Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Có hành vi "thông thầu", gian lận trong đấu thấu
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Có hành vi "thông thầu" trong đấu thấu và đùn đẩy trách nhiệm cho cấp trên
PVKT
Thứ hai, ngày 07/11/2022 09:30 AM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay có hành vi "thông thầu", "gian lận"… vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi. Bên cạnh đó, năng lực, kinh nghiệm của một số người có thẩm quyền, chủ đầu tư vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Hành vi "thông thầu", "gian lận",… diễn biến phức tạp, tinh vi
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 07/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Trình bày Tờ trình về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu trong thời gian qua cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi toàn diện luật này bởi những lý do chủ yếu.
Thứ nhất, quá trình triển khai thi hành Luật Đấu thầu đã phát sinh một số hoạt động mua sắm, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhưng chưa được quy định hoặc quy định chưa đầy đủ để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Hai là, một số quy định của Luật Đấu thầu đã phát sinh vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện, chẳng hạn như: Các quy định của Luật Đấu thầu về phương pháp đánh giá chưa thực sự tạo cơ chế hiệu quả, linh hoạt để bảo đảm mua sắm được hàng hóa, dịch vụ có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu sử dụng, trong đó có việc mua sắm hóa chất, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế; quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư mặc dù đã được đơn giản hóa nhưng trong một số trường hợp vẫn chưa thật sự tạo thuận lợi cho hoạt động đấu thầu, nhất là khi phải lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách.
Ba là, Luật Đấu thầu chưa có quy định đầy đủ nhằm khuyến khích mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, thay thế hàng hóa nhập khẩu; ưu đãi cho mua sắm hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ được cung cấp từ các nhóm yếu thế trong xã hội; mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh.
Bốn là, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu và việc thi hành pháp luật đấu thầu còn một số mặt hạn chế. Đặc biệt, hành vi "thông thầu", "gian lận"… vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi; năng lực, kinh nghiệm của một số người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu chưa đáp ứng yêu cầu; còn có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho cấp trên, các Bộ và Thủ tướng Chính phủ mặc dù đã được luật phân cấp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.
Chưa kể, cơ chế giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu chưa thực sự bảo đảm tính khách quan, dẫn đến xử lý kém hiệu quả các kiến nghị của nhà thầu, nhà đầu tư và các bên liên quan trong hoạt động đấu thầu.
Năm là, hiện nay Việt Nam đã ký kết, tham gia 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó 03 hiệp định có nội dung về cam kết mở cửa thị trường mua sắm công. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Luật Đấu thầu là yêu cầu cấp bách để bảo đảm thực thi đầy đủ và có hiệu quả cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường mua sắm công theo các hiệp định nêu trên.
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở 05 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng luật đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua
Về mục tiêu xây dựng luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) được xây dựng hướng tới mục tiêu tiếp tục tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện luật; khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu.
Việc xây dựng dự án luật cũng hướng tới mục tiêu đơn giản hóa thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua hoạt động đấu thầu; tránh thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản nhà nước; góp phần ngăn chặn hành vi tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở 05 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng luật đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua, gồm 10 chương, 98 điều. So với Luật Đấu thầu năm 2013, luật này đã sửa đổi 75 điều, bổ sung mới 21 điều, giữ nguyên 02 điều, bãi bỏ 12 điều.
Cụ thể, luật đã có sửa đổi về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu; hoàn thiện chính sách đấu thầu mua sắm hàng hóa trong nước, sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu...
Đối với nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu.
Những nội dung chủ yếu của nhóm chính sách này gồm: Bổ sung quy định cụ thể về nhiệm vụ của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu; đồng thời bổ sung, hoàn thiện quy định về nội dung, trình tự, thủ tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu.
Bổ sung quy định về các trường hợp người có thẩm quyền được phép đình chỉ, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, quyết định vô hiệu đối với các quyết định của chủ đầu tư, bên mời thầu trong trường hợp phát hiện có sai phạm trong hoạt động tổ chức lựa chọn nhà thầu nhằm nâng cao giá trị, hiệu lực pháp lý của việc xử lý vi phạm trong đấu thầu.
Hoàn thiện quy định về các hành vi bị cấm để xác định đầy đủ các hành vi vi phạm trong đấu thầu đã xảy ra trong thực tế.
Đồng thời, quy định cụ thể phạm vi cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với nhà thầu, nhà đầu tư có hành vi vi phạm cho phù hợp với thẩm quyền quản lý của từng người có thẩm quyền.
Sửa đổi, bổ sung quy định về giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trong đấu thầu nhằm xác định rõ quy trình, thủ tục, điều kiện giải quyết kiến nghị và khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện ra tòa án theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, tố tụng dân sự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.