Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), cả nước có 3.046 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới gần 18 tỷ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2017. Đồng thời có 1.169 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 7,59 tỷ USD, bằng 90,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Cũng trong năm 2018, cả nước có 6.496 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 9,89 tỷ USD, tăng 59,8% so với cùng kỳ 2017. Tính chung tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 35,46 tỷ USD, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, phân theo lĩnh vực, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đạt 16,58 tỷ USD, chiếm 46,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh BĐS đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 6,6 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Nổi bật nhất là Dự án TP thông minh (Hà Nội), vốn đầu tư trên 4,1 tỷ USD của liên doanh nhà đầu tư Sumitomo (Nhật Bản) và BRG (Việt Nam). Tiếp đó là Dự án Laguna (TT- Huế) nâng vốn đầu tư thêm 1,2 tỷ USD và Dự án Lotte Mall (Hà Nội), vốn đầu tư 600 triệu USD, với mục tiêu xây dựng khu tổ hợp tiêu chuẩn quốc tế cao cấp bao gồm trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng, căn hộ du lịch kinh doanh lưu trú ngắn ngày…
Những con số trên đã cho thấy sức hấp dẫn của thị trường BĐS Việt Nam với các nhà đầu tư ngoại. Việc ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn thực hiện các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực BĐS cũng đã thêm một lần nữa chứng minh điều này.
Tuy nhiên, có nên tiếp tục khuyến khích FDI vào BĐS nữa hay không lại là vấn đề được nhiều chuyên gia băn khoăn. Bởi, nếu đánh giá một cách thẳng thắn, thì khá nhiều dự án FDI trong lĩnh vực BĐS là dự án ảo. Các dự án tỷ USD, nhất là được cấp phép trong giai đoạn 2007 - 2008 hầu hết trong lĩnh vực này và cho đến nay, nhiều dự án chưa được triển khai, hoặc đã bị thu hồi.
Hơn 41ha đất dự án Khu đô thị Ha Noi Westgate thuộc huyện Quốc Oai (Hà Nội) do Công ty TNHH liên doanh Ha Noi Westgate (liên doanh giữa Công ty CP Tài chính và Phát triển doanh nghiệp và Công ty Keppel Land Ivestment (Hà Nội) Pte.Lte) làm chủ đầu tư bị bỏ hoang nhiều năm. (ảnh T. Kháng)
Chẳng hạn, Dự án Saigon Atlantic 4 tỷ USD ở Bà Rịa-Vũng Tàu do Công ty TNHH Winvest Investment Việt Nam làm chủ đầu tư cũng đang gặp bế tắc sau hơn 12 năm được cấp phép. Dự án chậm triển khai do cách tính tiền thuê đất tăng gấp 7 lần. Hiện tại, dự án tỷ USD này vẫn chỉ là khu đất trống cây cối mọc um tùm.
Hay, Dự án Bãi biển Rồng 4 tỷ USD ở Quảng Nam do Công ty TNHH Tập đoàn Bãi Biển Rồng làm chủ đầu tư với các đối tác của Mỹ, gồm Tano Capital LLC và Global C&D INC. Tháng 11.2010, UBND tỉnh Quảng Nam vừa ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án này vì chủ đầu tư không thực hiện nghiêm túc các điều khoản đã cam kết.
Ngoài ra, thị trường BĐS còn chứng kiến Dự án New City ở Phú Yên, Nam Hội An (Quảng Nam), Hồ Tràm Strip (Vũng Tàu) đều đăng ký đầu tư 4 tỷ USD, nhưng giải ngân chưa nhiều…
Chưa kể, trong lĩnh vực BĐS, đã từng tồn tại một thực tế là, không ít nhà đầu tư thuộc diện “vốn mỏng” kiểu “tay không bắt giặc”, đăng ký đầu tư vào Việt Nam nhưng thực tế lại vay vốn ngân hàng Việt Nam, hoặc huy động trong nước để triển khai dự án.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng nhà đầu tư không có đủ năng lực tài chính, nhưng bằng cách nào đó đã “xí phần” đất trước, rồi nhùng nhằng không triển khai dự án và chờ đợi chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác nhằm mục đích kiếm lời. Như vậy, thì ít nhiều đã ảnh hưởng tới mục tiêu thu hút FDI của Việt Nam.
Có một thực tế khác cũng đã được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đề cập khi báo cáo Quốc hội về thu hút FDI của Việt Nam, là trong 30 năm qua, đầu tư vào BĐS còn cao, trong khi đầu tư trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp còn thấp (hiện nay chỉ chiếm 1,6% vốn đầu tư nước ngoài đăng ký), số dự án trong lĩnh vực hạ tầng rất nhỏ. Như vậy là có sự không tương xứng trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam vào các ngành nghề.
Mặc dù vậy, không thể thừa nhận những giá trị to lớn mà FDI mang lại trong những năm qua đối với lĩnh vực BĐS nói riêng, công nghiệp xây dựng nói chung.
Chính vì vậy, khi tổng kết 30 năm FDI, đã có ý kiến của các chuyên gia cho rằng, nên hạn chế thu hút FDI trong lĩnh vực BĐS, nên ưu tiên thu hút đầu tư các dự án TP thông minh, các dự án BĐS nhưng thiên về phát triển xanh, tiết kiệm năng lượng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.