Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Chiều nay 13/7, tại TP.Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL.
Tại đây, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, Nghị quyết 120 của Chính phủ đã xác định ĐBSCL trũng về hạ tầng, trũng về giáo dục và trũng về nguồn nhân lực. Theo đó, các dự án cao tốc là những tín hiệu để ĐBSCL thoát khỏi lời nguyền vùng trũng về hạ tầng.
Tuy nhiên, để đảm bảo thắng lợi, chạm được những cột mốc Chính phủ đưa ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần tránh những rủi ro, không để đường cao tốc trở thành những con đê. Không để mỗi khi nước lũ tràn về, nước không thoát được, rồi ứ cục bộ ở đâu đó.
Do vậy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương ĐBSCL cùng với Bộ GTVT xem cần bố trí những điểm thoát nước.
"Tính thừa không sao, nếu thiếu sau này nước không thoát được sẽ trở thành những vùng xoáy, gây sạt lở đường cao tốc. Việc này không chỉ bảo vệ đất nông nghiệp mà bảo vệ cho đường cao tốc không bị nước ngâm lâu ngày gây xói lở" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị Bộ trưởng GTVT có giải pháp quản lý khâu vận chuyển cát, đảm bảo có thể truy xuất rõ ràng, tránh những tác động, ảnh hưởng không mong muốn đối với dự án cũng như ruộng lúa người dân nằm cạnh công trình đường cao tốc.
Bởi theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, dưới nhà thầu chính có nhà thầu phụ, dưới nhà thầu phụ có nhà thầu cung cấp vật liệu, tách rời với nhau. Trong các nhà thầu cung cấp vật liệu có nhà thầu cung cấp cát, dưới nữa là sà lan, ghe...
Chưa dừng lại ở đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan còn cho biết, vừa qua đi tiếp xúc cử tri ở Đồng Tháp, phát hiện ruộng của người dân bị đường cao tốc cắt ngang. Việc này gây khó khăn cho người dân trong việc sản xuất và quản lý nguồn nước nên cần có hướng xử lý.
Về ý kiến lo ngại các tuyến cao tốc đang xây dựng vô tình tạo ra những con đê, Bộ trưởng Bộ GTVT. Nguyễn Văn Thắng cho biết, ĐBSCL có mật độ kênh rạch rất lớn, bình quân 1km có một kênh. Do đó, trên tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có 117 kênh và cùng với đó trên tuyến có 117 cây cầu.
"Các cây cầu này đều được thiết kế rộng hơn rất nhiều so với mật độ thoát lũ trước đây. Cụ thể những cây cầu này vốn cao hơn, độ thông thuyền đủ cho tàu thuyền đi qua. Do đó, việc xây dựng cao tốc không những không ảnh hưởng dòng chảy mà còn giúp thông thoáng hơn rất nhiều, đây là dữ liệu khoa học" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Về việc quản lý cát để xây đường cao tốc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói: "Về quy trình khai thác, quản lý thì không một hạt cát nào lọt qua được các tỉnh và ban quản lý dự án, Bộ GTVT. Vì hóa đơn xuất ngay tại lúc khai thác và được đối chiếu giữa các bên, ban quản lý dự án cũng căn cứ vào hóa đơn này để tiếp nhận và làm các thủ tục thanh toán sau này".
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực, quyết tâm của các địa phương đã tích cực cùng các bộ, ngành giải quyết khó khăn liên quan tới các dự án cao tốc ở ĐBSCL trong thời gian qua.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, hệ thống giao thông cùng với các biện pháp đồng bộ khác sẽ tạo động lực mạnh mẽ phát triển ĐBSCL, đẩy nhanh đô thị hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo việc làm sinh kế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Để các dự án cao tốc sớm hoàn thành theo tiến độ đề ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương và đơn vị liên quan phấn đấu thực hiện, trên cơ sở vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.
Đối với vấn đề nguồn vốn, Chính phủ sẽ chủ trì, giải quyết theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền, Chính phủ sẽ báo cáo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính là đơn vị tham mưu, điều tiết nguồn vốn.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải bàn giao, hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 7 này.
Về vấn đề vật liệu xây dựng thuộc phạm vi, thẩm quyền của các tỉnh nên các địa phương phải chủ động giải quyết, xử lý, mở rộng mỏ, cấp phép, gia hạn,...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.