Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Không dọn "rác", ảnh hưởng đến não người

Hoàng Thành Thứ năm, ngày 06/06/2019 12:51 PM (GMT+7)
“Trong không gian mạng cũng có rác, nếu không dọn, ảnh hưởng tới não người. Do vậy, vấn đề trước mắt phải thực hiện là quét rác”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói và chỉ ra 3 bước thực hiện “dọn rác”. 
Bình luận 0

Tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng nay (6.6), Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội về các hệ lụy nghiêm trọng của mạng xã hội.

Trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) dẫn chứng hiện tượng Phúc “XO”, Khá “bảnh”… từ đó đặt vấn đề nhiều đối tượng đang lợi dụng không gian mạng để gây hại, ảnh hưởng tới thế hệ trẻ và gây bức xúc xã hội. Các đại biểu đề nghị Chính phủ đưa ra giải pháp để xử lý.

img

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. (Ảnh: quochoi)

Tham gia trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận: “Vấn đề này đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Trong thế giới thực có gì thì không gian mạng cũng có. Hiện nay, thế giới đang có sự chuyển dịch vĩ đại, đó là chuyển dịch toàn bộ thế giới thực vào thế giới ảo. 

Trong thế giới thực, chúng ta có hệ thống pháp luật, chính quyền trung ương, địa phương, có lực lượng để duy trì sự lành mạnh của xã hội, còn không gian mạng thì chưa có được như vậy. Nhưng cuộc sống đã đi vào không gian mạng rất nhiều, gây ra nhiều hệ lụy có thật”.

Đề cập tới giải pháp, Bộ trưởng TTTT cho rằng, hệ thống pháp luật, chính quyền, lực lượng phải nhanh chóng đi vào không gian mạng để duy trì dự lành mạnh. Song giải pháp lâu dài và căn cơ nhất là phải đưa giáo dục kỹ năng sống trong không gian mạng vào giáo dục từ phổ thông. 

“Trong đời thực, chúng ta thở bằng không khí, còn trong không gian mạng, chúng ta “thở” bằng nội dung. Đời thực, mỗi ngày chúng ta có hàng ngàn tấn rác, nếu không dọn sẽ ảnh hưởng sức khỏe. Trong không gian mạng cũng có rác, nếu không dọn, ảnh hưởng tới não người. Do vậy, vấn đề trước mắt phải thực hiện là quét rác”, người đứng đầu ngành TTTT nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra 3 bước thực hiện “dọn rác”. Đầu tiên, người tham gia mạng xã hội không xả “rác”, dọn “rác” của chính mình. Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng đang được Bộ TTTT soạn thảo và sẽ ban hành. Hai là, các nhà mạng phải có bộ lọc để dọn “rác”. Bộ TTTT sẽ ra yêu cầu cụ thể về vấn đề này. Ba là, các cơ quan, các bộ ngành cũng phải thực hiện dọn “rác”.

Đầu tiên phải định nghĩa “rác” của mình, giám sát, phát hiện và tuyên bố đây là “rác”. Việc này, Bộ TTTT đã có một trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, cơ bản có thể đánh giá, phân tích, phân loại.

Sau khi các bộ ngành quyết định đây là “rác” thì thông báo tới Bộ TTTT để thực hiện yêu cầu gỡ bỏ, kể cả đối với các mạng xã hội nước ngoài. Các mạng xã hội nước ngoài hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải thực thi luật pháp Việt Nam vì Việt Nam là một nước có chủ quyền.

“Trong thời gian qua, chúng ta đã mạnh tay hơn với các mạng xã hội nước ngoài, vì vậy tỉ lệ gỡ bỏ trong 10 tháng qua tăng 500%”, Bộ trưởng thông tin. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chúng ta đã và đang nhìn thấy vấn đề rất lớn mà tất cả phải cùng chung tay, đã nhìn thấy vấn đề thì có thể giải quyết được vấn đề. 

“Nhà mạng có công cụ để chọn lọc, chính quyền mạnh tay hơn, hoàn thiện hệ thống pháp luật thì tôi nghĩ thời gian tới, không gian mạng của chúng ta sẽ lành mạnh hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem