Bộ GTVT "tuýt còi" Cục Hàng hải giảm giá dịch vụ

Thế Anh Thứ sáu, ngày 17/04/2020 06:30 AM (GMT+7)
Trong thông báo về kết luận của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Công đã khẳng định, việc giảm giá dịch vụ xếp dỡ container sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam.
Bình luận 0

Việc Cục Hàng hải Việt Nam điều chỉnh giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải biển trong thời gian dịch bệnh Covid-19 đã gây ra nhiều tranh cãi và phản đối từ các Hiệp hội, doanh nghiệp cảng biển.

Các đối tượng được điều chỉnh giảm giá gồm: Tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa (bao gồm cả tàu thuyền và phương tiện VR-SB) với mức giảm giá dịch vụ hoa tiêu đến mức tối thiểu theo quy định tại Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT ngày 14/11/2018 của Bộ GTVT (Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT) về việc ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam (giảm 10% so với mức giá đang áp dụng hiện nay. Thời gian giảm giá dịch vụ trong 3 tháng, kể từ ngày 1/5/2020.

Bộ GTVT "tuýt còi" Cục Hàng hải giảm giá dịch vụ vì ảnh hưởng tiêu cực tới DN Việt Nam - Ảnh 1.

Không giảm giá dịch vụ hàng hải.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, trước thời điểm ngày 1/1/2017, phí hoa tiêu hàng hải được thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh về phí và lệ phí với các mức phí được quy định tại Thông tư số 01/2016/TT-BTC ngày 05/01/2016 của Bộ Tài chính quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải.

Đồng thời, dịch vụ hoa tiêu được điều chỉnh từ cơ chế phí sang cơ chế giá do Nhà nước định giá. Mức giá được quy định tại Quyết định số 3946/QĐ-BGTVT ngày 09/12/2016 của Bộ GTVT ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu và dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo tại cảng biển Việt Nam; sau đó quy định tại Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT.

Tuy nhiên, việc giảm giá dịch vụ này đã gặp phải phản ứng gay gắt từ các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam. Theo ông Triệu Thế Thuận, Phó Tổng Giám đốc, Công ty CP Đầu tư và phát triển Đình Vũ cho biết, tại Hải Phòng (khu vực I), khung giá sàn dịch vụ bốc dỡ container đang ở mức thấp nhất cả nước.

Ví dụ: Giá sàn container ngoại là 33USD/cont 20' (chỉ bằng 80% so với khu vực III). Trong khi, mức giá sàn container nội địa là 260.000 đồng/cont 20' (chỉ bằng 33% giá sàn container ngoại). Như vậy, nếu giảm giá 30% sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh thu cảng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Tổng giám đốc, Công ty CP Cảng Sài Gòn, "hiện mức giá sàn container nội địa tại Tp. HCM rất thấp (260.000 đồng/ cont' 20''), chỉ bằng 27% giá sàn container ngoại trong cùng khu vực là 41 USD/cont' 20. Vì thế, nếu giảm nữa chỉ có lợi cho các hãng tàu nước ngoài.

Để giải quyết những vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công đã chủ trì cuộc họp đối thoại với các đơn vị liên quan về giá dịch vụ cảng biển và phí hàng hải. Trong thông báo số 136 về kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Văn Công tại cuộc họp này đã khẳng định, việc giảm giá dịch vụ xếp dỡ container sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam.

Cụ thể, giá xếp dỡ container theo Thông tư 54/2018 của Bộ GTVT ban hành khung giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải, dịch vụ sử dụng cầu bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam hiện đã cao hơn so với trước đây nhưng còn thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á (thấp hơn cả Campuchia).

Việc giảm giá xếp dỡ container sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam, ở chiều ngược lại thì lại mang lợi ích cho doanh nghiệp vận tải biển nước ngoài. Trong khi các doang nghiệp này vẫn thu các phụ phí cao đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. Vì vậy, quan điểm của Bộ GTVT là không xem xét giảm giá dịch vụ xếp dỡ tối thiểu tại cảng biển đã quy định tại Thông tư 54/2018.

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam làm việc với các doanh nghiệp, Hiệp hội, tổ chức có liên quan khuyến khích việc giảm giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải, dịch vụ sử dụng cầu bến, phao neo, dịch vụ lai dắt trong phạm vi giá tối thiểu, giá tối đa được quy định trong Thông tư 54, tuỳ vào khả năng của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho rằng: "Hiện nay, việc vận chuyển hàng hoá bằng đường biển chủ yếu do các hãng tàu nước ngoài thực hiện nên việc giảm phí, lệ phí hàng hải sẽ đem lại lợi ích cho các hãng tàu nước ngoài. Tuy nhiên, sẽ giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước và chỉ hỗ trợ một phần nhỏ cho doang nghiệp vận tải biển Việt Nam".

"Vì vậy, yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam, Vụ Tài chính nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động, báo cáo Bộ GTVT để có ý kiến đề nghị với Bộ Tài chính", Thứ trưởng Nguyễn Văn Công yêu cầu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem