Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trên chiếc trực thăng SH60 trên tàu USNS Mercy
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chiều 27-8 đã lên tàu bệnh viện USNS Mercy (T-AH-19) đang neo đậu tại cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) để tham gia cuộc diễn tập y tế cứu trợ thảm họa trong khuôn khổ chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2015 (PP15) diễn ra tại TP Đà Nẵng.
Cùng tham gia sự kiện này có Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius, các cán bộ thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Hoạt động diễn tập cứu trợ thiên tai lần này diễn ra trên toàn TP Đà Nẵng và trên tàu bệnh viện USNS Mercy ở cảng Tiên Sa. Tình huống giả định của cuộc diễn tập là sau khi xảy ra động đất ở ngoài khơi Philippines gây ra sóng thần cao 12 m tấn công Đà Nẵng trong nhiều giờ. Cuộc diễn tập y tế và thảm hoạ ven biển này giúp các nhân viên y tế và ứng phó khẩn cấp của Việt Nam xử lý tình huống và đưa người bị thương ra tàu USNS Mercy.
Sáng 27-8, các buổi diễn tập cứu trợ thảm hoạ diễn ra trên đất liền, tại trung tâm cấp cứu 115 của TP Đà Nẵng và chiều cùng ngày diễn ra tại tàu bệnh viện USNS Mercy.
“Cuộc diễn tập liên quan đến 50 trường hợp thương vong. Một phần cuộc diễn tập diễn ra trên tàu Mercy, số thương vong xảy ra trên bờ được đưa đến đây và chúng tôi đưa các nhân viên phụ trách y tế của Việt Nam đến, chỉ cho họ thấy chúng tôi thực hiện việc diễn tập di tản với số lượng thương vong lớn như thế nào” - Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Úc Ken Walters tham gia cuộc diễn tập cho biết.
Sân trực thăng trên boong tàu USNS Mercy với 2 nhà chứa 2 trực thăng MH60S
Đại sứ Mỹ Ted Osius trên trực thăng
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Đại sứ Ted Osius ngồi ghế lái máy bay trực thăng trên tàu USNS Mercy
Phát biểu khi chứng kiến và tham gia diễn tập, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius nhấn mạnh: “Các hoạt động hợp tác này là chưa từng có và chắc chắn là không thể tưởng tượng được khi tôi lần đầu tiên tới làm việc tại Việt Nam cách đây 20 năm. Điều đó cho thấy hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai hiện là và vẫn sẽ là ưu tiên của cả 2 nước. Trong năm kỷ niệm 20 năm bình thường hoá quan hệ 2 nước Việt Nam - Mỹ, chúng ta đã thúc đẩy hơn nữa cách tăng cường năng lực của chúng ta để cùng nhau đối phó với các khủng hoảng để chăm sóc cho những người bị thương và để bảo vệ cộng đồng và gia đình của chúng ta”.
Chứng kiến và tham gia buổi diễn tập, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Đại sứ Mỹ Ted Osius đã lên chiếc trực thăng cứu hộ trên boong tàu bệnh viện.
Nhớ về giây phút này, Đại sứ chia sẻ trên facebook cá nhân: “Hôm nay, trên con tàu bệnh viện USNS Mercy tại cảng Đà Nẵng, khi cánh quạt của một chiếc trực thăng Mỹ xoay tít - thời điểm này biểu tượng cho quan hệ đối tác, nỗ lực và hợp tác hiệu quả mà Chính phủ Việt Nam, TP Đà Nẵng, cán bộ y tế và công dân ở đây đã cho Hải quân Mỹ thấy trong suốt 2 tuần làm việc của Chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2015. Với hơn 250 sự kiện, nhóm y tế hỗn hợp của hai bên không chỉ điều trị cho những bệnh nhân có nhu cầu thật sự ở đây, mà còn - và quan trọng và lâu bền hơn, truyền lửa cho cán bộ y tế địa phương qua các buổi trao đổi đào tạo. Chất lượng các cán bộ y tế Việt Nam rất tốt và ngang bằng với chất lượng tốt nhất ở bất cứ nơi đầu trên thế giới”.
Tàu bệnh viện USNS Mercy (T-AH-19) và tàu cao tốc USNS Millinocket (JHSV 3) đã đến Đà Nẵng vào ngày 17-8 để tham gia vào điểm đến cuối cùng trong Chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2015(PP15). Tàu bệnh viện USNS Mercy thuộc Bộ Tư lệnh Hải vận Quân sự, đây là lần thứ tư tàu đến Việt Nam, các lần trước, tàu đến Nha Trang năm 2008, Quy Nhơn năm 2010, Vinh năm 2012.
Tàu bệnh viện USNS Mercy của Mỹ nguyên là một tàu chở dầu, hoạt động từ năm 1975 đến 1984. Sau đó, hải quân Mỹ chi 280 triệu đô để hoán cải nó thành tàu bệnh viện. Tháng 11-1986 USNS Mercy chính thức được đưa vào biên chế. Tàu dài hơn 272 m, rộng hơn 32 m, cao tương đương một tòa nhà 10 tầng tính từ mặt nước.Tốc độ 17,5 hải lý (32,41 km/h). Lớp tàu Mercy có chiều dài lớn thứ 2 trong các lớp tàu của hải quân Mỹ, sau tàu sân bay lớp Nimitz.
Quy trình tiếp nhận bệnh nhân: 1) bệnh nhân đến qua cửa bên dưới phía mũi tàu hoặc bằng trực thăng hạ cánh trên boong 2) tiếp nhận ở khu cấp cứu 3) chiếu chụp 4) tiền phẫu 5) phẫu thuật 6) hồi sức 7) điều trị nội trú.
Đặc biệt, thiết bị y tế trên con tàu này đều thuộc hạng tối tân. Khu cấp cứu có 50 giường với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, máy thở ô xy, các màn hình hiển thị tình trạng bệnh nhân. Trong khu cấp cứu có phòng chụp X quang và các máy X quang di động. Các máy này đều là kỹ thuật số, xem ảnh trên máy tính, không cần phim, gửi hình ảnh theo đường không dây (wireless) thẳng từ nơi chụp đến cho bác sỹ. Máy chụp cắt lớp CT nằm gần phòng cấp cứu.
Tàu có quy mô 1.000 giường bệnh, 11 phòng phẫu thuật. Các phòng này rất rộng. Nếu cần thiết có thể tăng thành 2 bàn mổ mỗi phòng. Tàu Mercy có 2 cơ sở tự sản xuất ra ô-xy phục vụ việc khám chữa bệnh
Trên boong tàu có sân trực thăng với 2 nhà chứa 2 trực thăng MH60S. Giáp sân trực thăng là xuồng cấp cứu và các thuyền cứu nạn. Có 2 xuồng, mỗi xuồng chở được 6 người nằm trên cáng hoặc 50 người bình thường. Tàu có 8 thuyền cứu nạn, mỗi thuyền chở được 60 người, ngoài ra còn có các bè cứu nạn tự bơm hơi.
Chuyến thăm lần này, tàu bệnh viện USNS Mercy mang theo hơn 800 người trong đó có 300 y bác sĩ, còn lại là lực lượng công binh, nhân viên xét nghiệm,…
|
D.Ngọc - Phạm Trọng Thức (Người lao động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.