Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, mức tăng trưởng ngành 2,65% trong 6 tháng đầu năm là tích cực trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong những tháng cuối năm, nếu không có điều kiện bất lợi, ngành nông nghiệp có thể hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao với mức tăng GDP 3,05%; kim ngạch xuất khẩu đạt tối thiểu 33 tỷ USD.
6 tháng đầu năm, thủy sản Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao. (Ảnh minh họa). ảnh: T.L
Ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng tích cực
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2017, GDP toàn ngành nông nghiệp tăng 2,65%, trong đó nông nghiệp tăng 2,01%, lâm nghiệp tăng 4,31%, thủy sản tăng 5,08%; giá trị sản xuất nông lâm thủy sản tăng 2,81%. Trong 6 tháng đầu năm, diễn biến thời tiết bất thường đã khiến lúa, vải, điều giảm nhẹ về sản lượng, nhưng bù lại giá các nông sản chính ổn định và có xu hướng tăng.
Ngành trồng trọt đang tái cơ cấu đúng hướng, trong đó tập trung vào những cây trồng chủ lực, có tín hiệu thị trường tốt. “Xuất khẩu các nông sản chủ lực đạt 9,1 tỷ USD - tăng cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, rau quả trong 6 tháng đầu năm đạt kim ngạch xuất khẩu 1,7 tỷ USD, tăng 44% so với cùng kỳ” - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định.
Đối với lĩnh vực thủy sản, trong 6 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng cao. Đây là lĩnh vực được trông đợi đóng góp vào mức tăng trưởng chung của ngành. Sản lượng khai thác 6 tháng đầu năm ước đạt 1,64 triệu tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2016 (đạt 54,8% kế hoạch năm), trong đó khai thác biển đạt 1,56 triệu tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ.
Đối với lâm nghiệp, trong 6 tháng đầu năm, diện tích trồng rừng mới đạt 91.900ha, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm 2016. Ông Nguyễn Bá Ngãi - Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đánh giá: Với nhiều thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã được khơi thông, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ hoàn toàn có thể đạt kim ngạch trên 7,5 tỷ USD.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, tính đến tháng 6, đàn bò có 5,95 triệu con, tăng 2,3%, trong đó bò sữa có 293.400 con, tăng 5,2%; đàn trâu có 2,61 triệu con, giảm nhẹ (-0,8%); đàn gia cầm khoảng 359,7 triệu con, tăng 5,2%.
6 tháng đầu năm 2017, ngành nông nghiệp đã gặp nhiều khó khăn do giá một số loại nông sản tụt dốc thảm hại. (Nông dân Quảng Ngãi bỏ mặc dưa chín thối ngoài đồng vì giá bán quá rẻ mạt. Ảnh: Công Xuân)
Nỗ lực đạt mục tiêu được giao
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2017, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: 6 tháng đầu năm, mặc dù mức tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp đạt 2,65%, tuy nhiên điều này chỉ là tín hiệu khả quan cho tình hình tăng trưởng của ngành chứ chưa thể yên tâm cho mục tiêu đạt mức tăng trưởng 3,05% cả năm 2017.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngoại trừ năm 2014, ngành nông nghiệp đạt được tốc độ tăng GDP khá cao với mức 3,3% nhờ sự đột phá trong xuất khẩu thủy sản, còn lại trong 2 năm gần đây chỉ đạt 2,36% năm 2015 và 1,36% năm 2016. Vì vậy, chỉ tiêu Chính phủ giao ở mức 3,05% năm 2017 là nhiệm vụ hết sức nặng nề.
6 tháng cuối năm cũng như giai đoạn tới, tái cơ cấu nông nghiệp vẫn là vấn đề căn cốt nhất. Thời gian tới, các ngành hàng phải rà soát lại toàn bộ quy hoạch để kịp thời điều chỉnh cho sát với tình hình thực tế”.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường
|
Ông Nguyễn Ngọc Oai - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, từ nay đến cuối năm, việc đàm phán tháo gỡ thị trường, nhất là đấu tranh với Luật Farm Bill của Mỹ sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thủy sản. Đối với xuất khẩu tôm, ngành thủy sản đặt mục tiêu phấn đấu cuối năm sẽ đạt 675.000 tấn, với kim ngạch xuất khẩu từ 3,2-3,5 tỷ USD.
Năm 2017, chăn nuôi nhiều khả năng có thể đạt mức tăng trưởng 3% theo kế hoạch. Tuy nhiên, hiện nay giá lợn rất thấp và tình hình cải thiện thị trường rất chậm. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Cục Chăn nuôi phải khẩn trương rà soát lại quy hoạch cũng như đề án tái cơ cấu của ngành để có giải pháp điều chỉnh; Bộ NNPTNT sẽ trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo việc điều chỉnh quy hoạch ngành chăn nuôi, cùng với tổng kết 10 năm thực hiện quy hoạch ngành chăn nuôi để có sự điều chỉnh.
Bộ trưởng cho rằng, 6 tháng cuối năm cũng như giai đoạn tới, tái cơ cấu nông nghiệp vẫn là vấn đề căn cốt nhất. Thời gian tới, các ngành hàng phải rà soát lại toàn bộ quy hoạch để kịp thời điều chỉnh cho sát với tình hình thực tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.