Tại phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông và giải pháp trong thời gian tới do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể còn đề ra hàng loạt giải pháp cứng rắn để ngăn chặn việc "lách" luật.
Đáng chú ý, trong đó, Bộ trưởng Thể đề xuất “tất cả những người mất bằng lái xe phải thi lại để tránh tình trạng lợi dụng việc này xin thêm bằng thứ 2, thậm chí bằng thứ 3". Chính đề xuất này đã gây ra phản ứng gay gắt và nhiều ý kiến trái chiều khác nhau trong dư luận.
Dựa vào đâu để Bộ GTVT đề xuất mất giấy phép lái xe phải thi lại?
Những phát ngôn của Bộ trưởng Bộ GTVT bị người dân phản ứng mạnh mẽ bởi, Bộ GTVT đã có Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT ngày 7.11.2012, quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.
Trong đó, đã có các quy định rõ ràng về các trường hợp người bị mất giấy phép lái xe được cấp lại. Các quy định tại thông tư 46 được đánh giá khá chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn.
Dẫu biết rằng, việc siết chặt quản lý đào tạo, cấp giấy phép lái xe nhằm đảm bảo và ngăn chặn tình trạng mất an toàn giao thông phức tạp như thời gian qua, bởi một nguyên nhân dẫn tới các vụ tai nạn có nguyên từ việc cấp bằng lái cho những người không đạt yêu cầu đã khiến người dân bức xúc. Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng cần phải nghiên cứu các giải phát quyết liệt và hiệu quả để công bằng hơn với người dân.
Chính đề xuất của Bộ trưởng Thể đã gây ra nhiều khó khăn đối với người dân vì các quy định về cấp mới, cấp lại các loại văn bằng, giấy tờ đều đã được pháp luật quy định rõ, đặc biệt với các trường hợp còn hồ sơ gốc. Từ đó, chẳng có lý do gì mà Bộ GTVT lại đề xuất thêm quy định về cấp lại bằng lái xe cho người dân.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), việc cấp lại giấy phép lái xe phải theo quy định pháp luật, phải có nguyên tắc chứ không phải ai muốn nói thế nào cũng được. Giấy phép lái xe chỉ là chứng nhận khả năng điều khiển phương tiện giao thông và khi đã có giấy phép rồi, điều khiển phương tiện giao thông rồi mà mất bằng thì cấp lại là chuyện bình thường.
Còn việc học lại, thi lại chỉ có thể áp dụng với những trường hợp chưa học lái xe hoặc chưa đủ khả năng lái xe. Bản chất của việc thi lại là phủ nhận kết quả thi trước đây hoặc chưa có gì đảm bảo được trình độ như bằng lái công nhận.
Chúng ta đã có các quy định cụ thể đối với từng trường hợp rồi. Đối với tất cả các loại bằng cấp đều quy định cấp lại, cấp đổi, cấp mới. Các trường hợp bị mất bằng cấp đều có quy định cấp lại.
Không biết dựa vào đâu mà Bộ GTVT đề xuất giấy phép lái xe bị mất phải thi lại. Đến những thứ quan trọng, đắt giá như bằng tốt nghiệp Đại học, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... khi mất, khi hỏng đều có thủ tục cấp đổi, cấp lại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.