đó là điều mà Bộ GTVT phải làm cho được.
Tối 24.2, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng lập tức có mặt tại hiện trường nơi cầu treo bị sập ở bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, Lai Châu để thăm hỏi người bị nạn, kiểm tra hiện trường, xác định nguyên nhân... Sự có mặt của ông Thăng và đoàn công tác của bộ là kịp thời, nhưng nói gì thì nói, cũng quá muộn khi đã có một tai nạn cướp đi gần chục mạng người.
Vụ tai nạn kinh hoàng này đã làm “bừng tỉnh” Bộ GTVT, cho nên Vụ Kết cấu hạ tầng chuẩn bị gửi công điện cho các sở GTVT yêu cầu rà soát, kiểm định lại chất lượng hệ thống cầu treo dân sinh, xây dựng quy trình vận hành cầu. Người dân vùng nông thôn, miền núi hẻo lánh, hiểm trở phải đi lại bằng cầu treo đang đánh cược với tử thần từng ngày.
Những chiếc cầu treo khắp đất nước này lâu nay có thể bị “lãng quên” về kiểm định chất lượng. Một chiếc ô tô, phải đi bảo trì định kỳ theo quy định số km lăn bánh, phải kiểm tra hằng năm tại cơ quan đăng kiểm để đảm bảo lưu thông an toàn. Một con đường, một chiếc cầu cũng vậy, cũng cần phải có quy trình kiểm tra khoa học này.
Chiếc cầu còn phải đòi hỏi gắt gao hơn con đường, bởi vì sụt lún một hố trên đường có thể không gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng sập một cây cầu thì điều đó sẽ xảy ra. Cầu treo lại càng phải chú trọng kiểm tra hơn, bởi vì tính chất kỹ thuật của nó khác với cầu xây kiên cố.
Nhưng trên thực tế, những chiếc cầu treo trên đất nước này có được kiểm tra, bảo trì định kỳ đúng theo tiêu chuẩn khoa học hay không thì không chắc. Nếu làm được như thế, thì đã không có vụ sập cầu kinh hoàng như vừa xảy ra ở Lai Châu. Người ta xây xong cầu là xong việc, còn người dân sử dụng như thế nào là việc của dân, không có hướng dẫn cụ thể để người dân biết được các nguyên tắc an toàn khi lưu thông trên cầu.
Một vấn đề khác được “bóc” ra từ cây cầu sập, đó là cầu do huyện Tam Đường làm chủ đầu tư, việc thẩm định thiết kế cũng do các cơ quan chuyên môn của huyện đảm nhiệm. Cơ quan chuyên môn cấp huyện có đủ sức gánh vác chuyện thẩm định thiết kế loại cầu treo này không? Xin lưu ý rằng, không thể đem tính mạng người dân ra để thử tay nghề của các nhà chuyên môn huyện nhà.
Có lẽ thấy được lỗ hổng đó nên Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo: “Sau vụ tai nạn này, những cầu treo dân sinh phải có cơ quan chức năng của ngành GTVT thẩm tra thiết kế, có hướng dẫn sử dụng cho người dân”.
“Mất bò mới lo làm chuồng”, dân gian nói quả không sai. Nhưng từ vụ sập một cây cầu ở Lai Châu, nên “làm chuồng” cho tất cả những cây cầu treo dân sinh còn lại, đừng để thêm một tai nạn thương tâm như vậy xảy ra. Đó là điều mà Bộ GTVT phải làm cho được.
Tin cùng chủ đề: Lật cầu treo ở Lai Châu, nhiều người thương vong
Xem toàn bộ ››
Chân Tâm (Chân Tâm)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.