Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Campuchia và tỉnh Tà Keo tham quan mô hình lúa giảm phát thải tại ĐBSCL
Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Campuchia và tỉnh Tà Keo tham quan mô hình lúa giảm phát thải tại ĐBSCL
Quang Sung
Thứ bảy, ngày 01/06/2024 06:30 AM (GMT+7)
Đoàn lãnh đạo Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Vương quốc Campuchia và tỉnh Tà Keo đã đến thăm mô hình mẫu thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa giảm phát thải tại ĐBSCL.
Ngày 31/5, Ngài quốc vụ khanh Toch Bunhour dẫn đầu đoàn lãnh đạo Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Vương quốc Campuchia và tỉnh Tà Keo sang thăm và làm việc với Công ty cổ phần phân bón Bình Điền; kết hợp tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả tại vùng ĐBSCL. Chuyến công tác của đoàn sẽ kéo dài từ 31/5 đến 2/6 với nhiều hoạt động.
Trong ngày, đoàn đã đến thăm mô hình mẫu thực hiện đề án 1 triệu ha lúa giảm phát thải tại huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ. Đây là mô hình ứng dụng nhiều giải pháp hướng đến canh tác lúa giảm phát thải, trong đó có quy trình bón phân canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu của Công ty cổ phần phân bón Bình Điền.
Đoàn công tác cũng đã đến tham quan ruộng sản xuất giống lúa tại Viện lúa ĐBSCL (huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ). Tại đây, TS Trần Ngọc Thạch – Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL đã giới thiệu với đoàn công tác về quá trình hình thành của viện, cũng như một số thành quả nổi bật của viện trong thời gian qua.
Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết, giữa Việt Nam và Campuchia có sự tương đồng rất lớn về điều kiện tự nhiên, nhất là trong lĩnh vực canh tác lúa gạo. TS Thạch mong muốn trong thời gian tới, giữa Viện lúa ĐBSCL và ngành nông nghiệp Campuchia sẽ có sự hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực phát triển giống, chuyển giao công nghệ... nhằm nâng cao chất lượng sản xuất lúa gạo của hai nước.
Ngài quốc vụ khanh Toch Bunhour cho biết, ông đánh giá cao sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam.
"Chúng ta nói Campuchia đất rộng, đất có dinh dưỡng tốt, có tiềm năng, nhưng về lĩnh vực nông nghiệp Campuchia phát triển còn hạn chế so với Việt Nam", ông Toch Bunhour nhận định.
Ông Toch Bunhour mong muốn qua chuyến công tác sẽ học tập được kinh nghiệm, cách canh tác lúa tại Việt Nam để triển khai tại Campuchia. Đồng thời mong muốn các cán bộ của Viện lúa ĐBSCL sẽ sớm sang thăm, tìm hiểu, tư vấn về các quy trình trồng lúa mới và sẽ cử các cán bộ ngành nông nghiệp của nước này sang Việt Nam học hỏi về quy trình trồng lúa giảm phát thải.
Được biết, vùng đồng bằng phía Nam Campuchia cũng như các tỉnh tiếp giáp với biển hồ Tonlesap và ĐBSCL có nhiều tương đồng về điều kiện canh tác, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, bà con nông dân tại Campuchia cũng tăng cường áp dụng các giải pháp kỹ thuật, giống, phân bón mới để tăng năng suất, thâm canh tăng vụ, từ đó hiệu quả kinh tế được nâng cao đáng kể.
Lãnh đạo Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia cũng như các địa phương rất chú trọng triển khai thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch để giúp bà con nông dân canh tác lúa nói riêng và các loại cây trồng nói chung.
Một trong những chương trình rất được đánh giá cao trong năm 2023 vừa qua là chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại Campuchia. Đây là chương trình được kế thừa và nhân rộng từ chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biển đổi khí hậu vùng ĐBSCL do Công ty cổ phần phân bón Bình Điền thực hiện.
Đoàn công tác của Campuchia tham quan mô hình lúa giảm phát thải tại ĐBSCL. Ảnh: Quang Sung
Nhờ ứng dụng đồng bộ nhiều giải pháp kỹ thuật, cũng như quy trình canh tác lúa thông minh phù hợp với điều kiện canh tác tại Campuchia, các mô hình đã tăng năng suất bình quân trên 1 tấn/ha, tăng lợi nhuận khoảng 500 USD (tương đương 24 triệu đồng/ha).
Không những đưa lại hiệu quả về kinh tế, các mô hình còn tạo hiệu ứng xã hội rất tốt, các hoạt động truyền thông, hội thảo, tập huấn, thăm đồng đã giúp chuyển giao kỹ thuật, nâng cao trình độ canh tác của bà con nông dân. Từ hiệu quả đó, lãnh đạo Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Campuchia rất tâm đắc và muốn tiếp tục mở rộng thực hiện trong năm 2024 thời gian tới trên cây lúa cũng như nhiều loại cây trồng khác tại Campuchia.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.