Theo đó, công văn số 5378/BNV-CCVC do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa ký nêu rõ, để khắc phục những bất cập trong quản lý, sử dụng viên chế sự nghiệp giáo dục giáo dục và y tế, Bộ Chính trị (tại công văn số 9028) và Thủ tướng Chính phủ (công văn số 1480) đã đồng ý chủ trương cho phép các địa phương thực hiện xét tuyển đặc cách với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ năm 2015 trở về trước trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.
Để thống nhất việc thực hiện chủ trương này, Bộ Nội vụ đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo rà soát, tổng hợp danh sách giáo viên đã có có hợp đồng lao động từ năm 2015 trở về trước và căn cứ chỉ tiêu số lượng người làm việc là giáo viên (biên chế giáo viên) chưa sử dụng, để quyết định việc tuyển dụng đặc cách với nhóm đối tượng này theo chủ trương của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.
Đối tượng được xem xét tuyển dụng đặc cách là giáo viên đang làm hợp đồng lao động theo vị trí việc làm giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập, đã có thời gian ký hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, làm công việc giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn trước 31/12/2015, trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.
Bộ trưởng Nội vụ Lễ Vĩnh Tân cho biết giáo viên được ký hợp đồng trước ngày 31/12/2015 có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo vị trí việc làm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không vi phạm kỷ luật trong thời gian giảng dạy thì sẽ được xét tuyển đặc cách.
Đáng chú ý, Bộ Nội vụ yêu cầu sau khi thực hiện tuyển dụng đặc cách đối với đối tượng nêu trên, nếu vẫn còn chỉ tiêu biên chế thì các địa phương thực hiện việc tuyển hoặc xét tuyển công khai theo quy định của Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đối với các địa phương đã thực hiện tuyển dụng đặc cách đối tượng nêu trên và thực hiện tuyển dụng theo pháp luật về viên chức đủ số chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao, mà vẫn còn giáo viên hợp đồng lao động thì chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 7.11, trước phần chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề tuyển dụng với giáo viên hợp đồng, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, ông vừa duyệt văn bản và đề nghị cho phát hành gửi ngay 63 tỉnh, thành để giải quyết về vấn đề thực hiện biên chế hợp đồng.
Theo đó, giáo viên được ký hợp đồng trước ngày 31/12/2015 có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo vị trí việc làm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không vi phạm kỷ luật trong thời gian giảng dạy thì sẽ được xét tuyển đặc cách.
"Như vậy, nếu ngày hôm nay phát hành, ngày mai các tỉnh cứ làm, vấn đề này là rõ ràng... Như tôi nói ở đây là chúng ta tuyển đặc cách đối với những người đã ký hợp đồng từ 2015 trở về trước. Tôi nói nó khác với chuyện chúng ta tuyển theo Nghị định 161, không có chuyện cạnh tranh như những người bên ngoài. Đây là giải quyết, gỡ rối cho các địa phương trong thời gian qua mà chúng ta thực hiện", Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.
Người đứng đầu ngành Nội vụ cũng yêu cầu Hà Nội thực hiện nghiêm túc việc tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng.
Như vậy, tuy TP.Hà Nội đã thi, xét tuyển xong vòng 1 tuyển dụng viên chức giáo dục, nhưng với văn bản này, các giáo viên hợp đồng của thành phố vẫn còn hy vọng được gắn bó lâu dài với nghề.
Trước đó, hàng trăm giáo viên hợp đồng của Hà Nội đã nhận được quyết định chấm dứt hợp đồng dù chưa thi tuyển hay xét tuyển viên chức giáo dục. Còn tại huyện Sóc Sơn, nơi có 256 giáo viên hợp đồng từ trước năm 2015, ngay sau khi kết thúc vòng 1 tuyển dụng của thành phố, các giáo viên cũng đã nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng lao động bắt đầu từ ngày 1/1/2020 nếu không thi đỗ vòng 2.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.