38.500 DN than tìm vốn làm nông nghiệp khó như "hái sao"

Đình Thắng Thứ ba, ngày 27/06/2017 16:15 PM (GMT+7)
Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo phát triển nông nghiệp chất lượng, hiệu quả tại Việt Nam của Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2017 tổ chức chiều nay (27.6) tại Hà Nội.
Bình luận 0

img

Ông Cao Đức Phát – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo phát triển nông nghiệp chất lượng, hiệu quả tại Việt Nam. Ảnh: Đình Thắng

Hội thảo tập trung đề cập sâu tới sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC). Về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Thanh Thủy – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NNPTNT) cho biết: “NNUDCNC là xu thế phát triển nông nghiệp trên thế giới, tạo ra những đột phá về năng suất, chất lượng với trình độ công nghệ cao, mô hình quản trị tiên tiến theo chuỗi từ sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ trên quy mô hàng hóa, mang lại lợi ích kinh tế vượt trội và đảm bảo an toàn đối với sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế".

Cũng theo bà Thủy, ngành nông nghiệp nước ta đã xác định phát triển NNUDCNC là xu hướng chủ đạo và tất yếu trong xu thế hội nhập, là giải pháp mạnh, hiệu quả trong cơ cấu lại nông nghiệp. Trong thời gian gần đây đã xuất hiện xu hướng nhiều DN tìm hiểu và đầu tư sản xuất NNUDCNC, đang khẳng định thế mạnh và khả năng cạnh tranh vượt trội về năng suất, chất lượng sản phẩm, đang trở thành điểm sáng và là động lực tăng trưởng của nhiều vùng, địa phương trên cả nước...

Tuy nhiên, theo bà Thủy, một trong những khó khăn trong phát triển NNCNC vẫn là nguồn vốn. Mặc dù nguồn vốn dành cho lĩnh vực NNUDCNC có, song thực tế điều kiện để DN tiếp cận được nguồn vốn còn rất nhiêu khê, thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp.

Đồng tình với ý kiến trên, GS.TS Hoàng Ngọc Hòa – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: “Hiện nay có khoảng hơn 40.000 DN hoạt động ở khu vực nông thôn, song chỉ có 1.500 DN ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản làm ăn hiệu quả. Còn lại đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thiếu vốn và năng lực cạnh tranh thấp.

img

Những doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao như Rừng hoa Đà Lạt chưa được hưởng nhiều ưu đãi. Ảnh minh họa.

Vì vậy Nhà nước phải kiến tạo được môi trường cho phát triển NNCNC, đầu tư thích đáng thúc đẩy nghiên cứu phát triển và ứng dụng những thành tựu tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại ở tất cả các khâu của quá trình sản xuất NNCNC; đồng thời sử dụng nhiều phương thức huy động vốn đầu tư, nhất là hợp tác công tư để nhân bội nguồn vốn đầu tư phát triển còn hạn hẹp của ngân sách Trung ương và địa phương để đầu tư xây dựng những công trình kết cấu hạ tầng trọng yếu và những khu đô thị hạt nhân trọng điểm ở mỗi vùng nông nghiệp sinh thái.

Cũng theo GS.TS Hoàng Ngọc Hòa, các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần chú trọng đầu tư và hỗ trợ, khuyến khích thúc đẩy phát triển NNCNC trong tái cấu trúc ngành nông nghiệp nước ta.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để ra chương trình mục tiêu và có cơ chế  hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các DN công nghiệp và dịch vụ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, NNCNC nói riêng.

Bộ Tài chính cần có những chính sách ưu đãi liên quan đến phát triển NNCNC, nhất là chính sách thuế, thủ tục hải quan, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách tín dụng ưu đãi đối với phát triển NNCNC trong tái cấu trúc ngành nông nghiệp nước ta. Nhất là chính sách cho vay vốn đối với các doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực chế biến, tiêu thụ nông phẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem