Bộ tộc "người cá" tự tiến hóa để nhịn thở, lặn sâu dưới biển 8 tiếng/ngày

Thứ bảy, ngày 04/03/2023 17:36 PM (GMT+7)
Một bộ tộc được mệnh danh là "người cá" bởi cuộc sống của họ quanh năm suốt tháng chỉ lênh đênh trên vùng sông nước và không có quốc tịch.
Bình luận 0

Bajau là một trong những bộ tộc kỳ lạ trên thế giới, nơi cuộc sống người dân quanh năm lênh đênh vùng sông nước và không có quốc tịch.

Là bộ tộc bán du mục, họ sống rải rác ở Đông Nam Á từ Indonesia tới Philippines và Malaysia.

Người Bajau được mệnh danh là "những thợ lặn tự do tài hoa" với khả năng lặn tự do vượt trội. Họ là người bảo vệ biển bởi cuộc sống gắn bó hoàn toàn cùng đại dương. Truyền thống và những tập tục của họ đều xoay quanh việc bảo vệ biển.

Bộ tộc "người cá" tự tiến hóa để nhịn thở, lặn sâu dưới biển 8 tiếng/ngày - Ảnh 1.

Người Bajau có thể dành 8 tiếng mỗi ngày để lặn dưới biển đánh bắt cá bằng những dụng cụ thô sơ (Ảnh cắt từ clip).

Bộ tộc "người cá" tự tiến hóa để nhịn thở, lặn sâu dưới biển 8 tiếng/ngày

"Chúng tôi thừa kế biển và nghệ thuật lặn từ tổ tiên của mình", chị Ima Baineng, một ngư dân người Bajau, cho biết.

Không phân biệt giới tính, tuổi tác, những chàng trai, cô gái và trẻ nhỏ Bajau đều mê lặn. Họ có thể dành 8 tiếng mỗi ngày chỉ để lặn sâu dưới biển. Thậm chí, có người dành tới 60% thời gian dưới nước.

Bộ tộc "người cá" tự tiến hóa để nhịn thở, lặn sâu dưới biển 8 tiếng/ngày - Ảnh 2.

Họ sở hữu lá lách lớn hơn người bình thường (Ảnh: Mail).

"Mỗi ngày, tôi xuống biển lúc 4 giờ sáng rồi về nhà lúc tầm trưa. Thường thì tôi bắt được khoảng 15kg cá. Khi còn trẻ, tôi có thể lặn sâu tới 20m. Đến giờ có tuổi rồi, tôi chỉ lặn xuống 16m thôi", ông Mandor Tembang, một ngư dân địa phương, chia sẻ.

Theo nghiên cứu mới nhất, cơ thể của người Bajau đã thích nghi với lối sống dưới nước. Cơ quan trong cơ thể tự tiến hóa như lá lách lớn hơn giúp tăng oxy trong máu khi lặn. Lúc lặn biển, nhịp tim giảm, máu được đưa tới những cơ quan thiết yếu. Nhờ sở hữu lá lách lớn hơn chứa nhiều hồng cầu giàu oxy hơn, qua đó giúp người Bajau tăng thời gian nhịn thở.

Điều này rất quan trọng để chứng minh rằng bộ tộc "người cá" đã tự tiến hóa để thích nghi với môi trường sống. Đây là yếu tố di truyền chứ không phải do kinh nghiệm.

Bộ tộc "người cá" tự tiến hóa để nhịn thở, lặn sâu dưới biển 8 tiếng/ngày - Ảnh 3.

Những cô gái nấu ăn trên thuyền (Ảnh: Mail).

Anh Saiful, một thợ lặn chuyên nghiệp mô tả cách người Bajau lặn biển "như nhảy múa" và di chuyển rất chậm. Dù là thợ lặn dày kinh nghiệm nhưng anh Saiful mỗi lần chỉ xuống sâu được khoảng 5m, trong khi người bộ tộc này có thể lặn ở độ sâu từ 12m đến 15m. Điều này tạo ra sự khác biệt của bộ tộc "người cá".

Được biết, những em bé người Bajau tập lặn tự do từ khi còn rất nhỏ. Có em bé chỉ 3,4 tuổi đã theo chân cha mẹ ra biển và tập lặn. Cuộc sống của họ xoay quanh việc săn cá bằng những dụng cụ đánh bắt thô sơ tự chế. Ngoài đánh bắt cá, họ còn lặn tìm hải sâm, ngọc trai hay nhím biển, những sản vật quý hiếm để đổi lương thực trên đất liền.

Bộ tộc "người cá" tự tiến hóa để nhịn thở, lặn sâu dưới biển 8 tiếng/ngày - Ảnh 4.

Những em bé Bajau lặn biển từ rất nhỏ (Ảnh cắt từ clip).

Do sống lênh đênh bám biển suốt hàng thế kỷ nhưng lại tách xa cuộc sống hiện đại nên bộ tộc này ít được biết tới. Họ sống nhiều đời gắn với đại dương nhưng không thuộc về bất cứ quốc gia nào. Do không có quốc tịch, người Bajau không có quyền công dân với các phúc lợi xã hội mà một người bình thường đáng được hưởng.

Môi trường bị ảnh hưởng khiến cuộc sống của bộ tộc "người cá" cũng chịu nhiều thay đổi. "Người ta tàn phá san hô, là nơi cá đẻ trứng, nên lượng cá không còn dồi dào như trước. Còn chúng tôi từ thời tổ tiên đến giờ vẫn luôn là người bảo vệ biển", một thành viên bộ tộc khẳng định.


Huy Hoàng (báo Dân Trí)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem