Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Họp hành lu bu, rồi ai chịu trách nhiệm?

Thành An Thứ sáu, ngày 07/09/2018 21:03 PM (GMT+7)
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, với tầng nấc như hiện nay thì đủ các thứ họp hành lu bù, nhưng cuối cùng thì ai quyết, ai chịu trách nhiệm... lại không rõ.
Bình luận 0

Ngày 7.9, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý của Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên lãnh đạo TP và các chuyên gia, nhà khoa học vào dự thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị (CQĐT).

Vẫn 9 người 10 ý

Tại đây, góp ý tại hội thảo, nhiều đại biểu đã cho ý kiến vào vấn đề cơ chế, chính sách phân cấp; các phương án mô hình thí điểm tổ chức CQĐT TP.Hà Nội; tổ chức, hoạt động của tổ chức Đảng, MTTQ trong mối liên hệ với các tổ chức chính trị xã hội trong mô hình thí điểm tổ chức CQĐT của TP.

img

Toàn cảnh Hội thảo lấy ý kiến góp ý của Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên lãnh đạo TP và các chuyên gia, nhà khoa học vào dự thảo Đề án thí điểm mô hình CQĐT 

Theo PGS.TS Lê Minh Thông – Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, qua nghiên cứu dự thảo Đề án CQĐT của TP.Hà Nội đến thời điểm này cho thấy cơ bản đã hoàn chỉnh và có tính khả thi cao. 

Tuy nhiên, PGS.TS Lê Minh Thông cho rằng, nên viết gọn, súc tích hơn phần quan điểm trong đề án, đồng thời nhấn mạnh: “Xây dựng CQĐT không chỉ là mô hình tổ chức mà quan trọng là thẩm quyền và cách thức hoạt động. Cần phải tạo ra một “cú hích” tập trung vào hai vấn đề then chốt là tự chủ và tự quản...”.

Bên cạnh đó, cần làm rõ thêm tư duy quản lý của CQĐT, chính quyền nông thôn và cách thức vận hành trong CQĐT TP.Hà Nội. CQĐT phải gọn bộ máy, gọn tổ chức nhưng vẫn rõ thẩm quyền và cách thức hành động để phục vụ Nhân dân được tốt hơn.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn -  nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng, phần đánh giá về hạn chế của CQĐT hiện nay chưa lột tả hết được bản chất vấn đề, đặc biệt là phải đánh giá yếu tố nhân dân trong cơ cấu chính quyền để đề án vì sự phát triển của TP nhưng thực sự là phục vụ người dân. 

Ông đề xuất, TP nên tính đến mô hình CQĐT thứ 3 trong đề án. Trong đó, cấp chính quyền TP hoàn chỉnh được duy trì cơ bản như hiện nay. Thứ hai là chính quyền cấp quận, huyện không đầy đủ chỉ có ban đại diện hành chính hoặc UBND cấp quận, huyện nhưng phân theo chức năng. Thứ ba là giữ chính quyền đầy đủ ở cấp phường, xã, trong đó Bí thư Đảng ủy xã nên kiêm chức Chủ tịch HĐND.

Đồng tình với đề xuất của GS.TS Tạ Ngọc Tấn, nhưng nguyên Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng 5 đô thị vệ tinh cũng được tổ chức chính quyền hoàn chỉnh theo hai cấp. Ông Thảo đề nghị, nên xây dựng đề án theo hướng làm thực luôn, không nên thí điểm.

Khi địa phương cứ chờ xin ý kiến bộ, ngành 

Phát biểu tại đây, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, chính quyền địa phương mà cứ phải báo cáo, xin ý kiến các bộ, ngành thì rất chậm và hiệu lực kém. 

Dự thảo đề án nên được xây dựng theo hướng CQĐT Thủ đô phải được trao đủ quyền và chịu trách nhiệm thực hiện quyền đó. Về mô hình, nên lựa chọn bước đi mạnh mẽ với cấp TP là cấp chính quyền hoàn chỉnh, còn lại là hai cấp hành chính (không tổ chức HĐND).

img

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: HT

“Với tầng nấc như hiện nay thì đủ các thứ họp hành lu bù, nhưng cuối cùng thì ai quyết, ai chịu trách nhiệm. Tôi có cảm giác hệ thống của chúng ta không đủ quyền, không đủ trách nhiệm trong việc thực hiện sứ mệnh của mình” - ông Phúc nói.

Theo ông Phúc, TP.Hà Nội cần một công cụ mới, thực sự có tính đột phá để thực hiện quyền, trách nhiệm và cả sứ mệnh Thủ đô. Còn như hiện nay bản thân ông cũng cảm thấy khó chịu.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, khi được Bộ chính trị cho phép xây dựng Đề án thí điểm chính quyền đô thị, TP đã bắt tay vào cuộc với quyết tâm và kỳ vọng rất lớn.

Tuy nhiên, để đối phó với những thách thức và đòi hỏi to lớn đó, Hà Nội lại thiếu thẩm quyền, thiếu quyền tự chủ. Ngay cả khi Luật Thủ đô được ban hành, những cơ chế đặc thù dành cho Hà Nội cũng chưa được thực hiện đầy đủ. 

“Cái lõi của Đề án này là làm thế nào để tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự quản của thành phố; làm thế nào để hệ thống chính trị, chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn và tăng cường phân cấp được; không chỉ phân cấp từ Trung ương xuống địa phương mà phân cấp ngay từ thành phố xuống quận huyện thị, từ quận huyện xuống xã phường. Từ đó, các thủ tục hành chính cũng sẽ được phân cấp xuống cấp dưới, giúp người dân được tiếp cận các thủ tục đó qua hệ thống chính quyền điện tử, tăng ứng dụng dịch vụ công trực tuyến" - ông Hải nhấn mạnh.

Được biết, dự kiến tháng 12.2018, Hà Nội sẽ trình Bộ Chính trị đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP. 

Tại Kết luận số 22-KL/TƯ ngày 7.11.2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020, Bộ Chính trị đã “đồng ý để TP.Hà Nội được triển khai thí điểm quản lý theo mô hình CQĐT trong khu vực các quận; tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật”. 

Ngay sau khi Kết luận được ban hành, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban; thành viên Ban Chỉ đạo gồm các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, một số đồng chí là lãnh đạo các bộ, ban, ngành của trung ương; thành lập Tổ soạn thảo Đề án.

Đề án này tập trung vào mô hình tổ chức chính quyền tại khu vực đô thị ở các quận, phường, tiếp tục đổi mới, củng cố chính quyền ở khu vực nông thôn và các huyện, xã. 

Đến nay, Đề án đã được chỉnh sửa trên cơ sở tiếp thu ý kiến tại nhiều hội thảo trước đây với nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, đại diện các sở, ban, ngành, quận huyện, cán bộ chính quyền cơ sở… Trong đó, đã đưa ra được 2 phương án về mô hình tổ chức CQĐT ở TP.Hà Nội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem