Chiều nay (25.10), Quốc hội đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh theo thứ tự các khối: Chủ tịch nước; Quốc hội; Chính phủ; Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước.
Theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm trên, tốp 5 Bộ trưởng có số phiếu “tín nhiệm cao” thấp nhất theo thứ tự là: Bộ Giáo dục - Đào tạo (140 phiếu) ; Bộ Giao thông và Vận tải (142 phiếu); Bộ Văn hoá – thể thao và Du lịch (148 phiếu); Bộ Nội vụ (157 phiếu); Bộ Xây dựng (159 phiếu).
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Quochoi
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân xếp thứ 45/48 chức danh có phiếu tín nhiệm cao. Cụ thể, ông Lê Vĩnh Tân nhận được 157 phiếu tín nhiệm cao; 250 phiếu tín nhiệm và 94 phiếu tín nhiệm thấp.
Ông Lê Vĩnh Tân, sinh năm 1958, quê Đồng Tháp. Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, XII; đại biểu Quốc hội Khóa XIV.
Từ năm 1986-2006, ông Lê Vĩnh Tân kinh qua các chức vụ Phó phòng, Trưởng phòng Tổng hợp - Tổ chức - Hành chính, Phó Giám đốc, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp; Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lấp Vò.
Từ năm 2006-2010, ông giữ chức Phó chủ tịch, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp; Phó bí thư, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp; Năm 2013, ông Lê Vĩnh Tân được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Năm 2014, ông Lê Vĩnh Tân giữ chức Phó trưởng Ban Kinh tế TƯ; Tháng 9.2015, ông được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ.
Ngày 9.4.2016: tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa XIII, Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Trong thời kỳ làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, ông Lê Vĩnh Tân từng phát biểu: "Cán bộ không đủ chuẩn và không biết cười, không đồng cảm với nhân dân thì dứt khoát phải cho nghỉ”.
Theo Điều 18 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.
Trong 2 lần lấy phiếu tín nhiệm trước vào năm 2013, 2014, chưa có trường hợp nào có kết quả lấy phiếu tín nhiệm với quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” để có thể xin từ chức theo quy định. Đồng thời, cũng chưa có trường hợp nào có kết quả từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp”, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.