Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Nghi vấn về tỷ lệ mù chữ là có cơ sở

San Nguyễn Thứ hai, ngày 13/08/2018 13:59 PM (GMT+7)
“Đúng là số lượng thống kê của chúng tôi về tỷ lệ mù chữ là như vậy. Ba năm gần đây theo khảo sát thì tỷ lệ tái mù tăng lên nên nghi vấn đại biểu đặt ra là có cơ sở và cần phải rà soát lại để nắm được con số chân thực hơn” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận khi được đại biểu chất vấn về con số tỷ lệ mù chữ có chính xác như thống kê.
Bình luận 0

img

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: P.V)

Sáng nay 13.8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về vấn đề giáo dục miền núi trong khuôn khổ phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trả lời chất vấn của đại biểu về giáo dục miền núi, Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, chính sách giáo dục miền núi được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, thời gian qua chúng ta đã ưu tiên đầu tư xây dựng trường lớp, bố trí giáo viên, ban hành các chính sách hỗ trợ cho người dạy, người học. Ví dụ, cấp tiền ăn trưa cho trẻ mẫu giáo; giáo viên dạy tích hợp các môn được hỗ trợ tiền;...

Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu, theo Bộ trưởng rất khó khăn. Cơ sở vật chất trang thiết bị đến nay nhiều địa phương chưa được 50% kiên cố, còn nhiều thiết bị hỏng.Trẻ xa trường lớp nên có hiện tượng bỏ học.

Bộ đã hướng dẫn việc dồn các điểm trường lẻ thành trường chính đồng thời khuyến khích các trường dân tộc nội trú, trong đó không chỉ khuyến khích các học sinh dân tộc thiểu số mà cả học sinh các dân tộc khác sống chung để cùng hòa nhập, giúp đỡ nhau.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đề nghị Bộ trưởng cam kết về tính chân thực của tỷ lệ mù chữ. Bộ trưởng khẳng định cả nước đã xóa mù trên 90%, nhưng thực tế nhiều vùng tỷ lệ này không thể đạt, như báo cáo mới nhất theo tổng cục Thống kê, tỷ lệ mù chữ có nơi lên tới 21%.

“Đúng là số lượng thống kê của chúng tôi về tỷ lệ mù chữ là như vậy. Ba năm gần đây theo khảo sát thì tỷ lệ tái mù tăng lên nên nghi vấn đại biểu đặt ra là có cơ sở và cần phải rà soát lại để nắm được con số chân thực hơn” – Bộ trưởng Nhạ thừa nhận.

Còn với chính sách cử tuyển, trong một khoảng thời gian như từ 2007 về trước, được thực hiện với tỷ lệ rất cao. Cũng từ chính sách này chúng ta chọn được nhiều nhân lực tốt. Nhưng gần đây chính sách này cho thấy hiệu quả hạn chế vì người cử đi học cũng chưa trúng, việc cử đi học cũng không phù hợp với thực tế yêu cầu công việc nên đi học về lại không có việc. Cử tuyển cũng khiến một số học sinh học giỏi thực sự, không thuộc diện cử tuyển về lại không có cơ hội.

Bổ sung thêm phần trả lời Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho rằng vẫn nên duy trì chính sách cử tuyển. Chính bản thân ông cũng là một người được hưởng lợi từ chính sách này.

"Theo chúng tôi tổng hợp, hiện vẫn còn có 3 dân tộc là Rơ Măm, B'râu, Mảng là chưa có người học đại học.  Ngoài ra còn có rất nhiều dân tộc có tỷ lệ tốt nghiệp đại học dưới 1%. Do vậy, chính sách cử tuyển để mang tới hiệu quả cần đúng đối tương, ưu tiên đối với các dân tộc có tỷ lệ dưới 1%. Cư tuyển có địa chỉ, nhưng không châm chước quá về trình độ. Vì nếu đầu vào thấp, không học được, ra trường cũng sẽ không làm được việc"- Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem