Bộ tộc Ifugao với tập tục kỳ dị săn đầu người một thời. Ảnh: David Stanley
Hãi hùng với tập tục săn đầu người một thời của bộ tộc Ifugao, tại Philippines
Ifugao, một tộc người sống bằng nền nông nghiệp trồng lúa nước tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi phía bắc Luzon, Philippines. Họ là người gốc Mã Lai và ngôn ngữ của họ là tiếng Austronesian (Malayo-Polynesian), có nhiều điểm tương đồng với một số nước láng giềng, nhưng họ đã phát triển một số đặc điểm văn hóa khiến họ trở nên khác biệt.
Dân số ước tính gần 70.000 người vào năm 1939, nhưng trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai số lượng đã giảm xuống còn 50.000 người (năm 1948). Vào cuối thế kỷ 20, dân số của họ đã tăng lên khoảng 190.000 người.
Điều đáng nói ở đây chính là hệ thống ruộng bậc thang rất tuyệt vời của bộ tộc này — là những bức tường đá bậc thang có đường viền dốc, hơi nghiêng vào trong — trở nên nổi tiếng khắp thế giới và hệ thống này được phát triển với một công nghệ khá đơn giản. Các cụm ruộng bậc thang Nagacadan của Kiangan (Nagacadan) được xem là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận và cũng là điểm khám phá thú vị cho khách du lịch quốc tế.
Ngoài cây lúa là loại hoa màu chính thì một lượng lớn khoai lang cũng được trồng trên các mảnh đất ven đồi và trở thành món ăn trong các bữa chính của nhiều gia đình nghèo hay kinh tế thấp. Bộ tộc Ifugao cũng nuôi lợn và gà nhưng chủ yếu phục vụ cho các nghi lễ và tế lễ. Văn hóa của người Ifugao coi trọng quan hệ họ hàng, gia đình, tín ngưỡng tôn giáo và văn hóa.
Người Ifugao sống trong các xóm nhỏ từ 5 đến 10 ngôi nhà nằm rải rác giữa các ruộng lúa. Các nhà truyền giáo Tây Ban Nha ban đầu đã rất ấn tượng với việc xây dựng các ngôi nhà Ifugao và với các hình chạm khắc trang trí trên dầm và đường gờ của mỗi ngôi nhà.
Những ngôi nhà ở Ifugao được xây dựng tốt và có đặc điểm là hình vuông với sàn gỗ, tường không cửa sổ và mái tranh hình chóp. Cấu trúc gần giống với nhà sàn có các cầu thang có thể tháo rời và được nâng lên vào ban đêm để ngăn kẻ thù và động vật hoang dã xâm nhập.
Nghệ thuật chạm khắc gỗ của người Ifugao là độc nhất vô nhị. Đáng chú ý nhất là "bulul" - người bảo vệ kho thóc được chạm khắc công phu, tinh xảo - đại diện cho sự kết hợp hài hòa của các yếu tố đối lập, bảo vệ cộng đồng khỏi những linh hồn xấu xa và cầu may mắn.
Trong cơ cấu tổ chức xã hội, người Ifugao hầu như chỉ dựa trên quan hệ họ hàng. Mỗi cá nhân là trung tâm của một "vòng tròn thân tộc" kéo dài đến người anh em họ thứ ba. Bên cạnh đó, bộ tộc Ifugao trước đây còn khiến người ta sợ hãi bởi tục săn đầu người trong thời kỳ xung đột giữa các bộ lạc.
Tuy nhiên, Ifugao còn thiếu tổ chức chính trị và có xu hướng dựa vào các "liên minh hôn nhân" cùng các hiệp ước thương mại; họ công nhận những người trung gian "tạm thời" có chức năng giải quyết các tranh chấp theo luật tục. Các quý tộc tạo thành một tầng lớp thượng lưu trong xã hội và để thể hiện vị thế và duy trì tiếng nói của họ thì họ thường tổ chức các bữa tiệc theo định kỳ.
Bộ tộc Ifugao Philippines với tập tục người chết sẽ được để trên một chiếc ghế ngoài nhà suốt 3 ngày
Trong tôn giáo Ifugao, bộ tộc này tôn thờ hơn một nghìn vị thần thuộc nhiều tầng lớp khác nhau. Họ sẽ tìm đến thỉnh cầu các vị thần lúc ốm đau, cầu sức khỏe hay mong muốn cuộc sống bình an bằng một bữa tiệc cùng rượu gạo - là thành phần không thể thiếu.
Theo tục đám tang của người Ifugao, người chết sẽ được để trên một chiếc ghế ngoài nhà suốt 3 ngày. Trong lúc đó, gia đình người chết có thời gian than khóc và tổ chức các nghi lễ để tưởng nhớ người chết.
Người Ifugao tin rằng linh hồn người chết có thể rời bỏ cơ thể trong một đến hai ngày, nhưng nếu quá 3 ngày thì linh hồn ấy đã thực sự ra đi tới một thế giới khác.Tùy theo tầng lớp, người chết càng giàu thì sẽ giữ lại càng lâu, có thể lên đến 10 ngày.
Cuối cùng, về trang phục, người Ifugao vẫn ưu tiên những trang phục truyền thống; đối với nam giới mặc wanno hoặc g-string. Có sáu loại wanno được sử dụng tùy theo dịp hoặc địa vị xã hội của người đàn ông. Ngược lại, phụ nữ Ifugao mặc tapis, một kiểu váy quấn; có năm loại váy tapis, tùy thuộc vào dịp và theo địa vị của người phụ nữ trong xã hội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.