Bố mất, mẹ bỏ đi, 3 anh em ở Hà Giang chỉ biết nương tựa vào nhau

Thảo Quyên Thứ năm, ngày 16/12/2021 07:40 AM (GMT+7)
MS 062021 - Bố bị bệnh mất sớm, mẹ bỏ đi lấy chồng mới, 3 anh em Sùng Thị De trú tại thôn Ngọc Hà (xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) phải đùm bọc, nương tựa lẫn nhau vượt qua cuộc sống khó khăn.
Bình luận 0

Băng qua đoạn đường dài quanh co, chúng tôi đến được căn nhà nhỏ trống trải, lụp xụp nằm giữa đám cỏ cây xơ xác của anh em Sùng Thị De. Ở đây, ai cũng biết đến hoàn cảnh của em Sùng Thị De, học sinh lớp 7, Trường THCS xã Ngọc Linh bởi cuộc sống của em De khó khăn, thiếu thốn trăm bề…

Lay lắt sống qua ngày

Em Sùng Thị De (sinh năm 2009), là học sinh người dân tộc Mông, gia đình có 4 anh chị em, De là con thứ ba trong nhà. Bố của De mất vì bệnh hiểm nghèo khi em chỉ mới hơn một tuổi, không lâu sau, mẹ cũng bỏ nhà đi.

Trụ cột gia đình không còn, gánh nặng nuôi 3 đứa em đang tuổi ăn tuổi học đổ dồn lên vai người anh cả Sùng Mí Páo (sinh năm 2003). 

Những tưởng cuộc sống đã bình yên nhưng biến cố tiếp tục xảy ra vào năm 2020, khi chị của De là Sùng Thị Sò (sinh năm 2007) không may mất vì tai nạn giao thông.

Hà Giang: Bố mất, mẹ bỏ đi, 3 anh em sống nương tựa vào nhau - Ảnh 1.

Bố mất sớm, mẹ bỏ đi lấy chồng, 3 anh chị em Sùng Thị De phải nương tựa vào nhau. Ảnh: Thảo Quyên

Đến nhà De, chúng tôi gặp người anh Sùng Mí Páo trong căn nhà chật chội, thiếu ánh sáng, chẳng có một thứ gì đáng giá với vài chiếc giá treo lủng lẳng, vài chiếc thùng giấy đựng đồ linh tinh.

Páo với thân hình gầy gò, đôi mắt buồn rười rượi hết nhìn đứa em rồi lại nhìn xa xăm: "Để 2 em có bữa ăn và được đến trường, em đã phải nghỉ học để đi làm, nhưng không phải lúc nào cũng kiếm được việc để làm, tháng nào có việc thì em kiếm được khoảng 2 - 3 triệu đồng, tháng nào không có việc thì em đành phải nhịn đói vì không có tiền mua thức ăn".

Trước đây, Páo là học sinh lớp 9 trường THCS xã Ngọc Linh, nhưng do hoàn cảnh éo le, Páo phải rời xa ghế nhà trường để lo cho 2 em, chấp nhận gánh trên vai áp lực "cơm áo gạo tiền". Páo phải bươn chải đủ thứ nghề, từ hái lá găng, cắt lúa thuê đến phụ hồ. Cuộc sống lúc trước đã bấp bênh, nay lại càng vất vả hơn, chỉ còn cách chắt chiu, tằn tiện sống qua ngày.

"Giờ đây, em chẳng mong gì nhiều, chỉ cần có việc làm ổn định, có đủ cơm để ăn và quần áo đủ mặc khi trời giá rét", Páo chia sẻ thêm.

Hà Giang: Bố mất, mẹ bỏ đi, 3 anh em sống nương tựa vào nhau - Ảnh 2.

Lớn lên trong gia đình nghèo khó nhưng em Sùng Thị De vẫn cố gắng học tập tốt. Ảnh: Thảo Quyên

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Quốc Yên - Trưởng thôn Ngọc Hà, xã Ngọc Linh cho biết: "Hoàn cảnh gia đình em Sùng Thị De trước giờ rất khó khăn, bố là lao động chính của gia đình thì bị bệnh mất sớm, mẹ cách đây mấy năm cũng đi lấy chồng mới. Người anh Sùng Mí Páo phải gác lại việc học để đứng ra lo liệu cuộc sống cho hai đứa em, nhưng vì còn nhỏ, lại không được học hành đến nơi đến chốn nên Páo cũng chỉ có thể làm được vài công việc lặt vặt, lo được bữa cơm đạm bạc qua ngày.

Năm 2019, được chính quyền và mạnh thường quân quan tâm, 3 anh em mới có một ngôi nhà nhỏ để che mưa che nắng. Tuy thế nhưng về phía kinh tế, 3 anh em vẫn rất khó khăn".

Không đầu hàng trước số phận

Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng em Sùng Thị De không ngừng cố gắng vươn lên để được đến trường theo đuổi con chữ. 

Trò chuyện với chúng tôi, thầy Phạm Văn Doanh, giáo viên chủ nhiệm của De chia sẻ: "Đây là năm thứ 3 tôi được chủ nhiệm em nên tôi biết em De rất ham học, học lực của em luôn ở mức khá, chăm chỉ tiếp thu.

Cuộc sống gia đình em khó khăn là thế, nhưng chưa bao giờ tôi thấy em De có ý nghĩ bỏ học. Tôi thường xuyên động viên em vượt qua khó khăn, cố gắng học tập. 

Nhà trường cũng hay miễn giảm học phí và các khoản đóng góp cho em, giúp em trang bị đồ dùng học tập hay quần áo khi cần thiết".

Hà Giang: Bố mất, mẹ bỏ đi, 3 anh em sống nương tựa vào nhau - Ảnh 3.

Em Sùng Thị De được học nội trú tại trường. Ảnh: Thảo Quyên

Được biết, các thầy cô giáo trong trường và các bạn cùng lớp luôn quan tâm, giúp đỡ đến hoàn cảnh của De. Bên cạnh việc học tập chăm chỉ, em còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của trường, lớp. De tính tình hòa nhã, thân thiện nên được nhiều bạn bè, thầy cô trong trường yêu quý.

Khuôn mặt non nớt, đôi mắt sáng ngời, em De chia sẻ: "Em cũng như các bạn khác thôi, cũng muốn được vui chơi và đi học. Em biết nhà mình không có điều kiện nhưng em vẫn cố gắng đến trường, học tập chăm chỉ mỗi ngày để mong sao cho tương lai bớt khổ."

Thấy anh trai vất vả cực nhọc sớm hôm, hy sinh cả tương lai của mình để lo cho các em, De luôn tự nhủ phải cố gắng học tập để không phụ lòng anh. Bên cạnh việc học tập ở trường, những lúc ở nhà, De thường giúp anh trông nom, chăm sóc em nhỏ, đi gánh củi lấy nước để nấu cơm và dọn dẹp nhà cửa.

Là người đã gắn bó với em De 3 năm nên thầy Phạm Văn Doanh hiểu rõ sự cơ cực của gia đình em hơn ai hết: "Các em còn quá nhỏ, giờ một mình người anh phải gánh vác nuôi 2 em đang độ tuổi ăn học rất khó khăn. Không biết rồi đây các em có tiếp tục được đến trường nữa hay không. Tôi mong rằng các mạnh thường quân sẽ chung tay quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện để cho các cháu được tiếp tục đến trường".

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Số tài khoản: 21210000524887, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội.

Chủ tài khoản: Báo Nông Thôn Ngày Nay

Vui lòng ghi rõ: Ủng hộ MS 062021 (gia đình em Sùng Thị De - Hà Giang)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem