Cá cảnh được xác định là 1 trong 6 nhóm sản phẩm chủ lực của TP.HCM. Nghề này đang được TP.HCM xây dựng thành mô hình kinh tế giá trị hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp đô thị.
TP.HCM có tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Do đó, Thành phố đã xác định phát triển nông nghiệp đô thị là bước đi tất yếu nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị cao, hiệu quả và đảm bảo phát triển bền vững. Ngành nông nghiệp TP.HCM đang tập trung phát triển 6 cây, con chủ lực gồm: rau, hoa cây kiểng, bò sữa (con giống, sữa), heo (con giống, thịt), tôm nước lợ và cá cảnh (xác định là sản phẩm có tiềm năng). Ngoài ra phát triển thêm cây dược liệu, tôm càng xanh, thủy đặc sản. Trong đó, mô hình nuôi cá cảnh không chỉ mang lại thu nhập cao cho người dân mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm áp lực môi trường.
Những năm gần đây, nghề nuôi cá cảnh tại TP.HCM đang phát triển mạnh mẽ và đa dạng với hơn 70 loài. Trong đó, chủng loại chính gồm có hơn 50 loài nuôi sinh sản và 20 loài khai thác tự nhiên thuần dưỡng làm cá cảnh. Các loài chiếm ưu thế như cá chép Nhật, bảy màu, hòa lan, dĩa, xiêm, phượng hoàng, ông tiên, tứ vân, hồng kim, hắc kim, bạch kim… Bà con chủ yếu nuôi theo các hình thức như nuôi trong hồ kính, nuôi hồ xi măng lót bạt, nuôi ao, nuôi trong keo, hũ, bình, thau, chậu…
Nghề nuôi cá cảnh tại TP.HCM đang phát triển mạnh mẽ và đa dạng với hơn 70 loài
Hiện nay, cá cảnh được nuôi tập trung chủ yếu tại một số quận huyện như: Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức, quận 8, quận 9, quận 12, Gò Vấp. Trong đó 2 huyện Bình Chánh và Củ Chi chiếm khoảng 80%. Đây là khu vực có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, trong đó diện tích mặt nước để nuôi thủy sản ngày càng tăng và hệ thống nước kênh Đông (tại Củ Chi) được đầu tư để phát triển nông nghiệp. Các trang trại nuôi cá tại TP.HCM không chỉ cung cấp nguồn cung cho thị trường nội địa mà còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Kỹ thuật nuôi cá cảnh còn mới mẻ và khác nhiều so với kỹ thuật nuôi các đối tượng truyền thống của nông dân. Vì thế, nông dân mới vào nghề hay muốn phát triển nuôi thêm đối tượng mới rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía, trong đó có khuyến nông. Nhằm hỗ trợ nông dân, góp phần thực hiện Chương trình cá cảnh của Thành phố, Khuyến nông phải liên tục nắm bắt nhu cầu của nông dân để hỗ trợ kịp thời về kỹ thuật nuôi, kênh tiêu thụ và cũng mạnh dạn khuyến khích nông dân chuyển đổi ngành nghề như chuyển từ nuôi cá thịt kém hiệu quả sang nuôi cá cảnh.
Hiệu quả kinh tế các mô hình nuôi cá cảnh rất phù hợp cho nông nghiệp đô thị và ngày càng được nhiều nông dân quan tâm. Trung tâm tiếp tục phát huy các đối tượng nuôi đã có thị trường và kinh nghiệm của các hộ nuôi tại các quận huyện trong thời gian vừa qua như nuôi cá cảnh trong ao (cá koi) và nuôi cá cảnh sinh sản (cá dĩa)…
Để tiếp tục triển khai các hoạt động khuyến nông bám sát chủ trương, định hướng của ngành, Thành phố đáp ứng nhiệm vụ, yêu cầu mới hiện nay về phát triển nông nghiệp TP.HCM là nền nông nghiệp đô thị đặc biệt, trong đó đặc biệt phát triển về sản xuất giống, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ và nâng cao các nhiệm vụ liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng tư vấn, dịch vụ khuyến nông…
Trung tâm Khuyến nông Thành phố tiếp tục tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND Thành phố phê duyệt Quyết định số 64/2024/QĐ-UBND ngày 20/9/2024 về ban hành định mức kinh tế kỹ thuật về khuyến nông trên địa bàn TP.HCM, thay thế Quyết định số 03/2021/QĐ-UBND ngày 26/01/2021 về ban hành định mức kinh tế kỹ thuật về khuyến nông trên địa bàn TP.HCM.
Qua đó, Trung tâm tiếp tục cập nhật, bổ sung các mô hình nuôi cá cảnh mới, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân, doanh nghiệp và của thị trường như: mô hình sản xuất giống cá hồng mi Ấn Độ, sản xuất giống Cá tam giác, sản xuất giống các loại cá kiểng nước ngọt, sản xuất cá xiêm, sản xuất các kiểu hình cá neon, sản xuất cá bảy màu theo phương pháp chuyển đổi giới tính bằng hormon,…
Để tiếp tục phát triển nghề nuôi cá cảnh tại Thành phố mang lại nhiều giá trị cho ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực thủy sản nói riêng, Trung tâm đưa ra các giải pháp góp phần đẩy mạnh phát triển cá cảnh.
Việc tạo đầu ra tiêu thụ sản phẩm cần ưu tiên hàng đầu. Vì thế, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ xây dựng và phát triển các cơ sở vệ tinh nâng cao sản lượng sản xuất cá cảnh để cung cấp trực tiếp cho các doanh nghiệp xuất khẩu là những đầu mối tiêu thụ cá cảnh cho các hộ, trang trại nuôi cá cảnh trên địa bàn Thành phố. Việc tổ chức liên kết, ký kết giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa các doanh nghiệp và hộ nông dân, trang trại; vận động chuyển đổi các trang trại có quy mô lớn thành doanh nghiệp, để cá cảnh có điều kiện phát triển hơn.
Bên cạnh đó, các chủ cơ sở cá cảnh mạnh dạng đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình thực hành quản lý tốt trong sản xuất cá cảnh (GMPs) và áp dụng những tiến bộ khoa học trong hoạt động sản xuất, lai tạo cá cảnh để nâng cao sản lượng và chất lượng cá cảnh phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trong thời gian tới, ngành khuyến nông sẽ hỗ trợ các giải pháp về kỹ thuật trong nuôi cá cảnh: Thiết kế ao, hồ; bể xi măng, hồ composite; kỹ thuật xử lý nước… để nuôi và dưỡng cá. Hỗ trợ phát triển thêm các dịch vụ phục vụ nghề cá cảnh như: hồ kiếng, cây thủy sinh, thiết bị xử lý nước, thức ăn, máy sục khí, dịch vụ chăm sóc cá…
Song song đó, người nông dân cần được hỗ trợ ban đầu về giống cá cảnh cho các hộ phát triển mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi khác sang nuôi cá cảnh.
Trong thời buổi công nghệ số, Trung tâm Khuyến nông cần tăng cường công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu cá cảnh TP.HCM thông qua các hội nghị, hội chợ, triển lãm, các website, các brochure,…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.