Bỏ nghề giáo về nấu thạch, một nông dân ở Cao Bằng thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm

Chiến Hoàng Thứ tư, ngày 18/12/2024 09:12 AM (GMT+7)
Bỏ nghề giáo, mạnh dạn đầu tư thiết bị máy móc để nấu thạch đen, nông dân Triệu Long Biên (xóm Minh Khai, xã Đức Long, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) đã đưa sản phẩm thạch đen Su Hào của cơ sở mình trở thành sản phẩm OCOP 3 sao, nhờ đó mỗi năm bỏ túi vài trăm triệu đồng.
Bình luận 0

Cơ sở sản xuất thạch đen Su Hào của anh Triệu Long Biên (xóm Minh Khai, xã Đức Long, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) nằm ngay cạnh đường cái quan, cách trung tâm TP.Cao Bằng chỉ chừng 30km theo hướng đi Pác Bó. Đây là điều kiện đặc biệt thuận lợi giúp sản phẩm thạch đen Su Hào của cơ sở anh được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, nhất là những khách du lịch.

Bỏ nghề giáo về làm thạch đen, một nông dân ở Cao Bằng thu nhập vài trăm triệu mỗi năm - Ảnh 1.

Anh Triệu Long Biên, xóm Minh Khai, xã Đức Long, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng vận hành hệ thống nồi điện để nấu thạch tại cơ sở sản xuất thạch đen Su Hào. Ảnh: Chiến Hoàng

Cơ sở sản xuất thạch đen Su Hào của anh Biên không quá rộng, chỉ chừng 80m2. Việc bố trí thiết bị máy móc tại cơ sở này rất khoa học, nơi đổ thạch đặc biệt thoáng mát, tạo cảm giác tin tưởng về chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc nấu thạch được anh Biên sử dụng toàn bộ bằng hệ thống điện, đảm bảo cho sản phẩm không có sự khác biệt giữa các mẻ nấu.

Anh Triệu Long Biên chia sẻ, trước đây anh là giáo viên, dạy và lấy vợ ở huyện Thạch An - huyện được biết đến vựa thạch lớn nhất nhì tỉnh Cao Bằng. Phần lớn người dân trong huyện đều có nghề làm thạch và anh cũng bén duyên với nghề nấu thạch đen từ đó.

Bỏ nghề giáo về làm thạch đen, một nông dân ở Cao Bằng thu nhập vài trăm triệu mỗi năm - Ảnh 2.

Anh Triệu Long Biên, xóm Minh Khai, xã Đức Long, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng kiểm tra kho cất giữ nguyên liệu thạch đen của cơ sở sản xuất thạch đen Su Hào. Ảnh: Chiến Hoàng

"Tôi thấy việc sản xuất thạch đen phù hợp với điều kiện của gia đình, đặc thù địa phương; nguyên liệu đầu vào cũng được đảm bảo. Nhu cầu về thạch đen của người tiêu dùng cũng rất cao, nhất là vào mùa hè. Chính bởi đó mà tôi đã quyết định nghỉ việc để mở cơ sở sản xuất thạch đen tại nhà.

Chúng tôi xây dựng cơ sở lúc đầu khá nhỏ, mang tính chất thử nghiệm. Khi có sản phẩm, có thị trường mới dám đầu từ để mở rộng quy mô sản xuất. Sản phẩm của chúng tôi tiêu thụ tốt. Trước đó sản phẩm chủ yếu xuất bán về xuôi, tuy nhiên gần đây tiêu thụ trong tỉnh cũng rất không kém, nhất là khi tỉnh Cao Bằng tập trung phát triển du lịch, du khách đến với Cao Bằng ngày càng nhiều hơn", anh Biên cho biết thêm.

Bỏ nghề giáo về làm thạch đen, một nông dân ở Cao Bằng thu nhập vài trăm triệu mỗi năm - Ảnh 3.

Anh Triệu Long Biên (xóm Minh Khai, xã Đức Long, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) cho thạch mới ra lò vào các hộp đựng thạch tại cơ sở sản xuất thạch đen Su Hào. Ảnh: Chiến Hoàng

Theo anh Biên, khi mới sản xuất, sản phẩm dù chất lượng tốt nhưng mẫu mã, bao bì không đẹp, việc bảo quản cũng khá đơn giản. Nhờ được góp ý từ khách hàng và các cơ quan chuyên môn, anh đã tích cực tiếp thu, cải tiến vì đó mà sản phẩm cũng đã được cải thiện hơn về mẫu mã, bao bì…

"Thạch đen là sản phẩm phổ biến và được nhiều hộ dân ở Cao Bằng làm, tuy nhiên việc liên kết giữa các hộ chưa nhiều, vẫn chỉ là những nhóm nhỏ lẻ, do đó trên địa bàn huyện cũng chưa có HTX nào chuyên về thạch đen. Để có thêm thu nhập, cơ sở chúng tôi làm thêm cả bánh bò, sản phẩm này cũng đang bán rất chạy.

Lúc cao điểm, vào mùa hè cơ sở chúng tôi sử dụng từ 10 đến 12 lao động với mức thu nhập bình quân từ 8-10 triệu đồng/người/tháng. Về thu nhập của cơ sở chúng tôi, tùy thuộc vào từng năm vì cây thạch đen rất khó tính, khi ươm trồng mà gặp hạn hán sẽ không lên nổi. Những năm gần đây cơ sở chúng tôi thu được từ bán thạch đen Su Hào khoảng vài trăm triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên cũng có năm chỉ ở mức duy trì cho anh em có việc", anh Biên chia sẻ.

Bỏ nghề giáo về làm thạch đen, một nông dân ở Cao Bằng thu nhập vài trăm triệu mỗi năm - Ảnh 4.

Ngoài bán giao, anh Triệu Long Biên (xóm Minh Khai, xã Đức Long, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) còn bán lẻ thạch đen phục vụ khách du lịch. Ảnh: Chiến Hoàng

Anh Biên cũng đang tận dụng các nền tảng mạng xã hội để hỗ trợ trong việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Anh Biên cho hay, khi sản phẩm Thạch đen Su Hào được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, lượng tiêu thụ cũng tăng do được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn nhiều hơn.

Nói về mô hình sản xuất thạch đen của anh Biên, ông Triệu Trung Thông, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng cho biết, mô hình làm thạch đen của hội viên nông dân Triệu Long Biên là một mô hình hiệu quả, tạo được công ăn việc làm cho một số lao động ở địa phương.

"Hằng năm, lượng tiêu thụ thạch đen của cơ sở này khá lớn, đặc biệt là vào mùa hè. Mức tiêu thụ có thể đạt trên tấn một ngày. Thạch đen Su Hào của anh Biên có thị trường khá rộng, điển hình như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng… 

Ở Hòa An chỉ có cơ sở sản xuất thạch đen Su Hào là quy mô tương đối lớn. Việc cơ sở sản xuất hiệu quả đã góp phần tiêu thụ nguyên liệu, tạo thu nhập cho nhiều hộ trồng thạch ở các xã Bình Dương, Lê Trung, Bạch Đằng của huyện", Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa An thông tin thêm.

Được biết, Hội Nông dân huyện Hòa An cũng đã có kế hoạch về việc tuyên truyền, nhân rộng đối với mô hình làm thạch đen trên địa bàn huyện; hỗ trợ xây dựng gian hàng, kệ trưng bày sản phẩm và tổ chức chức cho các hội viên, nông dân có nhu cầu đến tham quan, học tập. 

Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Hòa An kỳ vọng, mô hình sẽ góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem