Bộ trưởng Công Thương: Có lúc, có nơi còn thiếu oxy gay gắt
Bộ trưởng Công Thương: Có lúc, có nơi còn thiếu oxy gay gắt
Thứ ba, ngày 11/01/2022 06:47 AM (GMT+7)
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, tình trạng khan hiếm, thiếu hụt oxy cho công tác điều trị bệnh là có thực, diễn ra ở nhiều địa phương, nhất là các tỉnh phía Nam; có lúc, có nơi còn gay gắt.
Thông tin Bộ Công Thương cho hay, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên vừa chủ trì hội nghị "Cung ứng oxy cho bệnh nhân Covid-19 và các giải pháp đảm bảo nguồn cung trong dịp Tết Nguyên đán".
Báo cáo tại hội nghị, Cục trưởng cục Hóa chất Nguyễn Văn Thanh cho biết, hiện nay tại Việt Nam có 12 nhà máy sản xuất oxy thương phẩm trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam có thể cung cấp bình quân 1.150 tấn/ngày và tối đa khoảng 1.400 tấn/ngày (miền Bắc: 570 tấn/ngày; miền Trung: 98 tấn/ngày; miền Nam: 685 tấn/ngày).
Trong điều kiện không có bùng phát dịch bệnh thì lượng oxy sản xuất trong nước hoàn toàn đáp ứng nhu cầu trong nước và tham gia xuất khẩu. Tuy nhiên theo ông Thanh, tại một số thời điểm, xảy ra tình trạng khan hiếm cục bộ, đặc biệt đối với TPHCM và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ thời gian qua.
Báo cáo về tình hình cung ứng oxy tại Hà Nội, ông Đàm Tiến Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho hay trên địa bàn Hà Nội hiện có 8 đơn vị sản xuất, kinh doanh oxy với sản lượng khoảng 58.000 tấn/năm (có thể nâng công suất tối đa 75.000 tấn/năm), đang là nguồn cung cấp khí y tế, đặc biệt là khí oxy phục vụ cho các bệnh viện trên địa bàn.
Ngoài ra, các đơn vị cũng chủ động trong việc liên hệ tới các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, đảm bảo về việc cung ứng hàng hóa, sẵn sàng hỗ trợ về mặt kỹ thuật nhằm tăng hiệu suất sử dụng, kho dự trữ và có phương án cấp hàng kịp thời cho các bệnh viện trong các tình huống xảy ra.
Với tình hình sản xuất, cung ứng hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh oxy tại Hà Nội hoàn toàn có khả năng đáp ứng được yêu cầu trong trường hợp có 40.000 người bệnh Covid-19 theo phương án đã được phê duyệt.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, tình hình dịch Covid-19 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể xuất hiện chủng mới khó lường hơn. Vì vậy, công tác phòng chống dịch sẽ có nhiều khó khăn, thách thức mới, trong đó nhu cầu về oxy sẽ tiếp tục tăng.
Trước tình hình dịch tiếp tục có những thách thức mới, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết sẽ tăng cường, chủ động cung cấp số liệu nhu cầu oxy theo vùng miền, cũng như các tiêu chuẩn ôxy y tế theo quy định để các nhà sản xuất, đơn vị quản lý nắm bắt tình hình.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, nguồn cung oxy về cơ bản đáp ứng nhu cầu ở mức nhất định. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm, thiếu hụt oxy cho công tác điều trị bệnh là có thực, diễn ra ở nhiều địa phương, nhất là các tỉnh phía Nam; có lúc, có nơi còn gay gắt.
Theo Bộ trưởng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên trong đó, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về nguyên nhân khách quan, do dịch bùng phát, lan rộng khiến nhu cầu oxy tăng đột biến, cục bộ. Trong khi đó, nhu cầu sản xuất công nghiệp cũng tăng cao, các doanh nghiệp sản xuất khí phân bổ không đều ở các vùng miền; hạ tầng bảo quản, tích trữ, vận chuyển khí… nhất là oxy y tế bị hạn chế.
Ngoài ra, việc vận chuyển khí đường dài rất khó khăn vì đây là mặt hàng đặc biệt, giá cả tăng cao do tăng nhiều chi phí. Nhiều bệnh viện, cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 không dễ tiếp cận cho các xe bồn chuyên chở oxy; Thiết bị tách chiết cũng khan hiếm…
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, hiện vẫn chưa có cơ quan, đơn vị, tổ chức nào đưa ra dự báo nhu cầu, đặt hàng số lượng oxy cần cung cấp; Việc kiểm định chất lượng oxy; cơ chế xác định giá trong hoàn cảnh cấp thiết… cũng chưa được các cơ quan chức năng chú ý. Hơn nữa, cũng chưa có cơ quan, đầu mối điều phối sản xuất, cung ứng oxy.
Do vậy Bộ trưởng đề nghị ngành y tế, các tỉnh, thành phố cần khẩn trương rà soát, nắm bắt tình hình, dự báo, tổng hợp nhu cầu và đặt hàng cụ thể với các cơ sở sản xuất, cung ứng oxy (hoặc thông qua Cục Hóa chất, Hiệp hội khí Công nghiệp) để có kế hoạch sản xuất. Đồng thời ban hành khung giá, chỉ ra đầu mối, điều phối tiếp nhận.
Thứ hai, oxy cho điều trị bệnh nhân có yêu cầu tiêu chuẩn rất khắt khe. Vì vậy, ngành y tế và các đơn vị chức năng phải chịu trách nhiệm kiểm định, cấp phép… để các cơ sở sản xuất cung ứng yên tâm sản xuất, cung ứng cho các địa phương và cơ sở điều trị.
Thứ ba, các địa phương, cơ sở điều trị bệnh nhân có nhu cầu cung ứng oxy y tế cần chủ động hơn trong việc mua sắm, tăng thêm các thiết bị tích trữ, bảo quản, tách chiết khí; Tạo điều kiện để các phương tiện vận chuyển khí có thể tiếp cận dễ dàng sang chiết kịp thời, đáp ứng nhu cầu nguồn oxy; Đặc biệt, cần kiện toàn hệ thống phân phối khí ở địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị các ngành chức năng và các tỉnh, thành phố tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương sản xuất kinh doanh phân phối khí lưu thông thuận lợi, đáp ứng nhu cầu oxy trong mọi hoàn cảnh...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.