Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: "Không riêng tôi, các bộ trưởng đều áp lực"

Ngọc Lương (ghi) Thứ tư, ngày 06/02/2019 08:01 AM (GMT+7)
Theo ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, để thực hiện tinh thần Chính phủ phục vụ, chủ động trong tất cả công việc, không riêng ông mà tất cả Bộ trưởng đều áp lực. Bởi với chỉ đạo quyết liệt, tâm huyết, sự đi sâu đi sát, lăn lộn của Thủ tướng như vậy thì không thể nào các Bộ trưởng, tư lệnh ngành lại đứng ngoài cuộc được.
Bình luận 0

img

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (ảnh Chinhphu.vn).

Nhân dịp đón Xuân Kỷ Hợi 2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã dành cho báo chí cuộc trao đổi về những vấn đề liên quan đến công tác của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ thời gian qua.

Thưa Bộ trưởng, ông là người “sát cánh” cùng Thủ tướng trong rất nhiều hoạt động, Thủ tướng là người hoạt động năng nổ, từ đầu nhiệm kỳ dường như ông không có ngày nào nghỉ, đã bao giờ Bộ trưởng cảm thấy quá tải, áp lực?

- Tôi cho là được làm việc là quý rồi, đúng là áp lực thật, bảo không áp lực, không vất vả là nói dối, thực sự rất áp lực. Khi đang công tác ở tỉnh lên làm một vị trí mới với công việc tham mưu giúp việc cho Chính phủ, đặc biệt giúp cho Thủ tướng, tôi thấy đây là công việc rất quan trọng. Trước hết tôi phải tận tụy. Cả VPCP đều được quán triệt tư tưởng này, phải quyết tâm thực hiện đúng tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng. Đó là xây dựng Chính phủ chuyển từ quản lý hành chính sang phục vụ, chủ động tất cả công việc. Không riêng tôi mà tất cả Bộ trưởng đều có áp lực, vì với sự chỉ đạo quyết liệt, tâm huyết, sự đi sâu đi sát, lăn lộn của Thủ tướng như vậy thì không thể nào các Bộ trưởng, tư lệnh ngành lại đứng ngoài cuộc được.

Riêng với VPCP, dưới sự chủ đạo quyết liệt của Thủ tướng, để hoàn thành tốt nhiệm vụ trước hết chúng tôi phải cải cách, luôn hướng tới sự chuyên nghiệp, nếu chỉ như người văn thư thì không phải là VPCP. VPCP ra văn bản mà không có ý kiến rõ ràng, không có chuyên môn, không tham mưu cụ thể mà chỉ đưa vào câu tròn trịa kiểu như “tuân thủ theo quy định của pháp luật” thì vứt. Cán bộ làm như thế chúng tôi kiểm điểm luôn. Ra một văn bản phải đọc được và thực hiện được. Trong một văn bản đề xuất rất nhiều vấn đề, tham mưu phải xác định đúng thẩm quyền, xử lý bám vào đúng quy định pháp luật, làm rõ các nội dung được xin ý kiến.

Đến giờ VPCP không phải xử lý qua giấy tờ mà xử lý trên nền điện tử hết, đó là điều rất mừng. VPCP là cơ quan tiên phong, để văn phòng các địa phương học tập. Chưa bao giờ khách quốc tế đến VPCP nhiều như bây giờ, điều đó cho thấy lòng tin của các tổ chức với VPCP.

img

Tổ công tác của Thủ tướng trong chuyến công tác tại địa phương (ảnh Chinhphu.vn).

Trong 3 năm qua, trên cương vị người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng thấy có những khó khăn gì? Ông thấy hài lòng và chưa hài lòng về những điều gì trong khoảng thời gian công tác của mình?

- Tôi từng công tác ở ở địa phương rồi mới lên cơ quan Trung ương, qua đó thấy rằng, việc ở địa phương khi có khó khăn phải khi xin ý kiến Trung ương mà Trung ương không trả lời hoặc trả lời chậm hoặc đùn đẩy, thì chính điều đó đã gây khó cho địa phương.

Tôi lấy ví dụ khi tôi còn làm Chủ tịch UBND tỉnh (tỉnh Hà Nam) có thực hiện tích tụ ruộng đất (năm 2012) để doanh nghiệp (DN) làm nông nghiệp công nghệ cao. Tôi chủ trì Hội nghị, khi đặt vấn đề làm thí điểm tích tụ ruông đất để sản xuất nghiệp cộng nghệ cao, Giám đốc Sở Nông nghiệp nói khó nhập khẩu rau giống của Nhật Bản. Tôi nói việc nhập khẩu để tôi lo.

Tôi bảo vị Giám đốc Sở Nông nghiệp cho 6 kỹ sư để giúp DN, sau đó tôi giao thử cho họ 2,1 ha đất của thành phố để làm. Khi DN gặp khó khăn, tôi giao cơ chế hỗ trợ thẳng cho DN mà không cần qua Sở Nông nghiệp nữa. Từ 2,1 ha sau đó làm ra 21 ha ở Lý Nhân (Hà Nam). Khi việc này đưa ra Ban Thường vụ Tỉnh ủy thì các ý kiến bảo việc này không dám quyết. Tôi nói việc này tôi ký nghị quyết và sẽ chịu trách nhiệm, còn nếu có Luật rồi thì chẳng cần chúng ta nữa.

Qua câu chuyện đó để nói rằng việc trăn trở nhất là làm sao tạo ra những cách xử lý để giải quyết những vấn đề liên quan địa phương, liên quan cơ chế, thể chế. Tôi cho rằng cần phải phân cấp mạnh cho địa phương, thay vì việc kéo về Bộ, hay như việc của Bộ mà đẩy lên Chính phủ cũng không ổn. Việc phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của người đứng đầu.

Từ thực tiễn, khi gặp những việc của địa phương đưa lên tôi rất quan tâm giải quyết. Tôi thường xuyên nhận được tin nhắn, điện thoại của Bí thư, Chủ tịch tỉnh, tôi nói họ không phải ra làm việc trực tiếp, có vướng mắc cái gì cứ nhắn tin, chúng tôi sẽ có trao đổi với các Bộ trưởng để giúp. Nếu như ai đó qua công tác ở địa phương rồi thì rất hiểu, để khi đảm nhiệm công tác ở Trung ương thì xử lý vấn đề mang tính thực tiễn hơn, tâm huyết và trách nhiệm với địa phương hơn.

Ngay đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng thành lập Tổ công tác của Thủ tướng. Mới đây, Thủ tướng tiếp tục thành lập Tổ công tác đặc biệt nhằm giải quyết các vụ việc bức xúc của xã hội. Việc này cho thấy động thái mạnh mẽ, quyết liệt của Thủ tướng, của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành về mọi mặt, song cũng có ý kiến băn khoăn liệu quá nhiều Tổ công tác như vậy có thực sự cần thiết và liệu có sự chồng chéo, ông nghĩ sao?

- Tháng 8.2016, Thủ tướng thành lập Tổ công tác của Thủ tướng để đôn đốc, kiểm tra các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao cho các Bộ, ngành, địa phương. Tổ công tác này do tôi làm Tổ trưởng, thành viên gồm các Bộ ngành liên quan và các chuyên gia.

Như chúng ta đã biết, vấn đề thực thi vẫn là điểm yếu, trách nhiệm giải trình cũng là điểm yếu của các cơ quan nhà nước. Để khắc phục việc này, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là tất cả các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao cho các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước phải được thực hiện toàn diện, không được để trống, không để nhiệm vụ nào bỏ sót. Với tính chất đó yêu cầu phải có tổ chức giúp Thủ tướng đôn đốc.

Sau khi có Tổ công tác của Thủ tướng thì hiện nay các Bộ, ngành địa phương đều thành lập tổ công tác của Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố để đôn đốc các nhiệm vụ giao xuống bên dưới. Đây là việc được lan tỏa rất tốt.

Tổ công tác của Thủ tướng có nhiều cơ quan báo chí cùng đồng hành, thông tin kịp thời, chuyển lời khen ngợi và phê bình, nhắc nhở của Thủ tướng tới đơn vị được kiểm tra. Vừa qua liên quan đến công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, Thủ tướng tiếp tục thành lập một Tổ công tác kiểm tra thi hành công vụ.

Gần đây nhất sau khi xảy ra vụ việc bức xúc ở Thủ Thiêm, TP.HCM và việc người dân các địa phương kéo về Hà Nội nhiều, Thủ tướng quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình làm Tổ trưởng để giải quyết những vấn đề bức xúc, cần có sự quan tâm giải quyết đặc biệt của Thủ tướng, Chính phủ. Bởi nếu để tình trạng bức xúc của người dân kéo dài sẽ không tốt, nó sẽ lây lan, gây ảnh hưởng đến chính trị, trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến lòng tin. Cần phải giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho người dân. Tôi rằng việc thành lập các tổ công tác là cần thiết, những tổ công tác này không chồng chéo nhau.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem