Bộ Tài chính: Sẽ giám sát và xử lý doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bất động sản

Thứ sáu, ngày 16/09/2022 07:48 AM (GMT+7)
Bộ Tài chính sẽ thực hiện cơ chế hậu kiểm, thông qua nắm bắt từ xa (qua báo cáo tài chính) hoặc kiểm tra tại chỗ để phát hiện và xử lý doanh nghiệp bảo hiểm có đầu tư bất động sản.
Bình luận 0
Bộ Tài chính: Sẽ giám sát và xử lý doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bất động sản - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính trả lời phóng viên tại cuộc họp báo chiều 15/9 (ảnh: M.M)

Chiều 15/9, tại trụ sở Bộ Tài chính ở Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề giới thiệu Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15. Ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục quản lý, giám sát bảo hiểm chủ trì cuộc họp.

Mở đầu phần họp báo, có câu hỏi của phóng viên nêu vấn đề: Bảo hiểm hiện là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, đề nghị ông Nguyễn Quang Huyền đánh giá vai trò trên của ngành bảo hiểm và cho biết Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã sửa đổi thế nào để bảo hiểm làm tốt hơn vai trò này.

Trả lời, ông Huyền dẫn câu nói của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong một cuộc họp bàn về Luật Kinh doanh bảo hiểm: "Không có bảo hiểm giống như đi cầu thang mà không có tay vịn" để nói rằng ngành bảo hiểm có vai trò rất quan trọng đối với đời sống kinh tế xã hội. Đặc biệt, bảo hiểm là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế, thể hiện ở vai trò đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Ông Huyền thông tin, trước đây cơ quan quản lý dự báo đến năm 2020, tổng vốn đầu tư trở lại nền kinh tế của ngành bảo hiểm ước đạt 200.000 tỷ đồng, nhưng thực tế, đến hết tháng 8/2022, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế hơn 645.800 tỷ đồng, cho thấy thị trường bảo hiểm có sự tăng trưởng đáng kể và góp phần ổn định chính sách kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng tích lũy cho nền kinh tế.

"Tính đến hết tháng 8/2022, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế hơn 645.800 tỷ đồng.

(Ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính)

"Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã sửa đổi theo hướng tạo mọi điều kiện để ngành bảo hiểm phát triển hơn nữa, từ đó tăng tổng vốn đầu tư trở lại nền kinh tế", lãnh đạo Cục quản lý, giám sát bảo hiểm thông tin.

Cũng tại buổi họp báo, phóng viên đề nghị làm rõ lý do bảo hiểm vi mô được dành riêng một chương trong Luật mới, vì sao chỉ hai đơn vị được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô là “doanh nghiệp bảo hiểm” và “tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô”.

Trả lời, ông Huyền nói rằng bảo hiểm vi mô là sản phẩm bảo hiểm có chi phí thấp, đơn giản, bao gồm những quyền lợi cơ bản nhất, nhằm tới nhóm đối tượng là người nghèo, người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, người yếu thế.. tạo điều kiện để nhóm đối tượng này có thể tiếp cận sản phẩm bảo hiểm.

Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 cho phép hai tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô là “doanh nghiệp bảo hiểm” và “tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô”. Đây là hai tổ chức phổ biến nhất cung cấp bảo hiểm vi mô trên thế giới.

Trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô phù hợp với các nghiệp vụ bảo hiểm được phép kinh doanh trên giấy phép, không giới hạn địa bàn, đối tượng khách hàng. Tổ chức tương hỗ chỉ được cung cấp bảo hiểm giới hạn trong các thành viên của tổ chức với mục tiêu tương trợ giữa các thành viên cùng tham gia bảo hiểm. Do đặc thù đó, tổ chức tương hỗ sẽ có các tiêu chuẩn, điều kiện thấp hơn do Chính phủ hướng dẫn, để đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với tình hình phát triển trong từng thời kỳ.

Bộ Tài chính: Sẽ giám sát và xử lý doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bất động sản - Ảnh 3.

Toàn cảnh buổi họp báo (ảnh: M.M)

Liên quan đến quy định cấm doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bất động sản đã gây nhiều tranh luận thời gian qua, có ý kiến yêu cầu cơ quan quản lý cho biết cơ chế giám sát nào để đảm bảo các doanh nghiệp bảo hiểm không lách luật để đầu tư vào bất động sản.

Trả lời, ông Nguyễn Quang Huyền cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định không cho các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư kinh doanh bất động sản (để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư bảo hiểm vì đây là lĩnh vực rủi ro) nhưng vẫn cho họ đầu tư, sở hữu bất động sản để làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc, nếu không sử dụng hết vẫn có thể cho thuê.

Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm còn được đầu tư cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản trên sàn chứng khoán cũng như đầu tư các trái phiếu để xử lý nợ có tài sản đảm bảo bằng bất động sản… Thực tế, các doanh nghiệp được đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán đã phải đáp ứng những điều kiện cụ thể, công khai, minh bạch.

"Về phía cơ quan quản lý bảo hiểm, sẽ thực hiện cơ chế hậu kiểm, thông qua nắm bắt từ xa (qua báo cáo tài chính) hoặc kiểm tra tại chỗ, nếu doanh nghiệp bảo hiểm có đầu tư bất động sản sẽ có biện pháp để phát hiện và xử lý nghiêm", lãnh đạo Cục quản lý, giám sát bảo hiểm khẳng định.

Ngoài ra, phóng viên đặt nhiều câu hỏi đối với ông Huyền về một số bất cập trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm hiện nay như: sự bất cập trong bồi thường bảo hiểm trách nhiệm của chủ xe cơ giới, sự sụt giảm của kênh bán chéo bảo hiểm (bancassurance), một số người tất toán sổ tiết kiệm thì được yêu cầu mua bảo hiểm nhân thọ, kinh doanh bảo hiểm qua nhiều khâu trung gian, mời chào bảo hiểm như đa cấp..., ông Huyền nói rằng cần có đánh giá, nghiên cứu số liệu cụ thể và sẽ trả lời báo chí bằng văn bản sau.

Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 được đánh giá là có nhiều bổ sung, cải tiến quan trọng trên tinh thần khắc phục những điểm hạn chế của Luật cũ, điều chỉnh bổ sung quy định mới cho phù hợp thông lệ quốc tế và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan.

Theo đó, Luật bãi bỏ một số bảo hiểm bắt buộc như: Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm...; Bổ sung quy định về việc thành lập chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam, cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần, phần vốn góp đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm...

Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, Luật bổ sung quy định về an toàn tài chính, trong trường hợp tỷ lệ an toàn vốn ở mức phải áp dụng biện pháp can thiệp, biện pháp cải thiện sớm, biện pháp kiểm soát, quy định trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ sở hữu, thành viên góp vốn, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát…

Luật cũng bổ sung quy định về sản phẩm, tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô để tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển bảo hiểm vi mô...

Trước đó, sáng 16/6, với 469/474 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,18% tổng số đại biểu Quốc hội), Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Sáng 5/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 5 luật đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, bao gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Thi đua, khen thưởng; Luật Điện ảnh; Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 gồm 7 chương, 157 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2023.

P.V (www.tinnhanhchungkhoan.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem