Thiếu hành lang pháp lý
Sản xuất phân bón ở VN nhiều năm trở lại đây phát triển rất mạnh.
|
Sản xuất phân NPK tại Công ty Phân lân Văn Điển |
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hạc Thúy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón VN, sản xuất, kinh doanh, tiếp thị phân bón ở VN vẫn quá bất cập, qua nhiều trung gian; cạnh tranh không lành mạnh, thổi phồng trong kinh doanh; chưa có hành lang pháp lý nào trong kinh doanh, dẫn tới gây bất lợi cho nông dân.
Hệ thống cung ứng phân bón của VN hiện nay là "mua đứt bán đoạn", phân bón từ tổng công ty hay công ty cổ phần đưa xuống công ty thành viên hoặc công ty con rồi đưa xuống đại lý hoặc cửa hàng nên giá cả và chất lượng nhiều khi bị thao túng.
Từ nay đến năm 2012 VN vẫn phải nhập 300-350 nghìn tấn urê/quý IV năm 2011, đến năm 2013 không phải nhập urê, DAP 250-350 nghìn tấn/năm, SA nhập 100% (450-500 nghìn tấn), Sulphur nhập 100% (150 - 250 nghìn tấn/năm)...
Ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) nêu thực tế, sản xuất phân bón hiện vẫn chưa có quy chuẩn quốc gia nên không có "rào cản" kỹ thuật nào cho công tác quản lý. Từ khâu sản xuất, nhập khẩu, lưu thông phân bón đang chồng chéo trách nhiệm giữa các bộ ngành.
Vì vậy, mặc dù đã có văn bản phối hợp chống tội phạm trong sản xuất, nhập khẩu và lưu thông phân bón nhưng việc thực thi còn lỏng lẻo dẫn tới chưa nắm vững được tình hình chất lượng phân bón; chưa đưa ra được các chính sách phù hợp, ứng phó nhanh trước các biến động của thị trường...
Phải là ngành kinh doanh có điều kiện
Ông Võ Quốc Khánh-Phó Tổng Giám đốc Công ty Thiên Sinh đề nghị các cơ quan chức năng cần quy hoạch thống nhất lượng phân bón cần nhập từng năm để không tạo cơ hội cho việc đầu cơ, tăng giá, gây giá ảo, gây khó khăn cho doanh nghiệp. "Phải đánh thuế cao những loại phân trong nước đã sản xuất đủ như NPK, super lân, phân lân..." - ông Sinh nói.
Ông Lê Quốc Phong-Giám đốc Công ty Phân bón Bình Điền còn đề nghị nên vận dụng mô hình HTX nông nghiệp và Hội Nông dân để tổ chức mạng lưới cung ứng phân bón cho nông dân, nhằm ổn định giá phân bón.
Các ý kiến cũng đề nghị trong quy hoạch phân bón phải xác định phân bón là ngành kinh doanh có điều kiện. Theo đó, thống nhất một cơ quan cấp giấy phép, sau đó giải tán bớt những cơ sở sản xuất phân bón nhỏ không đủ điều kiện; có như vậy mới làm "trong sạch" thị trường phân bón.
Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới, ông Thúy còn kiến nghị Chính phủ nên bỏ thuế VAT đối với phân bón bởi thuế VAT là "đánh" vào nông dân trong khi Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ... đều đã bỏ thuế VAT. Đặc biệt, Ấn Độ còn hỗ trợ giá nông dân khi thị trường biến động.
Ông Quách Đình Diệu - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Super phốt phát và hóa chất Lâm Thao cho rằng, nhà nước cần tập trung xây dựng các trung tâm sản xuất phân bón lớn để chủ động nguồn cung phân bón cho sản xuất nông nghiệp, có khả năng bình ổn giá, giúp nông dân chủ động sản xuất.
Trước mắt, cần hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh bằng cách cho vay vốn trung và dài hạn để đầu tư sản xuất; tăng cường quản lý chất lượng phân bón, có chế tài xử lý phân giả, kém chất lượng...
Mai Hương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.