Sáng nay (16/3), Bộ trưởng Bộ Công thương đăng đàn trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, điều hành giá xăng dầu thời gian qua và nhiều nội dung khác.
Là người đặt câu hỏi đầu tiên, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị có giải pháp căn cơ cho tình trạng nguồn cung xăng dầu thiếu hụt, khiến các doanh nghiệp bị lỗ, nhiều cửa hàng treo biển hết xăng chờ tăng giá.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn về giá xăng dầu và khẳng định: "nguồn cung không lúc nào thiếu"
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng tác động cuộc chiến Nga - Ukraine khiến giá xăng dầu tăng 40 - 60%, trong khi đó sản xuất xăng dầu trong nước bị ảnh hưởng bởi nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, cắt giảm đột ngột.Thêm nữa, nguồn cung trong nước gặp khó khăn do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn - đơn vị cung ứng 35% xăng dầu cả nước - giảm công suất. Ba tháng qua, nhà máy này chỉ sản xuất được tối đa 80% công suất.
Trước tình hình đó, Bộ đã chỉ đạo quyết liệt các doanh nghiệp chủ động nhập khẩu, nên giữa tháng 2 có thể khẳng định nguồn cung đủ từ tháng 2 và tháng 3. Đồng thời Bộ yêu cầu các doanh nghiệp tăng nhập khẩu với sản lượng vượt so với bình thường, gấp hai lần trở lên, nên có thể khẳng định nguồn cung không thiếu.
Về giá xăng dầu, hai Bộ Tài chính - Công thương đã điều hành theo chu kỳ 10 ngày/lần, bám sát giá thế giới. Biên độ giá tăng của thế giới từ 40 - 60% nhưng biên độ giá trong nước chỉ tăng ở mức 29 - 40%, điều hành linh hoạt giá xăng dầu, sử dụng Quỹ bình ổn và kiến nghị với Bộ Tài chính và Chính phủ để giảm thuế bảo vệ môi trường.
Gắn với đó là công tác thanh kiểm tra, ông Diên cho biết có 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thì đã kiểm tra 16.800 cửa hàng, số cửa hàng phát hiện vi phạm rất ít, với nhiều lý do sửa chữa. Số cây xăng đóng cửa vì thiếu xăng theo ông Diên là có thực vì số cửa hàng này nhận nguồn từ Nghi Sơn, nhưng do giảm đột ngột nên không thể tránh khỏi tình trạng đóng cửa.
Với loạt giải pháp để đảm bảo đủ nguồn cung trong nước, ông Diên khẳng định, "nguồn cung không lúc nào thiếu". Tháng 2, tổng nguồn cung trong nước có khoảng 3 triệu m3, trong đó nguồn tồn dư là khoảng 1,2 triệu m3, đáp ứng tới hết tháng 3. Sau thời điểm này, Bộ Công Thương có kế hoạch, phân giao các doanh nghiệp tăng nhập khẩu lên gấp đôi sản lượng bình thường, 1 triệu m3 trở lên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.