Bộ trưởng Tài chính: Thu ngân sách phải dựa vào sức khoẻ doanh nghiệp

Thứ sáu, ngày 08/07/2022 06:50 AM (GMT+7)
“Giá cả hàng hoá tăng cao khiến doanh nghiệp khó khăn. Thu ngân sách nhà nước phải căn cứ vào sức khoẻ doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không tăng sản lượng, không phát triển sẽ không thu được ngân sách”.
Bình luận 0

Đó là nhận định của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tại hội nghị sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2022, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ Tài chính chiều ngày 7/7. Theo Bộ trưởng Phớc, Bộ Tài chính cần tiếp tục thực hiện chính sách tài khoá, chính sách thuế và trình cấp thẩm quyền nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cho biết, nửa đầu năm 2022, thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 941,3 nghìn tỷ đồng, bằng 66,7% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 747,9 nghìn tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ. Có 10/12 khoản thu và nhóm khoản thu nội địa tiến độ thu đạt khá so với dự toán (trên 55%), còn 2 khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán (thu thuế bảo vệ môi trường và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước).

Tổng chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt 713 nghìn tỷ đồng, bằng 40% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 28,6%, chi thường xuyên đạt 45,8%, chi trả lãi đạt 50,1% dự toán.

Bộ trưởng Tài chính: Thu ngân sách phải dựa vào sức khoẻ doanh nghiệp - Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, nguồn thu từ sản xuất kinh doanh chiếm 50% tổng thu nội địa trong nửa đầu năm 2022. Sau nhiều năm duy trì ở mức thấp, nhờ chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế triển khai từ đầu năm tới giới, nhiều lĩnh vực kinh tế ảnh hưởng nặng nề trong nửa cuối năm 2021 đã phục hồi, tăng trưởng trở lại trong 6 tháng đầu năm 2022. Từ đó, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước như thu ngân sách từ khai khoáng, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, doanh nghiệp kho bãi, vận chuyển, doanh nghiệp ngành lưu trú, du lịch tăng trở lại.

Trong 6 tháng cuối năm 2022, Bộ Tài chính đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm triển khai nhiệm vụ ngân sách nhà nước như: Tập trung triển khai kịp thời, trọng tâm, trọng điểm các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Phấn đấu hoàn thành và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 đã đề ra. Điều hành chi NSNN năm 2022 theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, bảo đảm dự toán thu và giảm áp lực chi NSNN.

Bộ Tài chính siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch. Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại của Ban chỉ đạo 389 quốc gia để chống buôn lậu, gian lận thương mại; thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm toán.


Quỳnh Nga (tienphong.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem