Gặp gỡ anh Trọng Nghĩa - bố của bé Trọng Nhân, anh đã có những chia sẻ thẳng thắn về quan điểm nuôi dạy con để trở thành Quán quân Vietnam's got talent 2016 như hiện nay. Theo anh Nghĩa, con anh không tự nhiên trở thành thần đồng trống 9 tuổi được mọi người ngưỡng mộ. Đó là cả một quá trình luyện tập của bé, sự dạy dỗ từ các thầy, cô đầy tâm huyết và cả sự sát cánh của gia đình.
- Anh có gặp phải áp lực khi Trọng Nhân giờ đã là Quán quân của “Vietnam’s got talent”?
Sau khi Trọng Nhân thắng giải, báo chí đưa tin nhiều, có những điều đúng và chưa chính xác lắm dễ gây hiểu lầm. Tôi chỉ thấy cái đó áp lực. Nhân bị chảy máu cam khi diễn đêm Gala cũng có người xuyên tạc là ép con tập trống liên tục đến kiệt sức. Dù thực tế, cháu vẫn hay bị như vậy do di truyền từ bố. Những câu trả lời đơn thuần của tôi như sẽ xem xét việc nhận show cho con nếu không ảnh hưởng đến việc học thì bị hiểu sai “Gia đình Trọng Nhân không cần tiền”…
Tôi biết mình không thể đi đính chính hết được tất cả các thông tin tràn lan. Tôi chỉ ngại những người quen biết gia đình từ lâu lại nghĩ ông này con trai mới được chút giải thưởng đã “nổ” rồi. Đó chỉ là nỗi lo của riêng tôi còn Trọng Nhân thì vẫn vậy. Cháu chỉ vui khi nhận được nhiều quà từ các cô, chú chứ cũng chẳng ý thức gì mình là Quán quân.
Anh Trọng Nghĩa luôn theo sát, chăm lo cho Trọng Nhân
- Có cậu con trai út là thần đồng trống 9 tuổi được cả nước yêu mến và ban nhạc rock nổi tiếng thế giới Avenged Sevenfold cũng quan tâm. Chắc chắn anh phải rất tự hào?
Khi ban nhạc Avenged Sevenfold của Mỹ khen ngợi tiết mục đánh trống ca khúc Nightmare của Trọng Nhân thì có thể đánh giá trung thực khả năng của bé. Trước đó, có không ít người nghi ngờ cho rằng, Nhân được BGK ưu ái, dành nhiều lời khen. Sau khi về nhà, nhiều lãnh đạo của tỉnh Lâm Đồng cũng đến thăm Trọng Nhân khiến tôi rất biết ơn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có không ít lời bàn tán. Nhiều khi tôi bị nổi quạu khi có đứa cháu bảo: “Chú Nghĩa giờ sướng rồi, tự nhiên được hưởng phước từ Trọng Nhân.” Đến cháu mình tôi cũng mắng ngay. Con tôi không tự nhiên trở thành thần đồng trống. Đành rằng bé phải có năng khiếu bẩm sinh nhưng bản thân phải tập luyện rất nhiều và được rất nhiều thầy, cô giỏi chỉ dạy, nâng đỡ. Những lúc tôi đưa đón con đi học, dành thời gian công sức lo cho con đi thi… mấy ai nhìn thấy điều đó.
- Cả hai con trai anh đều đam mê âm nhạc, anh đã định hướng con như thế nào khi còn bé?
Tôi chủ trương cho con học nhạc từ nhỏ. Không phải để thành ngôi sao này nọ mà là để tâm hồn nó nhẹ nhàng. Tôi cũng mê nhạc, không phải nhạc công chuyên nghiệp lưu diễn đó đây nhưng cũng biết chút guitar, piano… để khi giao lưu với bạn bè lấy ra đánh cho vui.
Khi Trọng Nhân 4 tuổi nhận thấy năng khiếu trống của con, tôi cố gắng sắp xếp cho cháu đi học. Gia đình tôi khi đó ở Đơn Dương. Hai đứa con tôi muốn học nhạc, cuối tuần lại tự bắt xe buýt lên Đà Lạt học thầy quen, khi bố rảnh thì mới đưa đón được. Trọng Nhân học trống còn anh lớn học piano.
Anh trai Trọng Nhân học piano từ bé và giờ theo học ngành sư phạm nhạc tại Nhạc viện TPHCM. Khả năng cảm thụ về âm nhạc của cháu lớn so với Trọng Nhân thì thua xa rất nhiều. Tôi cũng thẳng thắn nói chuyện với con, sau này muốn theo ngành gì thì cháu nhất quyết học nhạc. Năm đầu thi Đại học không đậu, cháu kiên trì luyện thêm và năm nay cũng đỗ top đầu ở khoa.
Năng khiếu là một phần nhưng phải đam mê thì mới theo đuổi được. Trọng Nhân bình thường có thể mải chơi quên luôn việc tập trống nhưng khi tôi nhắc nhở ngồi vào rồi thì bé say mê. Có khi Trọng Nhân tập đến 3 giờ đồng hồ liên tục, mồ hôi đầm đìa, bạn đến chơi cũng bỏ mặc. Mỗi lần như vậy mẹ nhìn con lại xót nhưng không cản được vì đây là sở thích lành mạnh. Tôi thấy các bé bây giờ mê game nhưng Trọng Nhân may mắn chỉ mê trống mà khi tập cũng như đang tập thể dục, tinh thần lẫn thể chất đều rất thoải mái.
Trọng Nhân được bố cho tham gia nhiều cuộc thi để dạn dĩ hơn
- Nhiều người nghĩ tham gia các cuộc thi truyền hình thực tế không tốt cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Cá nhân anh nghĩ sao về vấn đề này?
Tôi nghĩ tất cả đều do phụ huynh. Từ đầu tôi không chú trọng đến giải thưởng khi cho con đi thi. Tôi muốn Trọng Nhân tham gia nhiều sân chơi chủ yếu vì cháu rất nhút nhát. Ngoài ra, tôi cũng thấy cháu có tố chất mà hoàn cảnh gia đình ở Lâm Đồng thì không thể nào tốt bằng ở những thành phố lớn. Hi vọng sau khi tham gia, nhiều người nhận thấy tài năng của cháu có thể hỗ trợ để cháu phát triển trong tương lai.
Trọng Nhân tham gia hai cuộc thi là Nhí tài năng và Vietnam’s got talent. So với các bé khác, tôi thấy con mình còn hồn nhiên quá. Cháu chẳng biết gì, bố mẹ bảo lên đánh trống thì cứ thế diễn hết sức thôi. Những buổi tổng duyệt, các bé khác đều nghiêm túc còn Trọng Nhân thì đánh qua loa cho có. Tôi không dám la con chỉ khuyên răn con phải tập giống như lúc thi.
Tôi thấy có nhiều phụ huynh đang tạo sức ép lớn cho con mình. Các bé đi thi quan trọng quá thứ hạng của mình rồi không được khóc đến không ai dỗ được. Còn có bé, bị cô giáo và bố mẹ đặt nhiều kỳ vọng. Khi tập luyện có bị chấn thương cũng không dám lên tiếng, thậm chí còn bị cô giáo đánh nếu diễn không tốt. Tôi nhìn rất xót nhưng không thể can thiệp gì.
Trọng Nhân được lớn lên trong tình thương của cả gia đình
- Vậy theo anh, bố mẹ nên làm gì để con có thể phát triển tài năng của con trẻ?
Tôi nghĩ phải tạo điều kiện cho con thử sức với nhiều thứ, sau đó, mình quan sát và tìm thấy đâu là năng khiếu lẫn đam mê của con. Như anh trai của Trọng Nhân, tôi vẫn ngồi nói chuyện thẳng thắn với cháu xem cháu muốn chọn con đường gì cho tương lai. Sau này, Trọng Nhân không thích trống nữa mà muốn rẽ hướng khác tôi cũng ủng hộ con. Chỉ cần con tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê này như một cách giải trí cũng được.
Nhiều người nghĩ cho con theo nghề nhạc không có tương lai vì thu nhập không cao. Tôi lại nghĩ mục tiêu của mỗi người khác nhau, không phải cứ đua nhau làm giàu là tốt. Tôi từng bươn chãi nhiều, có lúc thăng, trầm. Tôi hiểu rõ cuộc sống có rất nhiều thay đổi, quan trọng là mình trang bị những gì cho bản thân để có thể đứng vững vàng. Âm nhạc giúp con người cân bằng cuộc sống, tinh thần luôn thoải mái thì sống mới vui vẻ.
Ngoài ra, tôi quan tâm đến sự phát triển tâm lý của con mình nhất. Đến giờ Trọng Nhân đi đâu tôi cũng sắp xếp thời gian theo sát con. Có nhiều lời ngỏ ý giúp đỡ bé nhưng gia đình vẫn đang cân nhắc vì tôi muốn bé được lớn lên trong sự bảo bọc của gia đình. Tôi nghĩ phải phát triển tài năng song song với việc phát triển tâm lý của trẻ rất quan trọng.
- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.