Bộ Tài chính thất thu 800 tỷ đồng vì “ngân hàng 0 đồng” OceanBank

Nguyễn Minh Thứ năm, ngày 07/07/2016 10:35 AM (GMT+7)
Báo cáo về tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, một trong những nguyên nhân số thu giảm so với sổ sách là do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thoái 800 tỷ đồng khỏi OceanBank với giá 0 đồng.
Bình luận 0

Bộ Tài chính cho biết, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm (lĩnh vực Bất động sản, Chứng khoán, Tài chính-Ngân hàng, Bảo hiểm và Quỹ đầu tư) theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 929/QĐ-TTg.

Trong giai đoạn 2011- 2015, các đơn vị đã thoái được 11.036 tỷ đồng, thu về 10.742 tỷ đồng (số thu về giảm so với sổ sách do PVN thoái 800 tỷ đồng và Tổng công ty Lương thực miền Nam thoái 1,3 tỷ đồng với giá 0 đồng theo chỉ đạo của NHNN).

img

Thoái vốn 0 đồng tại OceanBank của PVN khiến Bộ Tài chính thất thu 800 tỷ đồng

Được biết, khoản thoái vốn của PVN liên quan tới 20% vốn góp tại OceanBank, trị giá tương đương 800 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý các ngân hàng yếu kém, OceanBank là một trong 3 ngân hàng yếu kém bị NHNN mua lại với giá 0 đồng.

Trong quá trình điều tra xử lý những sai phạm tại OceanBank, cơ quan điều tra cho biết khoản đầu tư 800 tỷ đồng vào OceanBank được thực hiện dưới thời cựu Chủ tịch PVN Nguyễn Xuân Sơn (khi đó ông Sơn là tổng giám đốc của OceanBank).

Nhờ có PVN làm cổ đông chiến lược, OceanBank khi đó đã phát triển rất nhanh. Từ mức vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng vào cuối năm 2008, nhà băng này đạt ngưỡng 4.000 tỷ vào cuối năm 2011. Tổng tài sản cũng tăng từ 14.000 tỷ đồng lên 62.000 tỷ trong cùng khoảng thời gian.

Tuy vậy, những khó khăn của thị trường và sai phạm của lãnh đạo đã khiến OceanBank gặp nhiều khó khăn sau đó. Giữa tháng 4.2015, ngân hàng này đã bị NHNN mua lại với giá 0 đồng. Hàng loạt lãnh đạo của OceanBank cũng bị bắt như Hà Văn Thắm, Nguyễn Thị Minh Thu…

Khoản đầu tư tại OceanBank cũng đã dẫn ông Nguyễn Xuân Sơn đến con đường bị khởi tố vào tháng 7.2015 vì liên quan đến tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng.

Những năm gần đây, hoạt động đầu tư vốn Nhà nước của PVN cũng khiến dư luận chú ý bởi các dự án không thành công. Điển hình là việc tập đoàn này cùng hai cổ đông khác đã đầu tư 325 triệu USD xây dựng Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ. Tuy nhiên, đến cuối năm 2015, công ty này đã lỗ 1.255 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 504 tỷ đồng.

Một trường hợp khác là Công ty Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung có vốn đầu tư 1.887 tỷ đồng, thuộc PVN cũng đã phải tạm ngừng hoạt động do khó khăn...

Báo cáo cho biết, Trong 6 tháng đầu năm 2016, các đơn vị đã thoái được 2.086 tỷ đồng, thu về 4.168 tỷ đồng. Trong đó, các tập đoàn, tổng công ty đã thoái được 174 tỷ đồng, thu về 175 tỷ đồng tại 5 lĩnh vực nhạy cảm (Chứng khoán, Bảo hiểm, Ngân hàng – Tài chính, Bất động sản, Quỹ đầu tư). Các tập đoàn, tổng công ty đã thoái 927 tỷ đồng, thu về 1.175 tỷ đồng tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư vào các lĩnh vực ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm nêu trên.

Giai đoạn 2011 – 2015, SCIC đã tiếp nhận 57 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp SCIC tiếp nhận từ khi thành lập đến nay lên gần 1000 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước hơn 8.722 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2011 – 2015, SCIC đã thực hiện bán vốn tại 368 doanh nghiệp, tổng giá trị thu về đạt 6.998 tỷ đồng, gấp 2,4 lần giá trị đầu tư (2.940 tỷ đồng), thặng dư bán vốn là 4.058 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem