Bổ nhiệm sai cán bộ: Vũ Huy Hoàng không chống lưng, liệu có vụ Trịnh Xuân Thanh?

Hoàng Thắng Thứ sáu, ngày 10/03/2017 18:30 PM (GMT+7)
Hàng loạt hệ quả từ những quyết định bổ nhiệm cán bộ sai của nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Quang Hải, Vũ Đình Duy... khó có thể khắc phục được trong một khoảng thời gian ngắn.
Bình luận 0

imgTrường hợp bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh từng tốn không ít giấy mực của báo chí

Kết luận của Thanh tra Bộ Nội vụ vào chiều 8.3 nêu rõ, trong giai đoạn thanh tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định bổ nhiệm 97 trường hợp (năm 2015 có 63 trường hợp, năm 2016 có 34 trường hợp) gồm 55 trường hợp cấp vụ, 42 trường hợp cấp phòng; điều động, bổ nhiệm ngang cấp 10 trường hợp (năm 2015 có 8 trường hợp, năm 2016 có 2 trường hợp); bổ nhiệm lại 5 trường hợp và kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu 1 trường hợp (cấp vụ). Trong số này, có tới 47 trường hợp không đáp ứng trình độ lý luận chính trị, không đáp ứng về tuổi khi bổ nhiệm lần đầu hoặc thiếu các chứng chỉ nghiệp vụ liên quan.

Liên quan tới vấn đề này, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, để xảy ra tình trạng như vậy, trách nhiệm thuộc về người đứng đầu Bộ Công Thương lúc đó là ông Vũ Huy Hoàng và các cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm kiểm tra, quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ. Theo ông Hùng, trong hệ thống quản lý Nhà nước, việc giám sát quyền lực chưa được thực hiện chặt chẽ.

Ông Hùng nói: “Sự việc đã cho thấy chúng ta kém ở khâu kiểm soát quyền lực. Qua việc ông Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm con trai và và cấp dưới vào những vị trí quan trọng dù biết những trường hợp này được bổ nhiệm không đúng quy trình, thiếu các tiêu chuẩn bổ nhiệm như bằng cấp, chứng chỉ nghiệp vụ khiến người ta cảm thấy ông này không bị kiểm soát quyền lực”.

Trao đổi với Dân Việt về trường hợp của Trịnh Xuân Thanh, PGS. TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an đặt ra câu hỏi: “Nếu không có nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chống lưng, liệu có xảy ra vụ Trịnh Xuân Thanh?”

Thiếu tướng Lê Văn Cương nhớ lại: “Ngày 25.9.2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể tới đâu trong việc để thất thoát hàng nghìn tỉ đồng của Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam do ông Trịnh Xuân Thanh phụ trách. Vậy mà sau đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không thực hiện, Bộ trưởng Bộ Công thương lúc đó là ông Vũ Huy Hoàng cũng không làm, mà còn đưa ông Thanh ra khỏi vũng lầy dó chính mình tạo ra, rồi  bổ nhiệm làm Phó Chánh Văn phòng Bộ Công Thương, sau đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Nếu ông Hoàng thực hiện nghiêm chỉnh chỉ thị của Thủ tướng, chắc chắn sẽ không xảy ra vụ Trịnh Xuân Thanh”.

Theo phân tích của Thiếu tướng Lê Văn Cương, chỉ riêng sự việc này cũng đã đủ để kỷ luật, khai trừ ông Vũ Huy Hoàng khỏi Đảng. Rút kinh nghiệm từ vụ việc Trịnh Xuân Thanh, các cơ quan quản lý của Đảng, Nhà nước phải làm tới cùng, không chỉ riêng ông Vũ Huy Hoàng, những người giúp việc cho ông Hoàng cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. 

Bên cạnh cái tên Trịnh Xuân Thanh, trong năm 2016, dư luận từng dậy sóng bởi hai trường hợp được ông Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng, đại diện phần vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Bia – Rượu – nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là ông Võ Thanh Hà và ông Vũ Quang Hải. 

img

Ông Võ Thanh Hà từng bị VAFI nghi ngờ về năng lực quản trị doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), Chủ tịch Sabeco phải sở hữu năng lực, kinh nghiệm gần bằng những người như ông Trương Gia Bình (FPT), bà Mai Kiều Liên (Vinamilk)… chứ không thể chọn một người không có kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp như ông Võ Thanh Hà.

“Thủ tục giới thiệu ông Võ Thanh Hà ra Hội đồng Quản trị không đúng về mặt doanh nghiệp.  Ông Võ Thanh Hà chưa bao giờ là thành viên HĐQT Sabeco vì trình tự bổ nhiệm không theo đúng Luật Doanh nghiệp”, ông Hải nói.

Đối với trường hợp của ông Vũ Quang Hải, VAFI cũng từng đặt câu hỏi: “Trong vòng 1 năm, ông Vũ Quang Hải có đóng góp gì cho Cục Xúc tiến Thương mại hay không?”.

img

Việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải được Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kết luận là vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Doanh nghiệp

Theo phía VAFI, ông Hải khó có thể đóng góp gì bởi dù là người có năng lực cũng phải mất nhiều thời gian tìm hiểu công việc mới và để hoàn thành các khóa học về hành chính công, quản lý nhà nước, các khóa tập huấn về chính trị…  

Liên quan tới việc Sabeco trốn niêm yết trong 8 năm liền, theo ông Nguyễn Hoàng Hải, việc này có phần trách nhiệm của những người quản lý doanh nghiệp như ông Võ Thanh Hà, Vũ Quang Hải... Nhưng trách nhiệm cao nhất thuộc về nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Điều này khiến hàng nghìn nhà đầu tư bị thiệt hại, rơi vào cảnh phải cắn răng chịu lỗ bán số cổ phần mình đã đầu tư. Hậu quả là nhiều nhà đầu tư mất niềm tin đối với việc mua cổ phần của các doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc Bộ Công Thương.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem