Mô hình trồng bưởi VietGAP phải đầu tư chi phí cao nhưng bền vững. Ảnh: T.V
Xuất thân từ một gia đình canh tác mía lâu đời, nhưng anh Ngô Văn Sơn (sinh năm 1971, ngụ xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) lại thành công với việc trồng bưởi.
Gian nan bỏ mía trồng bưởi
Do nhiều năm liền giá đường xuống thê thảm, người dân trong vùng một số phá mía trồng lúa, số còn lại chuyển sang trồng loại cây khác nên hết nguồn nguyên liệu cung cấp, gia đình anh Sơn đành đóng cửa nhà máy đường.
Năm 1999, trên diện tích mía cũ của gia đình, anh Sơn bắt đầu trồng thử 300 gốc bưởi Tân Triều. Nhìn các gốc bưởi đang xanh tốt lớn lên từng ngày, anh vui như mở hội. Thế nhưng, địa thế Tân Triều là vùng trũng nên hết sức ngặt nghèo, sau một trận mưa lớn, đất đai bị ngập úng, hơn 2/3 gốc bị chết.
Quyết tâm với cây bưởi, anh Sơn tiếp tục vay mượn mua thêm giống mới, chiết cây để trồng. Vậy mà, ông trời như thử thách con người, hết lần này đến lần khác, vườn bưởi cứ lặp lại điệp khúc chết cũ trồng mới. Mất gần 7 năm gắn bó, vườn bưởi mới bắt đầu đem lại những trái ngọt cho gia đình anh.
Anh Sơn nhớ lại: “Lúc đó, tôi nói đi trồng bưởi và sẽ làm chòi ở trong này để tiện chăm sóc, ba mẹ phản đối hết sức quyết liệt. Cả nhà cho rằng, ở một mình trong này, đêm hôm có chuyện gì xảy ra, thì biết kêu ai. Ngoài ra, trồng bưởi chưa chắc đem lại năng suất nên về ở nhà cho an toàn”.
Bất chấp sự ngăn cản của người thân, anh Sơn nài nỉ để được ở lại trong vườn. Mặc hai mùa nắng mưa, anh Sơn chăm bưởi, tỉa cành, đào mương thoát nước... Đến 2007, nhìn những quả bưởi đầu tiên thành hình, anh vui mừng khôn tả. “Mùa bưởi đó, cầm 38 triệu đồng từ việc bán bưởi, tôi biết rằng, những ngày tháng cơ cực đã ở lại sau lưng” - anh Sơn nói.
Hiểu nguồn nước ngọt là sự sống còn của cây bưởi, bằng số tiền tận thu được trong mùa bưởi đầu tiên, anh gom tất cả để thuê nhân công cải tạo đường ống dẫn nước từ sông vào đến vườn. Thật bất ngờ, mùa bưởi 2008 anh thu được “trái ngọt” lên tới 600 triệu đồng.
Vườn bưởi trĩu quả của anh Ngô Văn Sơn. Ảnh: T.V
Kiên trì làm thương hiệu sạch
Hiện tại anh Sơn đã có vườn bưởi rộng hơn 2ha với 700 gốc đang trong thời kỳ cho trái. Nhẩm tính theo con số thị trường, tổng tài sản của anh có được gần 40 tỷ đồng.
Không như nhiều hộ trồng bưởi trong vùng Tân Triều, anh Ngô Văn Sơn là một trong những người đầu tiên trồng bưởi theo mô hình bền vững VietGAP. Năm 2012, khi có chủ trương thực hiện nông sản sạch, sau 3 tháng học sơ cấp, anh Sơn mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua các trang thiết bị cơ giới như máy cày, máy chở phân, máy cuốc… Đặc biệt, anh không ngại bỏ chi phí lắp đặt hệ thống phun tưới trên cao cho vườn bưởi. Ngoài ra, anh còn xuống tận các tỉnh Trà Vinh, Cần Thơ, Vĩnh Long... để học tập các mô hình sản xuất thành công của nông dân miền Tây.
Anh Sơn chia sẻ, trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP cực hơn nhiều lần và phải tuân theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ khâu vườn trại đến thu hoạch. Các hộ gia đình xung quanh thắc mắc, bảo anh làm chi cho cực vậy, có lợi lộc hơn gì đâu. Tuy nhiên, vì muốn đưa thương hiệu bưởi Tân Triều phát triển bền vững, anh kiên quyết làm tới cùng.
Nói về kinh nghiệm trồng bưởi, anh Sơn cho biết, cây bưởi ở vùng đất này đơm hoa kết trái nhiều lần/ mỗi năm. Tuy nhiên, với những người trồng chuyên nghiệp và có hướng đi lâu dài thì không nên để ra trái nhiều lần. Vì như thế, cây bưởi nhanh già, trái bưởi nhỏ và chất lượng thấp.
“Sau mùa thu hoạch tháng Giêng thì bắt đầu vào chăm sóc cây, chủ yếu là tỉa cành, bón phân… Nếu phát hiện những cây bưởi ra bông thì phải vặt trụi chứ không để. Nhẩm tính chỉ còn 1 mùa thì là lúc tập trung cho khâu ra trái” - anh Sơn bộc bạch.
Hiện tại, vườn bưởi của anh Ngô Văn Sơn có 4 nhân công làm việc, thời gian cơ động theo mùa vụ, thu nhập mỗi tháng gần 5 triệu đồng/người. Khu vườn anh trồng 4 loại bưởi chính gồm bưởi da xanh, bưởi ổi, bưởi lá cam và bưởi đường. Mỗi năm trừ hết các chi phí, anh Sơn thu lãi được từ 500 đến 700 triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.