Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Chuẩn bị 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều

Ngọc Lê Chủ nhật, ngày 26/04/2020 15:50 PM (GMT+7)
Mặc dù còn gần 1 tháng nữa mới đến vụ thu hoạch vải thiều chín sớm, song hôm nay 26/4, đoàn công tác của Bộ NNPTNT do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đi thăm tình hình sản xuất vải thiều chín sớm (vải U Hồng) tại huyện Tân Yên và làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang về tiêu thụ vải thiều.
Bình luận 0

Buổi làm việc được cho là sớm để chuẩn bị các kịch bản khác nhau giữa bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, trong đó có cả kịch bản không xuất khẩu được vải thiều, chỉ tiêu thụ trong nước.

img

Bà Phạm Thị Hà, ở xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên đang sở hữu 1ha vải chín sớm.

Nỗi lo trước mùa vải chín trong dịch... Covid-19

Có mặt kiểm tra tình hình sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên- vùng chuyên trồng vải chính sớm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản cho thấy, vải thiều đang trong giai đoạn đậu quả với tỷ lệ cao, chất lượng vải thiều khá tốt. Trò chuyện với PV Dân Việt, bà Phạm Thị Hà, ở xã Phúc Hòa có 1ha vải cho biết, năm 2019 là năm đầu tiên gia đình bà trồng được vải thiều xuất khẩu đi Nhật Bản và Trung Quốc theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt quốc tế (Glabal GAP) với giá bình quân lên tới 32.000 đồng/kg, cao gấp hơn 3 lần vải thường, với năng suất đạt trên 8 tấn, thu về được trên 200 triệu đồng tiền lời.

img

Toàn tỉnh Bắc Giang năm nay dự kiến sẽ thu được 170.000 tấn vải thiều.

Theo bà Hà, nắm chắc kỹ thuật đó, ngay từ đầu vụ, gia đình bà đã tập trung vào chăm sóc vườn vải 1ha thật tốt, nên dự kiến năm 2020, năng suất có thể đạt tới trên 10 tấn. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất của bà hiện nay, đó là khâu tiêu thụ và giá cả sắp tới. “Tuy còn tới 1 tháng rưỡi nữa, vườn vải nhà tôi mới được thu, nhưng ngay từ bây giờ, tôi đã thấy Bộ NNPTNT, tỉnh Bắc Giang về để quan tâm đầu ra, tiêu thụ cho bà con, trước mắt gia đình cũng rất yên tâm và tập trung chăm sóc cho vườn vải đảm bảo năng suất và chất lượng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ vào hệ thống siêu thị trong nước”- bà Hà cho biết.

Chia sẻ với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về vụ vải năm nay, chủ hộ Ngô Văn Cường cho biết, hộ nhà ông có 1,5ha vải chín sớm cũng ở xã Phúc Hòa cho biết: “Ưu điểm cuả vải chín sớm là thu hoạch đúng lúc chưa nơi nào có vải, nên rất được giá, như năm ngoái có lúc chúng tôi bán được tới 46.000 đồng/kg. Hơn nữa, đây là giống vải rất đặc trưng, nên dù có dịch Covid-19, chúng tôi vẫn tin tưởng vải sẽ được tiêu thụ tốt”. Theo ông Cường, để có vải chất lượng, ngay từ giai đoạn này, người trồng vải đã phải đi tỉa từng quả vải để sao cho số lượng 1 quả trên chùm vải không quá sai, mật độ quả vừa phải, đến lúc thu hoạch, kích cỡ, màu sắc từng quả vải mới đồng đều, bắt mắt.

img

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường trực tiếp kiểm tra tỉnh hỉnh sản xuất vườn vải thiều chín sớm tại huyện Tân Yên, Bắc Giang

Tham gia đoàn công tác, có đại diện của hệ thống siêu thị Big C, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đề nghị phía Big C nêu ngay ra giải pháp “nóng” để tiêu thụ vải thiều sắp tới. Theo đại diện Big C, ngay từ thời điểm vải đang ra hoa, Big C đã đi làm việc với tỉnh Bắc Giang và các vùng trồng vải để đặt hàng với mục tiêu, người Việt Nam sẽ được ăn những quả vải đạt tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP do Big C phân phối. Phía siêu thị này cũng cho biết, đã làm việc với cả đối tác của Nhật Bản để xuất vải thiều chính ngạch sang thị trường khó tính bậc nhất thế giới này.

Theo báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang, toàn tỉnh hiện có 19 mã số vùng trồng vải thiều được cấp để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, với diện tích 103ha thuộc các xã: Hồng Giang, Nam Dương, Tân Sơn, Quý Sơn, Giáp Sơn, Hộ Đáp của huyện Lục Ngạn và xã Phúc Hòa (vải chín sớm) của huyện Tân Yên. Vải sớm thu hoạch từ ngày 20/5 đến 5/6, vải thiều chính vụ thu hoạch từ ngày 10/6 trở đi. Năm nay, diện tích vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang đạt hơn 28.100ha, sản lượng dự kiến khoảng 160.000 tấn, tăng 10.000 tấn so với năm 2019. Trong đó, vải chín sớm sản lượng khoảng 45.000 tấn; vải thiều chính vụ khoảng 115.000 tấn.

Chuẩn bị tiêu thụ vải thiều từ lúc... vải chưa ra hoa

img

Ông Cường cho biết, Bộ NNPTNT đã làm việc với tỉnh Bắc Giang về tiêu thụ vải thiều từ lúc vải còn... chưa ra hoa

Báo cáo với đoàn công tác của Bộ NNPTNT, ông Dương Văn Thái- Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản đã được hoàn thành. Về tiêu thụ vải thiều phương châm của địa phương là tập trung đẩy mạnh mở rộng thị trường tiêu thụ, trước hết là đối với những thị trường truyền thống, trong đó, đặc biệt quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thương nhân và doanh nghiệp đến kết nối thu mua vải thiều. Trong bối cảnh dịch Covid 19 hiện nay, Bắc Giang đã chủ động xây dựng các kịch bản cụ thể đối với tiêu thụ vải thiều, đồng thời mong muốn các Bộ ngành liên quan cùng hỗ trợ địa phương trong công tác xuất khẩu.

“Chúng tôi đã xây dựng 3 kịch bản khác nhau để tiêu thụ vải. Đối với kịch bản thuận lợi nhất, đó là xuất khẩu sang các thị trường, các thị trường truyền thống và thị trường mới. Kịch bản thứ hai là khó khăn nhưng vẫn có thể xuất khẩu được. Kịch bản thứ ba là khó khăn nhất là không xuất khẩu được, các cửa khẩu đóng biên hoàn toàn. Tùy theo tình hình thực tế, chúng tôi sẽ chủ động điều hành theo từng kịch bản và các giải pháp sẽ được kích hoạt ngay lập tức”- ông Thái cho biết.

Đặc biệt, theo ông Thái, trước diễn biến phức tạp dịch Covid-19, đó là đặc biệt coi trọng thị trường nội địa trong nước, tỉnh sẵn sàng khởi động cả 3 cái kịch bản này trong mọi tình huống chủ động tốt nhất để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân sản xuất, tiêu thụ được sản phẩm. “Thị trường trong nước là thị trường tiềm năng với khoảng 100 triệu dân, khai thác tốt thị trường trong nước thì sản lượng vải của Bắc Giang hoàn toàn không phải lo lắng về đầu ra”- Ông Thái nói thêm.

img

Ông Dương Văn Thái- Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh đã chuẩn bị 3 kịch bản khác nhau để tiêu thụ vải thiều.

Làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao nỗ lực của địa phương đã chủ động công tác xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều cho nhân dân. Theo ông Cường, những tháng đầu năm nền nhiệt độ ấm hơn, diễn biến thời tiết bất thuận, liên tục có những trận mưa, khoảng 3 tuần nữa là thời điểm thu hoạch vải thiều cần đặc biệt quan tâm đến chăm sóc tốt cho vải để đảm bảo chất lượng.

“Năm nay tác động bao trùm là dịch Covid-19, do đó sẽ bị gián đoạn thị trường, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu, vì vậy nếu không chuẩn bị không tốt sẽ bị gián đoạn nguồn cung. Song ngay từ đầu vụ, chúng tôi đã chủ động làm việc với tỉnh Bắc Giang, từ lúc vải còn... chưa ra hoa để sẵn sàng cho mọi kịch bản, mọi tình huống nhằm tiêu thụ vải cho bà con tốt nhất để giữ sao cho vừa được mùa, vừa được giá”.

img

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Bùi Văn Hải phát biểu tại buổi làm việc.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tỉnh Bắc Giang chiếm tới gần 50% sản lượng vải cả nước, nên công tác chuẩn bị tiêu thụ rất quan trọng và chúng tôi cũng đã tính đến tình huống xấu nhất là chúng ta không xuất được vải đi do dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, thì chúng ta vẫn còn có thị trường trong nước. Mặc dù sản xuất vải thiều đứng thứ 3 thế giới, nhưng tổng sản lượng vải cả nước cũng chỉ trên dưới 400.000 tấn, nên nếu tổ chức tốt khâu lưu thông, phân phối trong nước, đồng thời tăng cường chế biến, thì việc tiêu thụ vải cho 100 triệu dân cũng có thể làm được”.

Tại buổi làm việc với tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Bùi Văn Hải cũng thống nhất giao cho các cơ quan chức năng của Bộ NNPTNT, Sở NNPTNT Bắc Giang thường xuyên phối hợp, trao đổi với nhau để cùng giải quyết các thủ tục kỹ thuật, kiểm dịch, thị trường một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem