Bộ LĐTBXH thông tin mới nhất về vụ bạo hành trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng

Thùy Anh Thứ năm, ngày 05/09/2024 13:36 PM (GMT+7)
"Hiện nay, các cháu bé đã được đưa tới 13 cơ sở chăm sóc công lập khác để chăm sóc. Đến giờ phút này có thể yên tâm, các cháu đã được chăm sóc tốt, được an toàn", ông Nam nói.
Bình luận 0

Các em bị bạo hành ở Mái ấm Hoa Hồng đã được đưa tới nơi an toàn

Sáng nay (5/9), Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) đã có buổi gặp gỡ báo chí để thông tin về vụ việc bạo hành trẻ em ở mái ấm hoa hồng (quận 12, TP. HCM).

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng cục Trẻ em cho biết, vụ việc bảo mẫu mái ấm Hoa Hồng gây bạo lực không được phép xảy ra tại một cơ sở chăm sóc trẻ em công lập được cấp phép. Trong cấp phép và xin phép có nội dụng định kỳ phải báo cáo hàng quý, hàng năm. Cơ sở này đã từng được kiểm tra về tình trạng bạo lực nhưng không được phát hiện và tình trạng đáng tiếc vẫn xảy ra.

Hôm qua (4/9), Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cũng đã có công điện gửi cho lãnh đạo TP.HCM trong đó, lãnh đạo bộ yêu cầu địa phương giải quyết gấp 3 vấn đề. 

Nhiệm vụ đầu tiên là ngay lập tức thực hiện các biện pháp chăm sóc trẻ, thứ hai là cơ quan chức năng xem xét xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức xâm hại trẻ em cả người chăm sóc, người quản lý và những người có liên quan. Tinh thần xử lý nghiêm các cá nhân tổ chức liên quan.

Thông tin mới nhất về vụ bạo hành trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng - Ảnh 1.

Ông Đặng Hoa Nam chia sẻ thông tin với báo chí về vụ bạo hành ở mái ấm Hoa Hồng. Ảnh: N.T

Thứ ba, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc phòng ngừa, yêu cầu rà soát lại công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em theo hướng rà soát lại việc cấp phép; điều kiện hoạt động theo quy định pháp luật;...

Ngày 4/9, Cục trẻ em cũng nhận được báo cáo nhanh của Sở LĐTBXH về việc chăm sóc, bảo vệ bước đầu. Đồng thời, địa phương cũng có văn bản của Chủ tịch UBND thành phố về việc xử lý vụ việc và chăm sóc cháu bé vừa bị bạo hành ở Mái ấm Hoa Hồng.

"Hiện nay các cháu bé đã được đưa tới 13 cơ sở chăm sóc công lập khác để chăm sóc. Đến giờ phút này có thể yên tâm là các cháu đã được chăm sóc tốt, được an toàn", ông Nam nói.

Đại diện Cục trẻ em cũng cho biết TP.HCM là tỉnh thành đầu tiên ban hành quy trình xử lý với các vụ việc bạo lực trẻ em. Như vậy địa phương đã vào cuộc kịp thời.

Nên quy định bắt buộc lắp đặt Camera để giám sát, phát hiện bạo lực trẻ em?

Liên quan tới vụ việc bảo mẫu bạo hành trẻ ở mái ấm Hoa Hồng, ông Nam cho rằng, một nguyên nhân khiến vụ việc chậm bị phát hiện đó là do cơ sở này không lắp đặt hệ thống giám sát kỹ thuật, công nghệ.

Theo ghi nhận của PV báo chí, ban ngày cơ sở này chăm sóc rất tử tế, như là trình diễn nhưng tối đến thì diễn ra tình trạng bạo hành. Câu chuyện này đặt ra vấn đề là trách nhiệm của người đứng đầu thế nào?

Một nguyên nhân khác cũng được lãnh đạo Cục Trẻ em chỉ ra đó là do chúng ta thiếu mạng lưới cộng tác viên xã hội chuyên biệt. Đội ngũ thanh tra, kiểm tra rất khó vì nhân lực hạn chế, trong khi đó số cơ sở có liên quan tới chăm sóc trẻ em lại quá nhiều, ngay TP.HCM đã có hàng trăm cơ sở làm nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ em. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, dù ở đâu cũng cần đội ngũ chăm sóc xã hội chuyên nghiệp để làm việc thường xuyên, giám sát, phát hiện sớm những trường hợp trẻ có nguy cơ xâm hại.

Thông tin mới nhất về vụ bạo hành trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng - Ảnh 2.

Vụ bạo hành ở Mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TP. HCM) được PV Báo Thanh niên ghi lại.

Ông Nam cho biết, vào thời điểm kiểm tra, số trẻ chăm sóc ở Mái ấm Hoa Hồng vượt gấp đôi, có thời điểm còn gần gấp 3. Như vậy, nhu cầu chăm sóc vượt quá quy định cấp phép chăm sóc. Khi nhân viên bị quá tải thì tâm lý cũng không bình thường.

Cục trẻ em cũng đề nghị địa phương cần thiết lập mạng lưới điều phối, chuyển tuyến khi các cơ sở quá tải. Ông Nam cho biết, hiện nay có tình trạng nhiều cơ sở muốn giữ trẻ lại để kêu gọi nguồn tài trợ, thậm chí không muốn chuyển trẻ đi.

Luật Trẻ em ưu tiên biện pháp chăm sóc môi trường gia đình, hoặc môi trường gia đình thay thế - môi trường tốt nhất. Chỉ chăm sóc tập trung trong trường hợp cuối cùng.

"Khi kiểm tra các cơ sở cần kiểm tra cả vai trò người đứng đầu. Xem vai trò của người đứng đầu thế nào trong việc thực hiện chuyển trẻ sang môi trường chăm sóc gia đình", ông Nam nói.

Về vấn đề có cần có quy định bắt buộc lắp đặt camare nội bộ?, ông Nam cho rằng hiện nay luật chưa quy định, nhưng cục khuyến nghị các cơ sở chăm sóc trẻ em có nguy cơ nên lắp đặt hệ thống này để tăng cường giám sát, phòng ngừa bạo lực. Tương lai có thể nghiên cứu thêm để đưa nội dung này vào luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem