Bộ trưởng nói "mất bằng lái xe phải thi lại", ĐBQH phản ứng thế nào?

Lương Kết Thứ năm, ngày 07/03/2019 10:48 AM (GMT+7)
Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Sỹ Cương, việc người bị mất giấy phép lái xe (hay còn gọi bằng lái) phải thi lại không làm cho tay lái của họ được tử tế hơn. Để người điều khiển ô tô có tay lái tốt nó nằm ở những khâu khác, trong đó quan trọng nhất là công tác đào tạo.
Bình luận 0

img

Đê xuất được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu ra đã gây xôn xao dư luận (ảnh quochoi.vn)

Hôm qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trong phiên giải trình tại Ủy ban Tư pháp Quốc hội có nói “Chúng tôi cũng đề xuất phương án, tất cả những người mất bằng lái xe phải thi lại để tránh tình trạng lợi dụng việc này xin thêm bằng thứ 2, thậm chí bằng thứ 3”. Ý kiến này của Bộ trưởng Thể đã gây xôn xao dư luận.

Mất bằng lái phải thi lại không làm cho tay lái tử tế hơn

Trao đổi với PV Dân Việt, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nói: Tôi cho rằng đề xuất người mất bằng lái xe phải thi lại là không hợp lý. Bởi vì bằng lái xe cũng giống như các giấy tờ tùy thân khác như chứng minh nhân dân, bằng tốt nghiệp, việc người đang sở hữu không may bị mất hoặc bị thất lạc không tìm lại được đó là chuyện bình thường. Cần phải căn cứ vào hồ sơ gốc để cấp lại chứ sao lại yêu cầu người làm mất phải thi lại.

img

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (VNN).

“Đề xuất như vậy cũng không góp phần làm giảm tai nạn giao thông, cũng không phải là giải pháp để chống bằng lái xe giả, hay chống việc lợi dụng báo mất để được cấp thêm 2 – 3 bằng lái. Vấn đề ở đây cần phải thấy rõ là công tác quản lý cấp bằng lái xe và việc người có bằng lái bị mất là khác nhau. Việc người bị mất bằng lái xe phải thi lại không làm cho tay lái của họ được tử tế hơn. Để người điều khiển ô tô có tay lái tốt nó nằm ở những khâu khác, trong đó quan trọng nhất là công tác đào tạo”, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương nói.

TS Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, đề xuất người mất bằng lái xe phải thi lại là không hợp lý. Mất bằng lái xe có những trường hợp xuất phát từ nguyên nhân bất khả kháng, như mất cắp, đi vào vùng thiên tai không may mưa lũ cuốn trôi. Việc mất bằng lái xe và chuyện cấp lại không liên quan gì đến hành vi vi phạm pháp luật về giao thông.

img

TS Nguyễn Đình Quyền (ảnh IT).

“Tất cả chính sách pháp luật phải có đạo lý. Ví dụ một người luôn chấp hành pháp luật giao thông tốt nhưng vì lý do bất khả kháng nào đó như bị mất cắp giấy tờ trong đó có bằng lái xe thì việc cấp lại cho họ là bình thường. Việc đưa ra quy định người bị mất bằng lái xe phải thi lại là không nên khi bằng đó vẫn còn có giá trị”, TS Nguyễn Đình Quyền nói và cho biết thêm, người dân so sánh nếu mất bằng tốt nghiệp đại học, trung học… mà cũng yêu cầu học lại thì sẽ là chuyện phi thực tế.

Pháp luật phải phản ánh đúng các quy luật khách quan

Vẫn theo TS Nguyễn Đình Quyền, việc mất bằng lái xe với chuyện chống nạn bằng lái xe giả hay việc lợi dụng để cấp thêm 2 -3 bằng không liên quan gì đến nhau. Tất cả bằng lái xe cấp ra đều có nguồn gốc, mất giấy tờ đó có nghĩa người chủ nhân không còn cái trong tay, nhưng đằng sau đó vẫn còn hồ sơ gốc, chẳng hạn học thời gian nào, thi ngày nào, ngày nào cấp bằng lái. Hiện nay công nghệ hiện đại những thông tin đó đều được cơ sở đào tạo lái xe lưu trong dữ liệu điện tử.

"Việc chống tội phạm vi phạm pháp luật về an toàn giao thông cần quyết liệt, nhưng cần phải dựa trên nguyên lý về lý luận pháp luật, không phải quyết liệt mà đưa ra những quy định không phù hợp thực tiễn. Mặc dù pháp luật là do ý chí con người đặt ra nhưng nó phải phản ánh đúng các quy luật khách quan”, TS Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh.

img

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (ảnh quochoi.vn).

Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), ý kiến nêu ra của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể xuất phát từ ý tốt để khắc phục tình trạng lợi dụng cấp lại bằng lái.

“Cần phải lưu ý để có quy định chặt chẽ từ việc đào tạo, cấp bằng lại. Bằng lái xe bị mất nhưng vẫn còn trong thời hạn, thì phải căn cứ vào hồ sơ gốc để cấp lại. Bởi việc mất bằng lái xe không phải do người đó vi phạm về thủ tục cấp mà có thể vì lý do bất khả kháng như mất trộm. Tùy từng tình huống để xử lý, làm sao phù hợp quyền lợi của người dân cũng như đảm bảo quản lý chặt chẽ của cơ quan nhà nước. Tránh tình trạng người không đủ điều kiện cấp bằng lái vẫn được cấp, người điều khiển ô tô không đủ trình độ lái xe vẫn ra đường rồi gây tai nạn thương tâm cho người dân”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem