Chủ nhân của những chiếc túi xách thời trang vô cùng bắt mắt này là chị Huỳnh Như Trúc (ngụ TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Vốn là một người tay ngang đến với nghề làm đồ thủ công, nhưng qua đôi bàn tay khéo léo của chị, các sản phẩm đã khoác lên mình chiếc áo mới.
Chi Trúc hiện có hơn 50 mẫu ba lô, túi xách, ví thời trang được làm từ cây cỏ bàng. Ảnh: M.A.
Từng có công việc ổn định với chuyên ngành quản trị kinh doanh, thế nhưng vào năm 2015 một biến cố không may buộc chị phải rẽ sang một hướng khác. Cũng nhờ đam mê làm các sản phẩm thủ công từ nhỏ, lại mong muốn góp phần bảo vệ môi trường, nên chị Trúc đã tận dụng những phế phẩm để “biến” chúng thành những sản phẩm handmade có giá trị.
Ban đầu, do đam mê nhưng dần dà nó gắn liền với chị như là lẽ sống. Nhưng ấn tượng nhất phải kể đến bộ sưu tập bao gồm ba lô, túi xách, túi đệm, ví... được làm từ nguyên liệu chủ yếu là cây cỏ bàng, vừa thân thiện với môi trường và dễ dàng phân hủy trong tự nhiên.
Từ những túi đệm được làm từ cây cỏ bàng, qua bàn tay khéo léo của chị Trúc, chúng trở thành những chiếc túi xách thời trang bắt mắt. Ảnh: M.A.
Chị Trúc cho biết: “Song song với việc làm hoa giấy thì tôi cũng tìm hiểu những sản phẩm về cây cỏ. Ở Đồng Tháp có cây lục bình là nguồn nguyên liệu chính, nên tôi bắt đầu ý tưởng từ cây lục bình, sau đó phát triển thêm một số dòng sản phẩm từ nguyên liệu cây cỏ khác như cây lát, tiếp theo là cỏ bàng”.
Từ những chiếc túi đệm từ cây cỏ bàng thành phẩm, sau khi nhận về, chị Trúc “thổi hồn” để cho ra những chiếc túi với kiểu dáng mới, lạ, xen lẫn chút phá cách nhưng vẫn tiện dụng cho khách hàng.
Tận dụng bề mặt nhẵn bóng của túi xách cỏ bàng, chị Trúc đã vẽ lên đó nhiều họa tiết độc đáo. Ảnh; M.A.
Theo chị Trúc, với đặc tính dẻo dai, bề mặt cỏ bàng sau khi được đan thành túi vô cùng nhẵn bóng. Tận dụng ưu điểm đó, ngoài việc đính các phụ kiện cách tân, chị còn vẽ thêm hoa văn vô cùng bắt mắt, những hình vẽ này thường là những loại trái cây hay những món ăn đặc sản.
“Những chiếc giỏ từ cây cỏ bàng có thể sử dụng được nhiều lần để đi chợ. Nó không phải là một vật dụng, giỏ đệm bình thường, mà là giỏ xách thời trang, mang thông điệp bảo vệ môi trường và giới thiệu các sản vật của địa phương” - chị Trúc chia sẻ.
Những chiếc túi xách cỏ bàng được nâng giá trị rất nhiều qua sự sáng tạo của chị Trúc. Ảnh: M.A.
Để tạo ra một chiếc túi xách hoàn chỉnh, ngoài vẽ mẫu phác thảo, thì phải trải qua nhiều công đoạn như: Vệ sinh túi, phơi khô, xử lý chống ẩm mốc, tạo hình, trang trí…. Để sản phẩm nổi bật, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, chị đã tìm tòi, cập nhật các xu hướng thời trang để làm ra những chiếc túi có kiểu dáng, họa tiết thích hợp.
Những chiếc túi xách từ cỏ bàng có độ bền hơn 5 năm. Chính sự mọc mạc và thân thiện với môi trường, lần lượt những chiếc túi độc đáo ra đời và dần chinh phục thị trường. Mỗi tháng, chị Trúc có hơn 200 mẫu túi xách với mức giá dao động từ 150.000 – 350.000 đồng được tiêu thụ.
Chị Trúc ấp ủ mong muốn kết nối cộng đồng để tạo việc làm cho lao động và giữ gìn nghề đan truyền thống. Ảnh: M.A.
Không chỉ mang ý nghĩa bảo vệ môi trường, khi được khoác lên mình chiếc áo mới, giá trị của mỗi chiếc túi sẽ được nâng cao gấp 3 lần so với nguyên mẫu truyền thống. Từ đó, góp phần duy trì làng nghề đan truyền thống.
Hiện tại, cơ sở của chị Trúc còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 5 lao động. 8x này cũng ấp ủ dự định kết nối cộng đồng để giải quyết việc làm cho các lao động ở tỉnh, giúp họ có thêm thu nhập từ năng khiếu hội họa, đan giỏ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.