Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Giảm biên chế viên chức hưởng lương trong ngành giáo dục đang rất khó khăn

Quỳnh Nguyễn Thứ ba, ngày 07/11/2023 12:11 PM (GMT+7)
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, hiện nay thực hiện việc giảm biên chế viên chức hưởng lương trong ngành giáo dục đang rất khó khăn cho ngành và bị nhầm lẫn với giảm biên chế.
Bình luận 0

Sáng 7/11, Quốc hội tiến hành chất vấn bộ trưởng, trưởng ngành thuộc nhóm lĩnh vực: Tư pháp, nội vụ, ANTT, an toàn xã hội, thanh tra, tòa án, kiểm sát, kiểm toán.

Nhận nhiều câu hỏi liên quan biên chế công chức và chính sách cải cách tiền lương, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã giải đáp rõ những chất vấn này.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Giảm biên chế viên chức hưởng lương trong ngành giáo dục đang rất khó khăn - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Quốc hội

Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP.HCM) cho biết, trong tinh giản biên chế, sắp xếp tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động rất cần thiết. Tuy nhiên, tinh giản mang tính chất cào bằng cơ học đang ảnh hưởng rất nhiều đến ngành giáo dục khi rất nhiều địa phương chia sẻ đang thiếu rất nhiều giáo viên nhưng việc tuyển dụng giáo viên đang cực kỳ khó khăn. Chưa kể giáo viên nghỉ việc tiếp tục gia tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó có có nguyên nhân là do quá nhiều áp lực và thu nhập chưa đủ sống.

Mặt khác, đề án vị trí việc làm trong nhà trường không có chức danh giám thị. Đây cũng là thêm một áp lực dành cho nhà trường và giáo viên. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết giải pháp giải quyết vấn đề trên?

Trả lời đại biểu Trần Kim Yến, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết thời gian qua toàn quốc đã có thành công bước đầu về tinh giản biên chế. Từ 2017-2021, toàn quốc giảm 10% công chức và 11,6% viên chức hưởng lương ngân sách. Tuy nhiên nhiều địa phương giảm biên chế viên chức hưởng lương ngân sách thì cắt hẳn biên chế nên thiếu người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Giảm biên chế viên chức hưởng lương trong ngành giáo dục đang rất khó khăn - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP.HCM). Ảnh: Quốc hội

Trong số viên chức ngành giáo dục chỉ giảm 6,4% còn lại toàn ngành y tế giảm 32% do thúc đẩy tự chủ, chuyển biên chế sang hưởng lương tự chủ. Tuy nhiên, thực tế giai đoạn vừa qua nhiều địa phương thực hiện giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước lại cắt hẳn biên chế nên thiếu, nhất là với ngành giáo dục.

Với riêng ngành giáo dục có tính đặc thù nên việc thiếu giáo viên thường xuyên đang diễn ra. Để giải quyết bài toán này, hiện nay thực hiện việc giảm biên chế viên chức hưởng lương trong ngành giáo dục đang rất khó khăn cho ngành và bị nhầm lẫn với giảm biên chế.

Do đó, về giải pháp Bộ trưởng mong muốn thống nhất nhận thức với viên chức thì phải quyết liệt giảm số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước nhưng phải đảm bảo số lượng người làm việc cho đơn vị sự nghiệp. Tức thúc đẩy tự chủ, xã hội hóa. Bên cạnh đó với ngành giáo dục cần tập trung rất cao hoàn thiện một số hệ thống thể chế là Luật Giáo dục, Luật Nhà giáo để đảm bảo đời sống, số lượng, chất lượng với đơn vị giáo dục. Thêm đó, phải khẩn trương sửa đổi quy định về định mức giáo viên, học sinh trên lớp. Đồng thời, sửa nghị định 81 để thu học phí từ mầm non đến đại học và khẩn trương có hướng dẫn rà soát quy mô trường lớp trên địa bàn để giảm bớt đầu mối.

Bộ trưởng Nội vụ đề nghị Bộ Tài chính rà soát lại quy định về tự chủ để có tự chủ trong mầm non, giáo dục nghề nghiệp, đại học. Đây là điều kiện giảm bớt được số viên chức hưởng lương ngân sách… Với địa phương, bà đề nghị sắp xếp lại trường lớp để giảm bớt quy mô và thúc đẩy tự chủ.

Chung mối quan tâm về giáo viên, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình - chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) cho biết giám sát của Ủy ban cho thấy mức lương giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non còn rất thấp nhưng áp lực công việc rất lớn. Tại buổi đối thoại của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo với một triệu nhà giáo vừa qua, có 6.000 câu hỏi gửi tới Bộ trưởng liên quan đến vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Giảm biên chế viên chức hưởng lương trong ngành giáo dục đang rất khó khăn - Ảnh 4.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình). Ảnh: Quốc hội

Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo yêu cầu lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Vì vậy bà đề nghị Bộ trưởng Nội vụ cho biết chủ trương này của Đảng có được cụ thể trong cải cách tiền lương của năm 2024 hay không? Giải pháp về chính sách cho nhà giáo thế nào?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Tuyết Nga, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tổng thu nhập của nhà giáo hiện nay gồm lương theo các bậc chức danh nghề nghiệp. Các phụ cấp lương đã có cải thiện hơn so các ngành, nghề khác nhưng so với đặc thù của nhà giáo thì "vẫn còn thấp".

Thời gian tới khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương, sẽ căn cứ nghị quyết 27 của Trung ương, đặc biệt tinh thần nghị quyết 29 của Trung ương về lương nhà giáo được ưu tiên xếp trong thang, bảng lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp.

Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT rà soát các quy định về tiền lương, nhất là quy định mới về tiền lương, phụ cấp, về dự kiến ưu đãi phụ cấp nghề nhà giáo cao nhất để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Về điểm mới trong cải cách tiền lương lần này, Bộ trưởng cho biết Nghị quyết 27 nêu rõ 6 vấn đề mới: Xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm, quy định mức lương thấp nhất khu vực công bằng mức lương thấp nhất khu vực DN, mở rộng quan hệ tiền lương, cơ cấu lại giữa lương cơ bản 70% - phụ cấp 30% - thưởng 10%.

"Thời gian tới, khi cải cách chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ ưu tiên xếp lương cao nhất trong thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp. Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục Đào tạo rà soát các quy định tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề nhà giáo để tăng lên mức cao nhất", bà Trà cho hay.

Chất vấn về chính sách với nhân viên trường học, đại biểu Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) cho biết, nhân viên trường học có vị trí, vai trò quan trọng trong tổ chức các hoạt động dạy và học của nhà trường. Tuy nhiên hiện lương của nhân viên nhà trường còn rất thấp. "Khi cải cách chính sách tiền lương mới thì Bộ trưởng có giải pháp nào để cải thiện lương của nhân viên trường học?", đại biểu đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá "đây là câu hỏi rất thiết thực". Hiện nay nhân viên trường học gồm thủ quỹ, kế toán, văn thư có 150.000 viên chức. Chế độ lương với nhân viên trường còn rất thấp, chưa đảm bảo lương tối thiểu vùng theo quy định.

Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ đề nghị địa phương tổng rà soát nhân viên trường học, có phương án sắp xếp đúng danh mục vị trí việc làm để cải cách tiền lương với nhóm này. "Họ là viên chức, không được hưởng phụ cấp công vụ 25%, nên nếu cải cách tiền lương mới có thể sẽ bị thiệt thòi. Trong khi địa phương, bộ ngành chưa hướng dẫn thi thăng hạng viên chức", bà Trà nói sẽ xét thăng hạng cho nhân viên là viên chức trường học.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem