Bộ, ngành nào bị TTCP "điểm mặt" trong vụ Mobifone – AVG?

Bách Thuận Thứ năm, ngày 15/03/2018 19:11 PM (GMT+7)
Theo Kết luận thanh tra Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) vừa được Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) ban hành, có đến 6 đơn vị bị xác định có liên quan trong vụ giao dịch này.
Bình luận 0

Thiếu trách nhiệm, vi phạm Luật Đầu tư

Đơn vị đầu tiên được TTCP kết luận có liên quan đến thương vụ Mobifone – AVG là Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT).

Theo kết luận thanh tra, Bộ TTTT với vai trò, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp và quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông, chịu trách nhiệm xem xét, quyết định phê duyệt Dự án đầu tư theo thẩm quyền quy định. Với trách nhiệm của mình, Bộ TTTT đã để xảy ra nhiều thiếu sót, tồn tại.

Cụ thể, khi Dự án đầu tư chưa được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng Bộ TTTT đã ban hành quyết định vào 12.2015 Phê duyệt Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone.

Bộ TTTT cũng phê duyệt Dự án đầu tư khi chưa phê duyệt chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm; chưa phê duyệt Dự án đầu tư thuộc danh mục dự án nhóm A.

Đối với 4 kênh tần số mà Bộ TTTT đã cấp cho AVG để thực hiện thí điểm “Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng truyền dẫn, phát sóng kỹ thuật số và phát triển hoạt động truyền hình giải trí kỹ thuật số trả tiền” liên kết với Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Bình Dương (được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thực hiện thí điểm).

Theo quy định Luật Tần số vô tuyến điện, 4 kênh tần số này là tài nguyên Quốc gia có giá trị thương mại cao; khi giao cho đơn vị sử dụng, khai thác phải được đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện để thu tiền nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) nhưng Bộ TTTT đã không thu hồi để tổ chức đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng mà lại đề nghị Thủ tướng Chính phủ “cho phép Mobifone được tiếp tục sử dụng 4 kênh tần số đã cấp cho AVG để phục vụ hoạt động kinh doanh dịch vụ truyền hình và viễn thông”.

img

Bộ TTTT được xác định thiếu trách nhiệm trong giao dịch mua 95% cổ phần AVG của Mobifone.

Mặc dù chưa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý nhưng tại Điều 3 của Quyết định số 236/QĐ-BTTTT phê duyệt dự án đầu tư, Bộ TTTT đã cho Mobifone tiếp tục sử dụng 4 kênh tần số này.

TTCP xác định, việc này là vi phạm quy định Luật Tần số vô tuyến điện; vi phạm các quy định của Bộ TTTT.

Bên cạnh đó, Bộ TTTT ngày 21.12.2015 đã quyết định phê duyệt Dự án đầu tư không xác định cụ thể nguồn vốn đầu tư. Điều này là khác hoàn toàn với báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng trước đó.

Theo báo cáo, việc sử dụng vốn chủ sở hữu 30% tổng mức đầu tư, vốn vay tín dụng 70% tổng mức đầu tư nhưng thực tế Mobifone đã sử dụng 100% vốn chủ sở hữu vào đầu tư dự án.

Đáng chú ý, “việc Mobifone nhận chuyển nhượng 95% cổ phần AVG không thuộc lĩnh vực bí mật Nhà nước nhưng Bộ TTTT đã có đề nghị Bộ Công an cho ý kiến và đã đưa giao dịch này thuộc danh mục Mật là không đúng quy".

Cũng chỉ rõ trách nhiệm của Tổ thẩm định trong thẩm định dự án, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp tham mưu phê duyệt Dự án đầu tư, TTCP xác định, các đơn vị này đã vi phạm nghiêm trọng, không nhất quán với quan điểm chỉ đạo của Bộ TTTT, thể hiện cố ý làm trái.

Cũng theo kết luận, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) với vai trò, nhiệm vụ chủ trì thẩm định, lập báo cáo thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, nhưng đã không hướng dẫn Bộ TTTT và Mobifone thực hiện dự án đầu tư theo quy định; đã căn cứ vào đề nghị của Văn phòng Chính phủ  có Văn bản số gửi Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2015, trong đó đề nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án, là không đúng quy định tại Luật Đầu tư.

Đáng chú ý là, các ý kiến của Bộ KH&ĐT là thiếu nhất quán. Trách nhiệm thuộc về cán bộ, công chức có liên quan của Bộ KH&ĐT

Cũng liên quan tới Dự án này, Bộ Tài chính được xác định đã không kịp thời đưa ra những phân tích, đánh giá, đề xuất đầy đủ, toàn diện về những tác động trực tiếp từ việc Mobifone bỏ số vốn rất lớn để đầu tư Dự án, ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình cổ phần hóa, trong đó có việc hiện thực hóa số thu của Nhà nước khi bán cổ phần Mobifone.

TTCP nhận định, Bộ Tài chính đã nhận thấy vấn đề trọng yếu của việc đầu tư Dự án, nhất là hiệu quả đầu tư và sự ảnh hưởng của việc đầu tư Dự án làm giảm kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Mobifone ngay trong giai đoạn 2015-2017 và đã đề nghị Bộ TTTT chỉ đạo Mobifone tiếp tục rà soát dự án đầu tư để đảm bảo hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn thống nhất với đề xuất của Bộ TTTT về chủ trương đầu tư dự án… đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong khi Mobifone đang tiến hành cổ phần hóa. Trách nhiệm này thuộc về cán bộ, công chức có liên quan của Bộ Tài chính.

Không đúng thẩm quyền, sai quy trình 

Quá trình thanh tra, TTCP xác định, việc Bộ Công an có các văn bản đề nghị các vấn đề liên quan đến thương vụ Mobifone – AVG là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định.

img

Bộ Công an đồng ý với đề nghị của Bộ TTTT đưa tài liệu giao dịch này trong danh mục tài liệu bí mật của Bộ TT-TT với mức độ "MẬT", thực hiện bảo mật vụ việc mua bán, không giới hạn về thời gian bảo mật thông tin, là chưa phù hợp.

Cụ thể, Bộ Công an có văn bản ngày 8.12.2014, đề nghị Bộ TTTT hướng dẫn Công ty AVG không được phép chuyển nhượng cổ phần cho nước ngoài, mà chỉ nên bán cổ phần cho các đối tác trong nước, doanh nghiệp nhà nước là tốt nhất; mặt khác, việc Mobifone nhận chuyển nhượng 95% cổ phần AVG không thuộc lĩnh vực bí mật Nhà nước nhưng trên cơ sở đề nghị của Bộ TTTT, Bộ Công an có Văn bản thống nhất với Bộ TTTT về việc đưa tài liệu giao dịch này trong danh mục tài liệu bí mật của Bộ TTTT với mức độ “MẬT”, thực hiện bảo mật vụ việc mua bán, không giới hạn về thời gian bảo mật thông tin, là chưa phù hợp.

Bên cạnh đó, Bộ Công an không có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính nhưng có Văn bản gửi Bộ TTTT, trong đó có nội dung “đánh giá quá trình, quy trình thực hiện Dự án do Bộ TTTT chỉ đạo là thận trọng, chặt chẽ, tuân thủ các quy định pháp luật; có điều kiện và cơ sở để giải quyết các vấn đề về an ninh như Bộ Công an đã nêu…” là không đúng chức năng, thẩm quyền.

Đối với Văn phòng Chính phủ, TTCP kết luận cơ quan này cũng có nhiều tồn tại liên quan đến vụ mua cổ phần AVG của Mobifone.

Theo đó, mặc dù dự án chưa được thẩm định theo quy định của Luật Đầu tư; Văn phòng Chính phủ chưa có đầy đủ hồ sơ dự án nhưng đã gửi văn bản lấy ý kiến của Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và thực hiện những việc chưa phù hợp trong quá trình bộ TTTT xin ý kiến.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem