Bỏ tiền chẵn, nhặt tiền lẻ

Thứ ba, ngày 28/08/2012 19:49 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bộ LĐTBXH đang khởi động chương trình phái cử ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản với mức lương “khủng” nhưng chưa chắc chắn về khả năng tuyển được lao động phù hợp với yêu cầu.
Bình luận 0

Theo thống kê của Bộ Y tế, điều dưỡng viên chiếm gần 40% nhân lực y tế. Trước đây, điều dưỡng chủ yếu được đào tạo trình độ trung cấp và sơ cấp. Từ năm 1994, Việt Nam bắt đầu đào tạo điều dưỡng chính quy ở trình độ đại học (4 năm). Đến nay, nước ta có 29 trường đại học, 37 trường cao đẳng y tế đang đào tạo điều dưỡng.

Tuy nhiên, ngành này đang rất thiếu giáo viên, thiếu chuyên gia đầu ngành. Trước yêu cầu cấp thiết hội nhập với ASEAN và quốc tế, mới đây Bộ Y tế đã phê duyệt chuẩn năng lực cơ bản điều dưỡng Việt Nam nhưng việc áp dụng chuẩn vào giảng dạy vẫn còn xa. Tay nghề chưa chuẩn, ngoại ngữ lại yếu nên khó nói chuyện đi xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Đây cũng là thực trạng chung khi đưa lao động kỹ thuật cao-kỹ sư, chuyên gia đi XKLĐ. Chẳng hạn từ năm 2005, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với Tổ chức KOTEF của Hàn Quốc thực hiện thí điểm Chương trình Thẻ vàng.

Lúc đầu có nhiều doanh nghiệp XKLĐ đặt kỳ vọng tham gia nhưng sau đó thấy tiêu chuẩn tuyển chọn quá khắt khe, cộng thêm tìm nguồn khó nên họ từ từ rút khỏi thị phần khó nuốt này. Có những trung tâm XKLĐ rất lớn như OSC (TP.HCM) mới đưa được 20 kỹ sư sang Hàn Quốc làm việc, trong khi phía bạn sẵn sàng cấp visa E7 cho 400-500 lao động nếu đủ tiêu chuẩn.

Hiện tại, hàng năm Việt Nam vẫn đưa khoảng 80.000-90.000 người đi XKLĐ, hầu hết là lao động phổ thông. Nếu tính thu nhập, một lao động trình độ cao có mức lương khoảng từ 20.000-30.000 USD/năm, ngoài ra lao động còn được hưởng nhiều ưu đãi khác.

Trong khi đó, lương của lao động phổ thông tại Hàn Quốc chỉ đạt từ 800 USD/tháng, lao động đi Malaysia, Trung Đông lương còn thấp hơn: Từ 210-400 USD/tháng. Ngoài ra, lao động phổ thông còn phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Người trong nghề XKLĐ gọi đây là hình thức “bỏ tiền chẵn, nhặt tiền lẻ”.

Bởi vậy, giải pháp căn cơ hiện nay đòi hỏi ngành LĐTBXH thực hiện là tập trung đào tạo tay nghề, đào tạo ngoại ngữ cho lao động. Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào các công ty XKLĐ hoặc sự hợp tác nhỏ lẻ giữa các công ty XKLĐ và cơ sở đào tạo thì không thể có nguồn lao động chất lượng cao dồi dào và chủ động. Việc đào tạo nhân lực trình độ cao, đạt chuẩn quốc tế phải là nhiệm vụ chung của nền giáo dục quốc dân, bắt đầu đặt nền móng từ các trường nghề.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem