Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Tương lai không thể mong vào sự tốt bụng của DN

Thành An Thứ năm, ngày 27/06/2019 11:15 AM (GMT+7)
"Các bạn đến đây làm ăn, thu tiền, trở lên giàu có thì các bạn cũng phải góp sức, góp phần cho đất nước này thịnh vượng hơn, ổn định và phát triển hơn. Việt Nam không chào đón các doanh nghiệp xuyên biên giới vào đây mà không tuân thủ luật pháp Việt Nam".
Bình luận 0

Đó là thông điệp được Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra trong cuộc làm việc “chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới” mới đây.

Buổi làm việc có sự tham dự của 2 Thứ trưởng TTTT, đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Công An, đại diện các Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, Cục An toàn Thông tin, đại diện của Vụ thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước, đại diện Tổng cục Thuế.

img

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu trong cuộc làm việc “chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tàng xuyên biên giới”.

Khách mời tham dự còn có đại diện các thương hiệu quảng cáo trên  nền tảng có nội dung xấu độc như Grab, Shopee, Yamaha Việt Nam, FLC, Trường Hải, Sun Group, các đại lý quảng cáo, công ty luật đại diện pháp lý cho Google và một số doanh nghiệp nội dung số tại Việt Nam.

Đáng chú ý, tại buổi làm việc, Bộ trường Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra hai thông điệp quan trọng. Trước tiên, Bộ trưởng TTTT nhấn mạnh và khẳng định: “Không chào đón các doanh nghiệp nền tảng xuyên biên giới đến làm ăn tại Việt Nam mà không tuân thủ pháp luật Việt Nam”. Thứ hai, “các doanh nghiệp Việt Nam nên chọn đúng nền tảng để quảng cáo, vì quảng cáo trên các nền tảng xấu độc chính là hại đất nước”.

Tương lai không thể mong vào sự tốt bụng

Đáng chú ý, khi nói về việc ngăn chặn các clip xấu độc trên Google, YouTube, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận: số phận đất nước chúng ta, tương lai con cháu chúng ta không thể trong mong vào sự tốt bụng của một doanh nghiệp nào đó, một ai đó. Tương lai của chúng ta phải do chúng ta quyết định. 

Người đứng đầu ngành TTTT kêu gọi tinh thần thượng tôn pháp luật của tất cả bên liên quan, đặc biệt là thượng tôn pháp luật trên không gian mạng. Thượng tôn pháp luật là điều kiện tiên quyết của bất kỳ doanh nghiệp tử tế nào.

"Tôi kêu gọi sự tuân thủ pháp luật Việt Nam của các nền tảng xuyên biên giới. Các bạn đến đây làm ăn, thu tiền, trở nên giàu có, các bạn cũng phải góp sức cho đất nước này thịnh vượng hơn, ổn định và phát triển hơn", Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh và lên tiếng khẳng định:

“Việt Nam không chào đón các doanh nghiệp xuyên biên giới vào đây mà không tuân thủ luật pháp Việt Nam. Chính phủ Việt Nam sẽ sử dụng các biện pháp pháp lý, biện pháp kinh tế, biện pháp kỹ thuật để yêu cầu các bạn tuân thủ luật pháp Việt Nam. Bởi vậy, các doanh nghiệp nước ngoài kiếm được càng nhiều tiền, người dùng càng nhiều thì trách nhiệm của doanh nghiệp phải càng lớn hơn. Các doanh nghiệp phải thấy có tội khi trả tiền cho một video xấu độc, gây hại cho người Việt Nam, cho con cháu người Việt Nam, phải ngăn chặn dòng tiền trả cho các video xấu độc”.

img

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng khái cho rằng, các doanh nghiệp xuyên biên giới không thể vì tiền mà quên đi trách nhiệm của mình với bao nhiêu người bị thiệt hại, các quốc gia bị suy yếu. 

“Các bạn đã chi rất nhiều tiền để làm ra các thuật toán để đọc dữ liệu khách hàng, hiểu sâu sắc khách hàng nhưng đầu tư không đáng kể vào các thuật toán để ngăn chặn nội dung xấu độc”, Bộ trưởng nhìn nhận.

Môi trường sạch thì con cháu mới sạch

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, trong hai năm qua, Google đã hợp tác tích cực với Bộ TTTT trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ những video clip xấu độc trên YouTube theo yêu cầu của Bộ. Tuy nhiên, tình trạng các clip xấu độc được đăng tải trên nền tảng này vẫn còn rất nhiều và có chiều hướng gia tăng.

img

"Các doanh nghiệp phải thấy có tội khi trả tiền cho một video xấu độc, gây hại cho người Việt Nam, cho con cháu người Việt Nam, phải ngăn chặn dòng tiền trả cho các video xấu độc”.

Qua rà soát của Bộ TTTT, hiện, trên YouTube có khoảng 55 nghìn video clip có nội dung xấu độc vi phạm pháp luật. Dù thời gian qua Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 8.000 video clip xấu độc trên YouTube theo yêu cầu của Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử nhưng do cơ chế quản lý nội dung trên YouTube còn rất nhiều bất cập nên việc ngăn chặn gỡ bỏ này như "cóc bỏ đĩa."

Đến 25.6.2019, Cục phát hiện có khoảng 100 nhãn hàng trong nước vi phạm quảng cáo trong các clip thông tin xấu độc. Nguyên nhân tình trạng này là do bộ lọc của YouTube hoạt động chưa hiệu quả, vẫn còn kẽ hở để người sử dụng đăng tải nội dung vi phạm núp dưới những tiêu đề, chuyên mục không vi phạm… 

Báo cáo của YouTube gửi Bộ TTTT cho thấy hiện có nhiều nội dung vi phạm đến từ Việt Nam, chủ yếu do các nhà sáng tạo nội dung của Việt Nam làm ra.

Các sai phạm chủ yếu là: nội dung gợi dục, kích động bạo lực, giang hồ mạng; nội dung cổ vũ cờ bạc, chơi ma túy; nội dung gây hại cho trẻ em; nội dung sử dụng nhạc, hình ảnh vi phạm bản quyền.

Qua rà soát của Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, YouTube đang trực tiếp quản lý 130 nghìn kênh tiếng Việt. Cục nhận thấy sai phạm trên YouTube chủ yếu đến từ 130 nghìn kênh tiếng Việt do YouTube trực tiếp quản lý...

img

Qua rà soát của Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, YouTube đang trực tiếp quản lý 130 nghìn kênh tiếng Việt. Cục nhận thấy sai phạm trên YouTube chủ yếu đến từ 130 nghìn kênh tiếng Việt do YouTube trực tiếp quản lý...

Trước thực trạng trên, gọi các nội dung xấu độc trên YouTube là "rác", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng để “quét rác” thì mỗi người không được “xả rác”. 

Theo đó, pháp luật phải có quy định đối với người xả rác - là người làm ra các nội dung xấu độc. Doanh nghiệp nền tảng phải có công cụ quét rác, chặn lọc. Đây là trách nhiệm rất quan trọng của doanh nghiệp nền tảng, không được chối cãi.

Bộ trưởng cho rằng, không gian mạng Việt Nam là môi trường sống của chúng ta, của doanh nghiệp nền tảng, nhà quảng cáo, người dùng, báo chí Việt Nam, bởi vậy chúng ta phải chung tay làm sạch môi trường này, phải quét rác mỗi ngày.

"Môi trường này sạch thì thương hiệu các bạn mới sạch, con cháu chúng ta mới an toàn", Bộ trưởng TTTT nói và đề nghị các doanh nghiệp nền tảng Việt Nam tuân thủ tốt hơn nhiều luật pháp Việt Nam, vì vậy các doanh nghiệp phải mua quảng cáo nhiều hơn trên các nền tảng Việt Nam.

Theo người đứng đầu ngành TTTT, việc mua quảng cáo trên các nền tảng sạch tức là giúp đất nước sạch hơn, giúp các công ty sạch phát triển. Mua quảng cáo trên nền tảng xấu độc là vô hình chung tiếp tay để hại đất nước mình.

"Chúng ta chi tiền cho ai, cái gì, người đó, cái đó phát triển. Chi tiền cho cái xấu tức là giúp cái xấu phát triển. Tương lai Việt Nam tốt đẹp hay không là do các doanh nghiệp chi tiền vào đâu. Các bạn hãy cân nhắc hành động của mình", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan phải hoàn thiện hệ thống pháp luật trên không gian mạng để tạo ra không gian mạng lành mạnh. Thông điệp chính là chúng ta làm được, và phải làm được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem